Khi vật nuôi chết, thay vì chôn hoặc tiêu hủy, không ít người dân ở Hải Dương thường ném xác xuống sông, kênh, mương gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước, thậm chí có thể làm lây lan dịch bệnh.
Ô nhiễm các dòng chảy
Vừa qua, trên sông Thái Bình đoạn qua TP Hải Dương nhiều hộ nuôi cá lồng chịu thiệt hại nặng nề khi cá chết hàng loạt. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ ngày 28/3-8/4, khoảng 400 hộ với hơn 4.000 lồng có cá chết, lượng cá chết ước 1.000 tấn. Khoảng 30 hộ có số cá chết chiếm hơn 30% sản lượng, tập trung ở xã Tiền Tiến, phường Nam Đồng (TP Hải Dương).
Mặc dù đã được thu gom nhưng theo dòng nước vẫn có nhiều cá lồng chết trôi vào phía trong sông Sặt thuộc địa bàn TP Hải Dương. Ngay khi có hiện tượng này, Công ty CP Quản lý công trình đô thị Hải Dương đã cử nhân viên, phương tiện hỗ trợ vớt cá. Nhưng do lượng cá chết nhiều nên vẫn còn tình trạng cá chết nổi gần bờ sông, có những con phân hủy gây mùi khó chịu, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân khu vực xung quanh.
Khác với việc cá chết do yếu tố khách quan, nhiều người dân vẫn quen mang xác động vật chết vứt xuống sông, kênh, mương như một cách tiêu hủy rác. Khi gia súc, gia cầm chết, nhiều người chỉ cho vào túi ni lông hoặc bao tải sau đó vô tư thả trôi sông. Do ở ngoài môi trường lâu ngày không được xử lý đúng cách nên xác động vật bị phân huỷ, bốc mùi hôi thối cả một khu vực.
Anh Đỗ Văn Khánh, khu 9, phường Ngọc Châu (TP Hải Dương) hiện ở cùng gia đình trên con đò nhỏ ven sông Thái Bình. Vì sống ở trên sông nên việc có nhiều xác động vật chết trôi vào cạnh thuyền không phải là chuyện hiếm. “Có người cho xác vật nuôi vào túi ni lông hoặc bao tải, nhưng cũng có người ném thẳng xác động vật xuống sông. Có lần xác động vật chết trôi, nước lên cao rồi rút xuống bị mắc lại bờ kè gần thuyền tôi đỗ. 1-2 hôm sau bốc mùi hôi thối, cả nhà tỏa ra đi tìm mãi mới thấy để chôn cho đỡ ô nhiễm”, anh Khánh kể lại.
Cũng theo lời anh Khánh, cách đây vài năm, thấy có bao tải to trôi trên sông, nhìn hình dáng của bao tải anh liên tưởng tới việc có thể có người bị giết hại rồi đem thả trôi sông. Không dám tự ý động vào chiếc bao tải ấy, anh Khánh cùng vài người hàng xóm kéo vào bờ rồi báo cho chính quyền địa phương. Tuy nhiên, khi chiếc bao tải được mở ra, mọi người mới thấy đây là xác của một con lợn.
Việc người dân mang xác động vật ném xuống sông, kênh, dòng chảy không chỉ gây ô nhiễm môi trường, mà đối với những vật nuôi bị chết do dịch bệnh thì còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Chỉ tuyên truyền thôi chưa đủ
Hệ thống sông ngòi, kênh mương của Hải Dương khá nhiều và trải đều ở khắp các địa phương trong tỉnh, để bảo vệ nguồn nước phải xuất phát từ ý thức của mỗi người dân.
Theo lãnh đạo Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài Nguyên và Môi trường), đối với rác thải là xác động vật chết đều có hướng dẫn cụ thể khi xử lý, nhất là đối với trường hợp gia súc, gia cầm nhiễm bệnh cần được xử lý theo quy định để tránh lây lan dịch bệnh. Nghị định 90/2017/NĐ-CP đã quy định rõ, phạt tiền từ 5-6 triệu đồng đối với hành vi vận chuyển hoặc vứt gia súc, gia cầm mắc bệnh, chết và sản phẩm của chúng ra môi trường. Đồng thời, buộc tiêu hủy động vật, sản phẩm động vật, xác động vật và sản phẩm của chúng...
Cũng theo quy định, thẩm quyền xử lý vi phạm này thuộc về UBND cấp xã, nhưng trên thực tế dù đã xảy ra nhiều vụ việc người dân ném xác động vật xuống sông nhưng số vụ việc bị xử lý thì rất ít, thậm chí là không có bởi rất khó xác định được người ném.
Để hạn chế tình trạng này cách duy nhất là các ngành liên quan, các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân không ném xác động vật chết xuống dòng chảy; gắn trách nhiệm người khai thác nguồn lợi từ dòng sông với công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ dòng sông. Đặc biệt, tăng cường tuyên truyền đối với các hộ chăn nuôi, trang bị kiến thức về xử lý xác động vật chết đúng quy trình, quy định. Xử phạt theo quy định các trường hợp vi phạm và tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng.
PV