Xử lý những con "cò" táng tận lương tâm

12/11/2020 09:21

Phải nghiêm trị những kẻ lừa lọc người dân nhưng trước hết cần phải thanh lọc những tư tưởng cho rằng "cò" là cần thiết.

Không phải đến tận bây giờ khi báo chí vào cuộc, những con "cò" trước cổng Bệnh viện K (Hà Nội) táng tận lương tâm lừa đảo cả những bệnh nhân ung thư mới được biết đến. Nếu từng đi thăm khám ở các bệnh viện tại thủ đô, không ít người đều biết thực trạng này nhức nhối đã lâu, kéo dài nhiều năm, hại biết bao nhiêu người khốn khó.

Lũ "cò" này cũng không còn xa lạ ở Hải Dương. "Cò" đã từng rải khắp các bộ phận "một cửa", ở cổng các cơ quan, đơn vị giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC), dịch vụ công... để lừa đảo người dân. Trước cổng Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh lâu nay, mặc kệ loa phát thanh liên tục cảnh báo người dân nên vào thẳng trung tâm, không liên hệ với "cò" để giải quyết TTHC nhưng những đối tượng này vẫn ngang nhiên hoạt động. Bằng nhiều thủ đoạn, chúng lừa đảo, lôi kéo, dụ dỗ người dân đưa tiền và hứa hẹn thực hiện giúp các TTHC. Nhưng thực tế, theo quan sát và cam kết của lãnh đạo, cán bộ trung tâm, không "cò" nào thay thế được cán bộ, nhân viên trung tâm trong tiếp nhận, giải quyết các TTHC.

Trực tiếp xem "cò" lừa đảo ra sao, chúng tôi đã gặp gỡ, đưa tiền cùng hồ sơ, giấy tờ nhờ làm "hộ" TTHC. Nhưng sau khi nhận tiền, chúng đều hướng dẫn mọi người tự đem hồ sơ vào trung tâm, tự bấm số thứ tự, đến nộp hồ sơ tại các quầy tiếp nhận như quy định đã được công khai. Còn bọn chúng thì lảng trốn hoặc hứa hẹn sẽ gọi điện khi có kết quả. Trong khi kết quả giải quyết TTHC được công khai và có thể trả tận tay người dân qua dịch vụ bưu chính công ích. Thế nhưng vì nhẹ dạ, vẫn có người mất tiền oan cho "cò".

Rồi "cò" du học, "cò" việc làm, "cò" giấy khám sức khỏe... ở đâu có nhu cầu, ở đó có những kẻ sẵn sàng đưa đẩy để lừa kiếm những đồng tiền bất chính.

Vậy mà thật đáng buồn, tại một cuộc họp gần đây để tìm ra những hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính của một đơn vị nọ, có một cán bộ phụ trách chính lĩnh vực này lại đi bênh vực cho "cò". Lý lẽ người này đưa ra là "ở đâu có cung, ở đó có cầu", sự cần thiết của "cò" là có thể hỗ trợ nhiều người chưa thông thạo, chưa hiểu về quy trình thực hiện các TTHC. Cụ thể, người này dẫn chứng, có loại "cò" chuyên gom một loạt TTHC cần giải quyết của một nhóm người, rồi thay họ đi nộp, đi nhận kết quả. Đổi lại, người chi tiền cho "cò" không phải mất thời gian, công sức, không phải tìm hiểu về các quy định, quy trình giải quyết TTHC...

Tôi đã từng trao đổi với lực lượng công an địa phương về việc xử lý tình trạng "cò" TTHC và được biết hiện rất vướng. Vướng vì dù biết mình bị lừa nhưng không muốn liên lụy nên nhiều người tặc lưỡi cho qua và không trình báo cơ quan công an. Bởi vậy, không có cơ sở để điều tra, xử lý. Không xử lý được nên "cò" tự tung, tự tác. "Cò" lôi kéo, móc ngoặc, lừa đảo, ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan nhà nước, cán bộ, làm mất lòng tin của nhân dân, doanh nghiệp.

Ý kiến bênh vực "cò" như trên may thay chỉ rất hiếm hoi và không thuyết phục được nhiều người. Nhưng nguy hiểm là từ những suy nghĩ đó có thể tiếp sức cho vấn nạn này có đất sống. Một bộ phận người dân vì không chịu tìm hiểu, tâm lý muốn việc gì cũng nhanh gọn nên càng tiếp tay cho "cò" lừa lọc, có đất để dụng võ.

Không ai không căm phẫn khi nhìn những bệnh nhân ung thư đau đớn lại càng khổ sở khi dại dột mất tiền cho bọn bất lương. Và không thể không xử lý chúng vì chỉ ngay sau khi báo chí nêu cơ quan công an đã triệu tập các đối tượng liên quan. Như vậy, không phải cứ cái gì có cung là ắt có cầu. Theo tôi, phải nghiêm trị những kẻ lừa lọc người dân nhưng trước hết cần phải thanh lọc những tư tưởng cho rằng "cò" là cần thiết.

THU MINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xử lý những con "cò" táng tận lương tâm