Cuộc xung đột tại Trung Đông cho đến nay mới có tác động tương đối nhỏ đối với nền kinh tế toàn cầu, nhưng cuộc xung đột lan rộng sẽ kéo theo sự tham gia của các quốc gia khác.
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Ajay Banga ngày 15/10 cảnh báo xung đột ở Trung Đông leo thang có thể dẫn đến những tác động lớn đối với nền kinh tế toàn cầu, đồng thời cho rằng việc các thường dân trong khu vực bị thiệt mạng là "không thể chấp nhận được."
Trả lời phỏng vấn Reuters NEXT Newsmaker, ông Banga cho biết cuộc xung đột tại Trung Đông cho đến nay mới có tác động tương đối nhỏ đối với nền kinh tế toàn cầu, nhưng cuộc xung đột lan rộng sẽ kéo theo sự tham gia của các quốc gia khác, những quốc gia đóng góp lớn hơn cho tăng trưởng toàn cầu, bao gồm cả các nước xuất khẩu hàng hóa.
Ông Banga nói: "Trước hết, tôi cho rằng những tổn thất về người đáng kinh ngạc là điều không thể chấp nhận được ở tất cả các bên tham gia xung đột. Mặt khác, tác động kinh tế của cuộc xung đột này phụ thuộc rất nhiều vào mức độ lan rộng của nó.”
Một số quốc gia phương Tây đang thúc đẩy lệnh ngừng bắn giữa Israel và Liban, cũng như ở dải Gaza. Ông Banga cho biết thiệt hại kinh tế do các cuộc tấn công của Israel vào dải Gaza hiện nay có thể ở mức từ 14-20 tỷ USD, và sự tàn phá do Israel ném bom vào miền Nam Liban sẽ cộng thêm vào tổng số thiệt hại của khu vực.
Ông Banga cho biết WB đã cung cấp 300 triệu USD, gấp 6 lần mức hỗ trợ bình thường, cho chính quyền Palestine để giúp họ quản lý khủng hoảng trên thực địa, nhưng con số đó là rất nhỏ so với những gì mà họ sẽ cần trong tương lai.
Chủ tịch WB nói thêm, ngân hàng này cũng đã tập hợp một nhóm chuyên gia từ Jordan, Israel, Palestine, châu Âu, Mỹ và Ai Cập để nghiên cứu các hành động ngắn hạn và dài hạn mà họ có thể thực hiện nếu một thỏa thuận hòa bình có thể được đạt được.
TB (theo TTXVN)