Sau một năm dịch bệnh khó khăn, nhiều người trẻ buộc phải tiết kiệm, tính toán nhiều hơn để dành tiền tiêu Tết.
Máy ảnh, túi xách, máy sấy tóc, gói dịch vụ spa… là những thứ mà Vũ Thị Hồng Nhung (quận Thanh Xuân, Hà Nội) dự định mua vào dịp cuối năm âm lịch, sau khi nhận tiền thưởng Tết từ công ty.
Thế nhưng cận kề Tết Nguyên đán, cô gái 26 tuổi hủy bỏ kế hoạch mua sắm cho riêng mình. Bánh mứt, thực phẩm, quà biếu gia đình mới là những món đồ cô quyết định chi tiêu.
“Năm nay, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên thu nhập của tôi giảm nhiều so với những năm trước đó. Khoản thưởng Tết không quá cao, lại thêm số tiền tiết kiệm còn hạn chế, tôi chấp nhận cắt giảm chi tiêu cá nhân để dành tiền sắm Tết, biếu gia đình”, Hồng Nhung chia sẻ.
Năm nay, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên thu nhập của nhiều người trẻ giảm so với những năm trước đó. Họ phải cắt giảm chi tiêu cá nhân để dành tiền sắm Tết, biếu gia đình. Ảnh minh họa: Khánh Huyền
Tương tự Hồng Nhung, nhiều người trẻ mang lo lắng về một cái Tết thiếu thốn sau một năm thất thu.
Theo khảo sát Tết Insight 2021 (thực hiện bởi Adtima), 33% người dùng e ngại về việc chi tiêu quá nhiều vào dịp Tết và có 17% lo sợ không thể chuẩn bị một cái Tết sung túc cho gia đình mình.
Cũng theo khảo sát, người dùng ngày nay chỉ mua 4 nhóm sản phẩm chính trong Tết, gồm: lương thực thực phẩm, đồ dùng gia đình, đồ dùng chăm sóc cá nhân và các sản phẩm thời trang.
Cắt giảm tối đa
Theo Nhung, hàng năm, cô dành ra khoảng 20 triệu đồng tiêu Tết. Đây là khoản tiền để mua sắm đồ dùng trong gia đình, biếu mẹ, lì xì người thân và tụ tập, gặp gỡ bạn bè.
Sau nhiều năm đi làm, đối với Nhung, đây không phải số tiền ngoài khả năng chi trả.
Hồng Nhung gác lại kế hoạch mua sắm cá nhân để dành tiền tiêu Tết
Tuy nhiên, năm 2021 vừa qua với nhiều tháng giãn cách xã hội, cô không duy trì được thu nhập ổn định như trước đây, đành cân đối lại tài chính cá nhân để bảo đảm khoản tích lũy cố định.
“Năm qua, tôi ở nhà suốt nhiều tháng dài do giãn cách, dù vẫn có việc làm nhưng thu nhập rất bấp bênh. Tôi đã phải dùng đến tiền tiết kiệm để sinh hoạt. Hiện tại, dịch bệnh vẫn phức tạp, tôi nghĩ mình cần tiêu pha dè sẻn hơn để đề phòng biến cố có thể xảy ra trong thời gian tới”, Nhung nói.
Không chỉ hạn chế mua sắm, Nhung còn từ chối nhiều dịp du lịch, cuộc hẹn ăn uống tất niên cùng đồng nghiệp, bạn bè.
“Tôi vẫn tham gia nhiều cuộc vui với những người bạn thân quen, nhưng không nhiều như năm ngoái. Đây cũng là cách tôi hạn chế khả năng lây nhiễm dịch bệnh, đợt này tình hình dịch khá căng thẳng mà”, cô bày tỏ.
Tương tự, Hồ Thúy Hạnh (24 tuổi, quận 7, TP Hồ Chí Minh) cũng phải “thắt lưng buộc bụng” để dành tiền chi tiêu cho dịp Tết.
Từ giữa tháng 12.2021, Hạnh đã mua xong vé máy bay để về Hà Nội đón năm mới cùng gia đình. Cô đặt vé sớm đến một tháng nhằm mua được giá rẻ, tiết kiệm chi phí di chuyển.
Thúy Hạnh đặt vé máy bay từ sớm để có được mức giá tiết kiệm
Ngoài ra, cô gái cũng hoãn lại dự định đi du lịch Phú Quốc một mình. Đây là kế hoạch cô đã ấp ủ từ lâu, nhưng vẫn quyết định dời lại sang năm mới, ưu tiên dùng tiền cho những nhu cầu cần thiết hơn vào dịp Tết.
“Bố mẹ tôi gọi điện vào nói rằng chỉ mong tôi khỏe mạnh trở về nhà. Nhưng từ góc độ của mình, tôi vẫn muốn mua quà, dành sự quan tâm đến gia đình để ngày Tết thêm rộn ràng, ý nghĩa. Làm vất vả cả năm rồi, Tết không phải lúc để tôi tiết kiệm”, Hạnh tâm sự.
Đừng để "cháy túi"
Trong khi đó, đối với Trần Thanh Thảo (25 tuổi, ngụ Nam Từ Liêm, Hà Nội), sau một năm 2021 đầy rẫy khó khăn vì dịch bệnh, cô cân nhắc ăn Tết theo kiểu “bình thường mới”.
“Năm vừa qua, ai cũng gặp khó vì dịch. Tết nhất mua sắm xông xênh thì vui đấy, nhưng tôi không muốn bị ‘cháy túi’ chỉ vì vài ngày Tết”, cô nói.
Thảo cho biết trước Tết Nguyên đán khoảng 3 tuần, cô đã ghi cụ thể ra giấy những khoản chi tiêu bao gồm đồ dùng cần mua cũng như dự trù số tiền biếu gia đình, lì xì trẻ nhỏ.
Thảo ghi sẵn ra giấy một số khoản cần chi tiêu cho dịp Tết
Cuối năm, nhiều cửa hàng, siêu thị tung chương trình giảm giá, bày bán nhiều loại sản phẩm hấp dẫn. Để tránh sa đà mua sắm không cần thiết, Thảo chủ yếu mua sắm trên các sàn thương mại điện tử, quyết tâm chỉ mua theo kế hoạch ban đầu.
“Năm nay, tôi còn thử sức làm kẹo và mứt để mang về nhà, đồng thời dành tặng một số mối quan hệ thân thiết. Sau một năm dịch bệnh đầy mệt mỏi, tôi tin rằng ai cũng muốn đón nhận năm mới ấm áp, nhẹ nhàng và quan tâm lẫn nhau”, cô gái quê Nam Định bộc bạch.
Cùng quan điểm, Lê Toàn (24 tuổi, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) cho rằng mình không cổ súy cho tư tưởng chắt bóp, tằn tiện khi tiêu Tết mà muốn nhấn mạnh sự chi tiêu hợp lý, phù hợp với tình hình kinh tế cá nhân.
Năm nay, nam nhân viên ngân hàng dự định chi tiêu khoảng 20 triệu đồng cho dịp Tết. Trong đó, anh chủ yếu chỉ dành biếu bố mẹ, lì xì người thân, mua sắm một số đồ dùng mới trong gia đình và mua quà biếu gia đình người yêu.
Cận Tết, nhiều người phải cân nhắc chi phí đi lại, mua sắm, chi tiêu. Ảnh minh họa: Khánh Huyền
Những cuộc vui ăn uống, tụ tập cùng bạn bè như mọi năm, anh sẽ xem xét và chỉ tham gia với nhóm bạn thật sự thân thiết.
“Mới đi làm được vài năm, tôi chưa dành dụm được nhiều tiền nên muốn tập trung chi tiêu cho gia đình trước. Từ chối gặp gỡ bạn bè liên tục vào ngày Tết sẽ giúp tôi tiết kiệm được số tiền đáng kể, đặc biệt là hạn chế được nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh”, anh cho hay.
Tuy vậy, Toàn vẫn cho rằng số tiền mình thực chi ngày Tết sẽ vượt ngoài dự tính.
“Nếu buộc phải chi tiêu nhiều hơn trong những ngày Tết, tôi có thể dùng đến thẻ tín dụng rồi bù tiền sau. Nhưng đó chỉ là giải pháp ‘cấp cứu’ mà thôi, không ai muốn vừa sang năm mới đã gánh một khoản nợ”, Toàn cười và nói thêm.
Theo Zing