Xét tặng danh hiệu văn hóa: Để không còn bệnh hình thức

19/10/2019 16:52

Năm nay, tỉnh ta chủ trương không nâng chỉ tiêu xét tặng danh hiệu văn hóa mà duy trì số lượng, thậm chí giảm chỉ tiêu để bảo đảm đúng thực chất.


Người dân ở xã Nhân Quyền (Bình Giang) thảo luận về thang điểm trong những tiêu chí xét duyệt danh hiệu “Gia đình văn hóa”

Tháng 11.2018, Nghị định 122/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa (GĐVH)”; “Khu dân cư (KDC) văn hóa”, “Làng văn hóa”… chính thức có hiệu lực. Nghị định này từng bước nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Tín hiệu tích cực

Từ khi ra đời, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” mang lại nhiều thay đổi tích cực cho đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân. Tuy nhiên, phong trào cũng bộc lộ một số bất cập, hạn chế như cách thức xét tặng danh hiệu chưa chặt chẽ, tổ chức bình xét còn mang tính hình thức dẫn đến tình trạng “phổ cập” danh hiệu văn hóa...

Điểm nổi bật của Nghị định 122/2018/NĐ-CP là đưa ra các nguyên tắc cơ bản để bình xét và 4 nhóm giải pháp xét tặng các danh hiệu văn hóa gồm xây dựng tiêu chí bình xét danh hiệu; thang điểm, phương thức chấm điểm; quy trình xét tặng và biện pháp quản lý nhà nước. Nghị định cũng quy định rõ nhóm trường hợp không được bình xét giúp cho việc thực hiện quy trình, thủ tục thuận lợi hơn.

Việc bình xét, công nhận danh hiệu phải bảo đảm nguyên tắc khách quan, công bằng, chính xác và công khai. Tất cả được thực hiện trên cơ sở tự nguyện, chỉ xét tặng khi gia đình, KDC có đăng ký tham gia. Quy định này đã khắc phục bệnh hình thức trong xét duyệt danh hiệu.

Ở Hải Dương, đầu năm 2019, cơ quan thường trực là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã sớm tham mưu với UBND tỉnh xây dựng thang điểm phù hợp với đặc thù của tỉnh.

Một số tiêu chí người dân thực hiện chưa thật tốt như thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; giữ gìn vệ sinh môi trường; xây dựng thiết chế văn hóa; giữ gìn an ninh trật tự… đều được nâng thang điểm khi xét danh hiệu “GĐVH”, “Làng văn hóa”, “KDC văn hóa” nhằm khuyến khích người dân thực hiện.

Từ đầu năm 2019, huyện Ninh Giang đã tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cho các làng, KDC, phát động các gia đình đăng ký tham gia. Cấp xã hướng dẫn đăng ký, xét tặng danh hiệu “GĐVH” trên cơ sở 3 tiêu chuẩn quy định tại nghị định.

Có 2 hình thức là phát mẫu phiếu đăng ký xây dựng "GĐVH" và lập bản danh sách chung. Trưởng thôn, KDC làm nhiệm vụ chủ trì phát động các gia đình đăng ký thi đua. Năm 2019, toàn huyện có 44.653 hộ đăng ký xây dựng “GĐVH”, đạt 93,28%; 100% số làng có bản đăng ký tham gia xây dựng danh hiệu “Làng văn hóa”, “KDC văn hóa”.

Không làm cho có

Nghị định cũng quy định siết chặt hơn về việc khen thưởng. Theo đó, chỉ tặng giấy khen cho không quá 15% tổng số gia đình được công nhận danh hiệu “GĐVH” đủ 3 năm liên tục và 15% tổng số KDC được công nhận danh hiệu “KDC văn hóa” đủ 5 năm liên tục. Trước những quy định này, nhiều người nhận định tỷ lệ đạt danh hiệu văn hóa sẽ giảm.

Ở xã Nhân Quyền (Bình Giang), từ năm 2006, 100% số làng trong xã đạt danh hiệu “Làng văn hóa”, tỷ lệ “GĐVH” qua các năm đều đạt 92-95%.

Khi áp dụng xét duyệt theo thang điểm mới, ông Nguyễn Văn Lợi, cán bộ văn hóa xã cho rằng tỷ lệ trên sẽ giảm, bởi khi áp vào các tiêu chí cụ thể thì sẽ có trường hợp không đáp ứng đủ yếu tố, đồng nghĩa với việc chất lượng danh hiệu sẽ được nâng lên.

Tương tự, TP Chí Linh cũng có tỷ lệ đạt danh hiệu văn hóa khá cao. Sau sáp nhập, thành phố có 145 làng, KDC văn hóa, chiếm 92,6%, khoảng 90,2% số hộ đạt “GĐVH”. Khi tiến hành xét duyệt theo quy định mới, có thể tỷ lệ này sẽ giảm xuống.

Các địa phương đang trong giai đoạn nước rút tiến hành thẩm định và xét duyệt danh hiệu văn hóa, kết quả sẽ được công bố vào dịp cuối năm.

Khảo sát ở một số địa phương cho thấy bên cạnh những nơi tiến hành tập huấn, tuyên truyền cho cán bộ các cấp quy trình xét duyệt thẩm định danh hiệu văn hóa theo nghị định mới thì vẫn còn những nơi cán bộ mơ hồ về tiêu chí xét duyệt, chưa phân biệt được điểm mới…

Rõ ràng Nghị định 122/2018/NĐ-CP đã quy định rất cụ thể cách thức xét duyệt danh hiệu nhưng triển khai hiệu quả đến đâu thì vẫn còn phải đợi sự sâu sát, quyết liệt từ các địa phương.

Tuy nhiên, bản thân yếu tố không đề cập đến chỉ tiêu của Nghị định 122/2018/NĐ-CP sẽ phần nào giảm thiểu việc xét duyệt kiểu hình thức đã tồn tại nhiều năm qua.

Nhận định về cơ bản Nghị định 122/2018/NĐ-CP đã tạo thuận lợi cho việc thẩm định, xét duyệt danh hiệu văn hóa, ông Phạm Tuấn Phong, Phó Trưởng Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết năm nay, Hải Dương chủ trương không nâng chỉ tiêu xét tặng danh hiệu văn hóa mà duy trì số lượng, thậm chí giảm chỉ tiêu để bảo đảm đúng thực chất. Sở đã tổ chức lớp tập huấn cho lãnh đạo các cấp có liên quan, đồng thời kiểm tra chỉ đạo thực hiện ở các địa phương…

Hy vọng với quy định mới, các địa phương sẽ thực hiện đúng, giảm thiểu được những bất cập đã tồn tại nhiều năm qua.

HUYỀN ANH

Tính đến tháng 6.2019, toàn tỉnh có 495.523 gia đình được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”, đạt 88,6% và 1.330 làng, khu dân cư được công nhận danh hiệu văn hóa, đạt 93,4%.  

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xét tặng danh hiệu văn hóa: Để không còn bệnh hình thức