Vĩnh biệt người nghệ sĩ đa tài, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ... Nguyễn Trọng Tạo.
Nhiều bạn bè, đồng nghiệp đến tiễn đưa nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo
Nguyễn Trọng Tạo có 2 câu để đời về Huế: “Sông Hương hóa rượu anh đến uống/Ta tỉnh đền đài ngả nghiêng say”. Bạn bè kể hôm ấy anh Tạo và bạn bè uống say, say lắm. Trong cơn say, anh đọc 2 câu thơ ấy, rồi quên. Sáng mai, có ông bạn tỉnh nhất trong số hôm qua đọc lại cho anh nghe, anh ngơ ngác hỏi thơ ai hay thế?
Câu thơ ấy sẽ còn đi lâu dài với Huế.
Cũng về Huế anh có bài thơ “Bạn bè ở Huế” có 2 câu cuối “Bạn bè ở Huế thương nhau thật/Một đứa vợ la chục đứa khinh”. Hôm ngồi ở nhà tôi, tôi bảo bác ơi, chả thương nhau thì thôi sao lại khinh, mà chính xác là kinh. Ông cười ha hả, ừ kinh. Mà quả là không kinh không được. Huế hiền và nghèo, thời ấy mà suốt ngày ngả nghiêng hết rượu Chuồn đến rượu Hiếu, hết Nam Giao đến Trương Định... không sợ... vợ, cả vợ mình và vợ bạn, mới là lạ.
Dịp áp Tết năm ngoái, ông về quê làm cái nhà thờ. Chuẩn bị khánh thành đã a lô bạn bè các kiểu đến dự thì ông đột quỵ. Nằm ở Nghệ An mấy ngày rồi thì được chuyển ra Hà Nội, ai cũng nghĩ ông nguy rồi thì ông lại hồi phục như một sự thần kỳ. Lại đã đi “nói” khắp nơi, nâng ly khắp nơi, còn trong ly là rựou hay nước thì... không biết. Đang tưng bừng thế, đang “thắng lợi vẻ vang thế” thì ông lại bị phát hiện ung thư phổi, mà là giai đoạn cuối. Được mấy tháng thì hôm 7.1 ông ra đi. Già trưa một chút thì tin ông đi lan ra, rồi lại cải chính là ông đang ngoan cường chống cự. Nhưng rồi, 17 giờ 50 chiều 7.1.2019 thì ông chính thức rời cõi tạm, phiêu bồng theo mây trắng.
Nhớ một đêm nào đấy, khuya khuya rồi, ông gọi điện cho tôi. Hồi ấy, điện thoại đường dài khác khu vực là tốn lắm, mà Huế và Pleiku (Gia Lai) là khác khu vực, nói anh vừa về qua quê chú, đi một vệt, viết được bài này, hát mộc chú nghe nhé. Giọng nhựa nhựa rồi và cũng phải nhựa nhựa thì mới đủ can đảm... đốt điện thoại thế chứ: “Làng tôi bên dòng Ô Lâu nước sông sâu nhịp cầu soi bóng/Tre xanh thướt tha bên trời/Gió chiều bay bay mái tóc dài/Làng tôi có đập Ô Môi/Làng tôi có ngày thơ bé/Tiếng ru ới a nhè nhẹ mà lời ru ới a của mẹ/Ru hời hời ru... Về làng tôi mái đình bến nước/Bóng đa xưa vẫn tỏa ấm tình quê... về làng tôi càng thương cây lúa... về làng tôi hỡi người là người ơi”. Ông hát đi hát lại mấy lần đến nỗi tôi phải sốt ruột thay ông, giục ông ngắt máy. Hôm sau tôi mới ngờ ngợ, có đúng quê mình không nhỉ? Quê tôi là làng Thế Chí Tây, làm gì có cái đập Ô Môi nào. Nhưng các hình ảnh khác thì là... làng tôi. Từ đấy đi đâu tôi cũng khoe bài hát ấy là về làng tôi. Trên xe tôi, bài này luôn vang lên, giọng hát của Hương Mơ.
Tôi được chơi với ông từ khi tôi đã... rời Huế. Mỗi lần từ Pleiku về thăm nhà, tôi đều dành một ngày để đánh đu với ông. Hồi ấy Huế nghèo, ông hay chủ trì các cuộc nhậu. Nhậu xong thì thường là ông đứng ra... thu tiền, tức là chia tiền, nhưng không bao giờ ông cho tôi góp, nói mày ở xa về, ngồi đấy. Có lần ông đặt mua nguyên một bộ lòng lợn, cả tiết tim gan phèo phổi, về nhà trực tiếp làm dồi nấu cháo chiêu đãi bạn bè văn nghệ Huế. Hôm ấy cả chục người ngồi ở nhà ông, nhậu miết không hết mồi.
Năm 1992, in tập thơ đầu tiên, hồi ấy đang còn có cái mốt là nhờ người viết lời giới thiệu. Tôi viết thư nói nhờ anh viết cho em mấy chữ, không phải bài dài in đầu sách, mà mấy dòng để em in ở bìa gấp thôi. Một tuần sau, anh gửi cho tôi mấy chữ thật: “Gặp gỡ thường tạo nên những cảm hứng tức thì choáng ngợp. Biệt ly lại bàng hoàng trước bao kỷ niệm thân quen. Cả hai trạng huống này đều là cái nguyên ủy để khởi lên hồn thơ vốn ẩn chứa ở mỗi người. Hai trạng huống nên thơ ấy đều có ở Văn Công Hùng khi anh biệt xa quê hương Thừa Thiên - Huế để đến với núi non Tây Nguyên hùng vĩ - quê hương mới của anh. Thật may mắn cho một người làm thơ có cả hai quê: Có quê mới để thương, có quê cũ để nhớ...”... Trong khi tôi hẹn là nếu anh đồng ý thì sẽ gửi bản thảo anh đọc để viết, thế mà anh viết và gửi ngay khi... chưa đọc. Sau này gặp, ông cười hề hề: "Tao viết thế mà đúng phóc mày dù... chưa đọc bản thảo". Sau này, tôi còn đến 2 lần nữa nhờ ông vẽ bìa cho 2 tập sách của tôi.
Hiếm có người nào tài hoa và đa tài như ông Tạo. Là nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ, "nhậu sĩ" nữa. Ông vẽ bìa sách cực đẹp, trình bày báo cũng hết sức đáng nể. Báo thơ của Hội Nhà Văn Việt Nam một thời đình đám là do ông Tạo giữ, từ biên tập, đặt bài đến trình bày, vẽ minh họa. Lá cờ thơ bây giờ phấp phới khắp trong Nam ngoài Bắc vào dịp nguyên tiêu là do ông vẽ. Quãng thời gian ở Huế của ông là một khoảng ông vừa tung hoành vừa tích lũy. Ông nhậu mê say và làm việc cũng say mê, đến mức bạn bè không biết ông làm việc vào lúc nào. Thì cứ lấy việc ông viết giới thiệu tập thơ đầu tay của tôi thì biết. Xa xôi chứ đâu như giờ, liên lạc chỉ qua thư gửi bưu điện. Thì tôi cũng cứ nhờ đại thế, chứ ai nghĩ một ông lừng danh như ông Tạo lại có lúc ngồi để viết giới thiệu thơ cho một gã đàn em ở xa lắc.
Ra Hà Nội, Nguyễn Trọng Tạo như người được đốt hết năng lực. Ông làm báo, ra sách, vẽ bìa, ra đĩa, làm đêm nhạc, bù khú bạn bè... Lâu lâu ông lại về Huế - cái nơi ông đã có một thời rất đẹp, sinh hai đứa con ở đấy. Có một năm, tôi chuẩn bị vào Đà Nẵng để bay lên Pleiku thì ông gọi, nói đến uống rượu với ông. Ông ở khách sạn một mình. Chai rượu và 2 cái ly để sẵn. Ông xui tôi bỏ vé. Nhưng cái con người công chức khá nặng trong tôi khiến tôi cương quyết lắc. Ông bảo thôi thì uống hết nửa chai thì mày đi. Tôi phải uống như... ma đuổi để kịp vào Đà Nẵng bay trong khi ông thì rất trùng trình để mong tôi... trễ giờ.
Cũng may, hồi ông đột quỵ ấy, năm ngoái, tôi có ra Hà Nội vào bệnh viện thăm ông. Về thì nghe ông ung thư. Chưa kịp ra thăm lại thì ông đã đi...
Nhưng kể thêm điều này để thấy... kinh. Uống như thế, thuốc lá như thế, bù khú như thế, lao động như thế mà ông rất khỏe, khỏe mọi mặt. Và khi ra đi ở tuổi 72 thì người không đột quỵ, không ung thư, không rượu không thuốc... cũng đã thấy... được rồi, thì ông, độc giả chỉ có thể kinh ngạc...
Thôi thì, thắp hương vọng ông từ xa. Vĩnh biệt người nghệ sĩ đa tài, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ... Nguyễn Trọng Tạo.
VĂN CÔNG HÙNG