Vỡ mộng khi đi lao động ở Nhật Bản

02/10/2018 08:15

Nhiều người đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản với hy vọng đổi đời, nhưng không ít người đã vỡ mộng vì công việc, mức lương không như cam kết, còn bị chủ đối xử thậm tệ.

Trốn ra ngoài và kiếm được công việc ổn định ở Nhật Bản nhưng anh V.N.T. luôn phải sống chui lủi nhằm tránh sự phát hiện của cảnh sát nước sở tại

Đua nhau bỏ trốn ra ngoài

Nhật Bản là nước được nhiều lao động phổ thông ở Hải Dương lựa chọn đi XKLĐ. Không ít người sang đây được làm việc trong môi trường ổn định, hài hòa với mức thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng. Nhưng không phải lao động nào khi sang đất nước "mặt trời mọc" cũng đạt được mục đích.

Năm 2017, sau hơn nửa năm học tiếng, anh V.N.T. (20 tuổi) ở xã Ngọc Kỳ (Tứ Kỳ) tham gia thi sát hạch và trúng tuyển đơn hàng làm công nhân chuyên thi công hàng rào, dán tường tại tỉnh Miyazaki (Nhật Bản). Mức lương cơ bản ghi trong hợp đồng là 30 triệu đồng/tháng, sau khi trừ chi phí thuê nhà, ăn uống, điện nước, anh T. được nhận 20 triệu đồng/tháng. Thời gian làm việc của anh T. là 8 giờ/ngày, doanh nghiệp không ép làm thêm giờ. "Sang tới nơi mới biết mình bị lừa. Doanh nghiệp này chuyên làm dịch vụ ghép cốp pha cho các công trình xây dựng, không phải làm hàng rào, dán tường như hợp đồng ghi. Công việc rất nặng nhọc, ngày nào chúng tôi cũng phải làm thêm từ 30 phút - 1 giờ nhưng ông chủ không trả thêm tiền. Mức lương bình quân tôi nhận được hằng tháng là 15-16 triệu đồng...", anh T. chia sẻ.

Anh T. cho biết thất vọng hơn nữa là ông chủ của doanh nghiệp này đối xử rất tệ với công nhân. "Được mấy ngày đầu thôi còn lại ngày nào chúng tôi cũng bị chửi bới. Ngôn ngữ bất đồng, chúng tôi chưa quen việc nhưng ông chủ không cảm thông, làm chậm hoặc không hiểu ý là cho mấy người phụ tá đánh chúng tôi. Có lần tôi bị quản lý công trường túm cổ, đấm thẳng mặt chỉ vì mình không nói gì khi ông ta đưa cho cái cà lê", anh T. kể.

Tháng 4 năm nay, vì uất ức không chịu nổi, anh T. và 5 lao động Việt Nam khác cùng làm việc trong doanh nghiệp này đã bỏ ra ngoài kiếm việc khác. "Giờ tôi xin vào làm cho một doanh nghiệp ép dập kim loại với mức lương 30 triệu đồng/tháng. Công việc ở đây ổn nhưng luôn lo sợ bị cảnh sát bắt được thì chỉ có đường về nước. Hơn 200 triệu đồng bố mẹ vay cho tôi đi XKLĐ giờ mới trả được mỗi ít", anh T. nói.

Anh N.T.P. (24 tuổi) ở xã Hoàng Diệu (Gia Lộc) cũng tố doanh nghiệp XKLĐ đã lừa anh khi công việc anh làm bên Nhật Bản là dựng ghép cốp pha chứ không phải sơn tường như ghi trong hợp đồng. Anh P. chỉ nhận được mức lương 20 triệu đồng/tháng thay vì 30 triệu đồng/tháng như chủ doanh nghiệp cam kết. Hiện anh P. cũng bỏ trốn ra ngoài được hơn một tháng nay nhưng vẫn chưa được doanh nghiệp nào nhận vào làm. "Tôi và mấy bạn ở Thanh Hóa, Thái Bình trốn ra ngoài và giờ phải sống chui lủi trong một dãy nhà trọ ở tỉnh Niigata. Hằng ngày, chúng tôi chỉ ăn mì tôm, cháo gói cầm cự. Hy vọng sẽ không bị cảnh sát tóm và sẽ tìm được việc làm ổn định để có tiền gửi về gia đình trang trải nợ nần", anh P. chia sẻ.

Không đối thoại

Theo lời kể, khu nhà trọ ở tỉnh Miyazaki - nơi anh T. đang ở có trên 100 lao động người Việt Nam. Anh T. cho biết đa phần trong số này là những lao động thuộc diện bị bắt về nước bất kỳ lúc nào. Họ là những lao động sang bên này đã có công việc nhưng chưa ổn định, mức lương được nhận chưa đáp ứng kỳ vọng nên trốn ra ngoài. Có những người tìm được việc làm ngay nhưng cũng có không ít người vài tháng nay chưa tìm được việc. Một số người thiếu may mắn vừa trốn ra ngoài đã bị bắt và buộc phải về nước.

Anh Lê Văn Bình công tác trong lĩnh vực tư vấn du học và XKLĐ ở TP Hải Dương cho biết tình trạng lao động Việt Nam sang Nhật Bản làm việc trốn công ty chủ quản để ra ngoài tìm việc khác không hiếm. Điều này bắt nguồn từ cả phía doanh nghiệp và người lao động. Không có chuyện doanh nghiệp lừa đảo mà do người lao động trước khi đi không tìm hiểu kỹ công việc của mình. Nghiệp đoàn (môi giới) ở Nhật làm việc rất chặt chẽ. Họ sang Việt Nam tuyển dụng lao động dựa theo nhu cầu của các doanh nghiệp bên đó. Những ai muốn sang Nhật Bản phải trải qua quá trình thi tuyển khắt khe. Trước khi sang Nhật, người lao động Việt Nam có quyền gặp trực tiếp chủ doanh nghiệp để đối thoại về công việc, mức lương... Nhưng nhiều người không quan tâm đến vấn đề này, cứ trúng tuyển là muốn đi ngay kiếm tiền, bỏ qua đối thoại nên khi sang tới nơi mới thất vọng.

Doanh nghiệp xây dựng ở Nhật Bản có lúc nhiều việc nhưng cũng có giai đoạn không có việc khiến họ phải chuyển sang làm những công việc liên quan để có tiền trả cho lao động. Thế nên mới có chuyện doanh nghiệp chuyên làm dịch vụ dán, sơn tường nhưng chuyển sang làm cốp pha, lát nền... Việc nhiều thì họ trả lương cho công nhân theo tháng, việc ít thì trả theo ngày, theo giờ nên chưa bảo đảm mức thu nhập như trong hợp đồng. Lao động Việt Nam mới sang chưa hiểu nên tưởng mình bị lừa, trốn ra ngoài.

Anh Bình chia sẻ lao động Việt Nam muốn sang Nhật Bản trước hết phải xác định được công việc mình làm. Lựa chọn những đơn vị tư vấn XKLĐ có uy tín, trực tiếp trao đổi để nắm rõ thông tin, tránh làm việc qua môi giới dễ bị lừa đảo. Khi ký hợp đồng cần nghiên cứu, cân nhắc kỹ các điều khoản, đối thoại với chủ doanh nghiệp để hiểu thêm về công việc, mức lương, đãi ngộ. Cố gắng học thông thạo tiếng để dễ dàng hơn trong trao đổi công việc và những vấn đề phát sinh khi làm việc bên Nhật Bản...

BÌNH MINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vỡ mộng khi đi lao động ở Nhật Bản