Ngày 16.10, Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc cùng phái đoàn một số nước tổ chức cuộc Thảo luận trực tuyến với chủ đề “Đánh giá các khía cạnh pháp lý liên quan đến đại dịch COVID-19”.
Toàn cảnh Phiên thảo luận chung, ngày 5.10.2020. Ảnh minh họa
Tham dự cuộc Thảo luận, sự kiện bên lề Ủy ban Pháp lý của Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) Khóa 75, có hơn 80 đại diện của các nước thành viên LHQ, cùng các diễn giả là thành viên Ủy ban Luật quốc tế (ILC) của LHQ.
Bà Patricia Galvao Teles, thành viên ILC người Bồ Đào Nha, cho rằng đại dịch COVID-19 đặt ra các vấn đề pháp lý cần giải quyết trong tất cả các lĩnh vực đời sống, do đó cần phải củng cố hệ thống quốc tế dựa trên hợp tác quốc tế, tăng cường vai trò của các thể chế quốc tế và khu vực.
Ông Claudio Grossman, thành viên ILC người Chile, cho rằng cộng đồng quốc tế có lợi ích thiết yếu về hoàn thiện khuôn khổ pháp lý quốc tế để ứng phó với đại dịch, nhấn mạnh luật pháp quốc tế là thước đo, mẫu số chung và là công cụ để tất cả các nước sử dụng một cách bình đẳng trong đời sống quốc tế, hướng đến mục tiêu cuối cùng là các giá trị nhân văn và bảo vệ con người.
Bà Nilufer Oral, thành viên ILC người Thổ Nhĩ Kỳ, ủng hộ xây dựng một văn kiện tổng hợp nhằm tăng cường hợp tác quốc tế, tăng tính sẵn sàng và khả năng ứng phó của cộng đồng quốc tế trước các tình huống khẩn cấp và thách thức toàn cầu.
Ông Charles Jalloh, thành viên ILC người Sierra Leone, cho rằng pháp quyền là cấu phần quan trọng nhằm duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, đề nghị văn kiện toàn diện này cần tính đến quan tâm của các nước đang phát triển.
Thành viên ILC của Việt Nam, ông Nguyễn Hồng Thao đề nghị Ủy ban Pháp lý của Đại hội đồng và Ủy ban Luật quốc tế, các cơ quan có vai trò quan trọng trong pháp điển hòa và phát triển tiến bộ luật pháp quốc tế, cần khởi động nghiên cứu về khuôn khổ quy định pháp lý quốc tế về bảo vệ người dân trước các thách thức toàn cầu, trong đó có dịch bệnh.
Ý kiến phát biểu của các đại biểu tham dự cho rằng đại dịch COVID-19 đặt ra nhiều vấn đề pháp lý cần được tiếp tục xem xét, giải quyết, ủng hộ cần tiếp tục trao đổi, đối thoại nhằm nghiên cứu, phản ánh các phát triển mới của đời sống quốc tế, trong đó nhấn mạnh vào thúc đẩy hợp tác quốc tế với LHQ ở vị trí trung tâm, bảo đảm quyền của các nước được tiếp cận trang thiết bị y tế, thuốc men, vaccine một cách bình đẳng.
Phát biểu bế mạc cuộc Thảo luận, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ cho rằng đại dịch COVID-19 bộc lộ các điểm yếu và dễ tổn thương của cộng đồng quốc tế, đồng thời là cơ hội để nhìn nhận về các hạn chế của khuôn khổ thể chế toàn cầu, trong đó có các khoảng trống trong quy định pháp lý quốc tế, làm cơ sở tăng cường khả năng chống chịu và tính sẵn sàng trước dịch bệnh và các thách thức toàn cầu trong tương lai.
Đại sứ Đặng Đình Quý nhấn mạnh cần tăng cường cơ chế hợp tác quốc tế, trong đó LHQ đóng vai trò trung tâm, thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức quốc tế, tổ chức khu vực, tất cả các chủ thể và cộng đồng người dân, trên cơ sở tôn trọng Hiến chương LHQ và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế về bình đẳng và chủ quyền quốc gia.
Ủy ban Pháp lý là một trong sáu ủy ban chính của Đại hội đồng LHQ, bao gồm đại diện của tất cả các quốc gia thành viên LHQ, có chức năng xem xét các vấn đề pháp lý. Các đề mục đang được thảo luận tại Ủy ban bao gồm Pháp quyền cấp độ quốc gia và quốc tế, Báo cáo của Ủy ban luật pháp quốc tế, Báo cáo của Ủy ban luật thương mại quốc tế, và Các biện pháp loại trừ chủ nghĩa khủng bố quốc tế.
Ủy ban luật quốc tế của LHQ (ILC) là cơ quan của ĐHĐ LHQ, có chức năng nghiên cứu và khuyến nghị về các vấn đề phát triển tiến bộ và pháp điển hóa luật pháp quốc tế. Ủy ban có 34 thành viên do Đại hội đồng LHQ bầu cử với nhiệm kỳ 5 năm, là những cá nhân có trình độ, năng lực trong lĩnh vực luật pháp quốc tế được thừa nhận rộng rãi. Năm 2016, ông Nguyễn Hồng Thao, Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Kuwait, đã trúng cử và được bầu làm thành viên Ủy ban, nhiệm kỳ kết thúc vào năm 2023.
Theo TTXVN