Cuối năm, nhiều lao động tự do ở Hải Dương đi tìm việc làm thêm để trang trải cuộc sống gia đình, nhất là chuẩn bị cho một cái Tết cận kề.
Cuối năm, áp lực công việc dồn lên vai nhiều người khi giá cả ngày càng tăng, còn thu nhập thì không kịp chi tiêu. Làm việc cả ngày gần như không một lúc nghỉ ngơi, chị Nguyễn Thị Mơ ở khu Đồng Văn, thị trấn Phú Thái (Kim Thành) cho biết ngày nào cũng một nhịp sống ấy, tất bật, hối hả cho đến đêm muộn đi ngủ mới thấm mệt. Thu nhập hằng ngày của gia đình chị Mơ phụ thuộc vào việc bán hàng ăn sáng nên không đáng là bao, chị phải tìm nhiều việc khác để làm thêm tại nhà.
Vợ chồng chị Mơ có 3 con đang tuổi ăn, tuổi học, mỗi tháng phải mất một khoản chi phí lớn. Gần về thời điểm cuối năm đòi hỏi nhiều thứ phải dùng đến tiền nên chị thường xuyên lên mạng tìm việc làm thêm ở nhà. Ở đâu tìm người gia công hàng hóa tại nhà là chị lại nhắn xin việc. Nhiều lần chị bị lừa vì người đăng tải thông tin “công việc làm tại nhà lương cao” không có thật. Khi chị vào hỏi thông tin thì được hướng dẫn đến một số website đăng ký thành viên, dù chưa mất tiền nhưng lại mất thời gian, không được việc. Giờ đây chị đã tìm được một mối hàng để gia công tại nhà nhưng nếu không nhanh thì cũng không “tranh” được việc. Chị Mơ nói: “Thời buổi của khó, người đông, chỉ cần cơ sở sản xuất báo có hàng là mình phải nhanh chân mới lấy về làm được”. Hiện chị Mơ đang làm một số việc như khâu thú bông, làm quạt giấy... Cứ luôn tay luôn chân miệt mài mỗi tiếng chị thu nhập từ 15.000 - 20.000 đồng. Vừa trông con nhỏ, vừa chuẩn bị nguyên liệu nấu đồ ăn sáng để bán nên chị chỉ tranh thủ làm thêm được lúc nào hay lúc ấy. Chị Mơ lo lắng nếu không làm thì Tết không có tiền tiêu. Cũng vì áp lực kinh tế, giá thực phẩm, xăng dầu tăng liên tục nên từ lâu chị không dám mua gì cho riêng mình, các khoản chi tiêu không cần thiết đều cắt giảm hẳn.
Ngày nào chị Nguyễn Thị Thúy ở xã Thanh Xuân (Thanh Hà) cũng lóc cóc đi chiếc xe đạp điện cũ lên TP Hải Dương để làm thêm ở một cửa hàng ăn. Dù ở nhà bao lâu nay chị vẫn chăn nuôi, trồng trọt nhưng làm nông nghiệp thì không đủ ăn, chăn nuôi lại thua lỗ. Cuộc sống khó khăn, chị Thúy thấy cần bươn chải nhiều hơn mới có tiền nuôi con ăn học vì các khoản chi tiêu trong gia đình ngày càng tốn kém. Làm ở cửa hàng bán đồ ăn, chị Thúy được nghỉ chủ nhật nên ai có việc gì thuê vào ngày này chị cũng nhận lời, có lúc thì dọn dẹp vườn tược, có lúc thì phụ xây… “Công việc dù không ổn định nhưng đến đâu biết đến đấy, thậm chí có lúc không dám ăn, chịu khó làm việc mới có tiền trang trải”, chị Thúy chia sẻ.
Cùng hoàn cảnh đó, nhiều lao động dù có việc làm vẫn kiếm thêm việc với mong muốn chuẩn bị cho một cái Tết đủ đầy. So với những năm trước, tình hình kinh tế năm nay khó khăn, ảnh hưởng mọi mặt đời sống người lao động. Chị Bùi Thị Duyên, công nhân Công ty TNHH Phát triển và Dịch vụ thương mại Kim Sơn (Chí Linh) cho biết thu nhập chưa được chục triệu đồng/tháng, chị phải thắt lưng buộc bụng đủ kiểu mới đủ trang trải cho gia đình 4 người.
Sau dịch Covid-19 và chiến sự diễn ra ở nhiều nước trên thế giới đã ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp và người lao động trong nước, tạo ra làn sóng mất việc làm hàng loạt. Không có việc, nhiều lao động vùng sâu, vùng xa bỏ về quê không quay lại. Dù thị trường lao động đang khả quan hơn so với những tháng đầu năm nhưng người lao động thất nghiệp, việc làm bấp bênh trong tỉnh vẫn còn nhiều. Từ lao động có việc làm ổn định, nhiều người trở thành lao động tự do, chạy đua với thời gian kiếm tiền tiêu Tết. Vì thế trong thời điểm này, người lao động hãy là những người tiêu dùng thông minh, tiết kiệm.
Càng về cuối năm, nhu cầu việc làm càng tăng cao dù ở thành thị hay nông thôn. Thực tế hiện nay trên các trang mạng xã hội có nhiều hình thức lừa đảo việc làm khác nhau, nếu không tỉnh táo, người lao động dễ sa vào bẫy vừa mất tiền mà còn không tìm được việc.
MINH NGUYÊN