Giá cả nhiên liệu trong đà tăng khiến WB nhận định cần có chính sách hỗ trợ để giảm khó khăn cho người dân và kiềm chế lạm phát.
Đây là khuyến nghị được World Bank (WB) nêu ra hôm 13.6, trong báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 6. Theo đó, các cấp có thẩm quyền cần thận trọng với rủi ro lạm phát khi giá nhiên liệu và hàng hoá nhập khẩu tiếp tục tăng lên. Những yếu tố này có thể cản trở quá trình phục hồi tổng cầu trong nước đang diễn ra.
"Các biện pháp hỗ trợ tạm thời, trong đó có hỗ trợ trực tiếp có mục tiêu nên được cân nhắc để giúp các hộ nghèo chống chọi với giá nhiên liệu tăng", báo cáo nêu rõ.
Tổ chức này đánh giá, cú sốc giá hàng hóa thế giới có vẻ ảnh hưởng chủ yếu đến xăng dầu, với tác động lan truyền làm tăng chi phí vận tải nên chính sách trợ giá tạm thời, có mục tiêu cho các đối tượng sử dụng xăng dầu chính (như lái xe tải) cũng là biện pháp nên được cân nhắc để giảm khó khăn và hạn chế áp lực lạm phát.
Chiều 13.6, giá xăng dầu tại Việt Nam đã có lần tăng thứ sáu liên tiếp kể từ 21/4 đến nay lên mức kỷ lục mới là hơn 32.000 đồng một lít. Theo đó, xăng RON 95-III đắt thêm 5.060 đồng một lít, xăng E5 RON 92 là 4.640 đồng một lít. Giá xăng dầu liên tục tăng đã tạo hiệu ứng đến nhiều dịch vụ, hàng hoá, gây sức ép lên túi tiền của người dân.
Bên cạnh đó, WB cũng cho rằng Chính phủ Việt Nam nên khuyến khích đầu tư nhằm giúp tăng tổng cung. Đồng thời, Việt Nam cần khuyến khích sản xuất và sử dụng năng lượng thay thế có thể để giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào nhiên liệu nhập khẩu trong trung hạn và thúc đẩy tăng trưởng xanh hơn.
WB cũng đánh giá, lạm phát của Việt Nam đã nhích lên nhưng vẫn thấp hơn đáng kể so với mục tiêu kiểm soát dưới 4% của Chính phủ. Trong đó, giá xăng và dầu diesel tăng vọt là yếu tố chính thúc đẩy lạm phát. Giá lương thực, thực phẩm cũng có chiều hướng tăng nhẹ.
Tại cuộc họp về điều hành giá vừa qua, đại diện các bộ ngành cũng nhận định áp lực lạm phát thời gian qua cao, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cuối năm. So với cùng kỳ năm ngoái, CPI bình quân 5 tháng đầu năm 2022 tăng 2,25%; Lạm phát cơ bản 5 tháng đầu năm 2022 tăng 1,1% so với đầu năm. Để đối phó với tình hình này, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã yêu cầu sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu linh hoạt, có các kịch bản đảm bảo nguồn cung và dự phòng phương án nhập khẩu khi cần thiết...
Bộ Tài chính hiện cũng dự kiến đề xuất giảm kịch khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu nhằm góp phần kiềm chế lạm phát tới đây.
Theo VnExpress