Năm nay, do chính sách phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam và Trung Quốc khác nhau nên việc cấp mã vùng trồng sẽ hướng tới các thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, Australia, Thái Lan...
Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đều theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn để bảo đảm chất lượng quả vải
Vụ vải này, huyện Thanh Hà hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng quả vải nhằm hướng tới các thị trường mới và có giá trị kinh tế cao hơn. Do vậy, ngay từ đầu vụ, ngành chức năng và chính quyền địa phương đã giám sát chặt chẽ các vùng trồng, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến để mở rộng đầu ra cho loại quả này.
Giám sát mã vùng trồng
Ông Nguyễn Văn Tài ở thôn Lại Xá 2, xã Thanh Thủy có 1,5 mẫu trồng vải. Từ thời điểm vải bắt đầu nở hoa, hầu như ngày nào ông cũng có mặt ở vườn vải để chăm sóc và xem xét tình hình sâu bệnh. Từng loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sử dụng đều được ông ghi tên và ngày phun vào sổ nhật ký canh tác. Các loại thuốc dùng để phun phòng trừ sâu bệnh cho vải đều là các loại thuốc dùng theo hướng dẫn của cơ quan chức năng. Cũng nhờ chăm sóc khoa học, hợp lý nên năm nào vải của gia đình ông không chỉ mẫu mã đẹp, chất lượng tốt mà còn giúp tiết kiệm chi phí sản xuất.
Xã Thanh Quang là địa phương có diện tích trồng vải lớn nhất huyện với gần 700 ha. Phần lớn các diện tích vải của xã đều được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP. Năm 2021, cả xã có 16 vùng trồng vải với diện tích khoảng 100 ha đã được cấp mã số xuất khẩu đi Trung Quốc và nhiều thị trường khác như Nhật Bản, Mỹ, Úc... Năm nay, địa phương đã hoàn thiện việc rà soát, đánh giá lại chất lượng các vùng trồng này.
Các vùng trồng được giám sát chặt chẽ trước khi được cấp lại mã số để phục vụ xuất khẩu
Ông Vũ Văn Mùi, Tổ trưởng tổ sản xuất số 1 ở thôn Hạ Vĩnh, xã Thanh Quang cho biết: "Cả tổ có 10 ha vải của hơn 100 hộ dân trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Từ thời điểm vải bắt đầu ra hoa, hầu như ngày nào tôi và các hộ sản xuất đều có mặt ở vùng trồng. Tỷ lệ vải nở hoa, đậu quả, việc dự báo sâu bệnh đều được thông báo trên hệ thống loa truyền thanh của xã. Vườn được vệ sinh sạch sẽ, thu gom rác, bao bì thuốc bảo vệ thực vật, nhật ký canh tác... Do vậy, các hộ đều đồng loạt chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh nên hiệu quả rõ rệt. Chất lượng vải thiều năm nay chắc chắn sẽ hơn năm trước", ông Mùi khẳng định.
Theo bà Vũ Thị Thủy, Trạm trưởng Trạm Kiểm dịch thực vật và chẩn đoán dịch hại (Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh), toàn bộ 48 vùng trồng vải rộng hơn 535 ha và 45 cơ sở đóng gói trên địa bàn huyện Thanh Hà đã được rà soát và đánh giá lại chất lượng. Trong đó có 27 vùng trồng vải xuất khẩu Trung Quốc, các vùng còn lại là vào các thị trường quốc tế khác. Hiện địa phương vẫn tiếp tục hướng dẫn các hộ dân và vùng trồng đủ tiêu chuẩn đăng ký để cấp mã cho các vùng trồng mới. Năm nay, do chính sách phòng chống dịch Covid - 19 của Việt Nam và Trung Quốc khác nhau nên việc cấp mã vùng trồng sẽ hướng tới các thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, Australia, Thái Lan... Đây cũng là cơ hội để vải thiều Thanh Hà khẳng định chất lượng ở thị trường trong nước và quốc tế.
Chủ động đầu ra
Bất chấp dịch Covid - 19, năm 2021, Hải Dương đã có một mùa vải bội thu với sản lượng khoảng 55.000 tấn. Toàn bộ vải được tiêu thụ thuận lợi, giá bán cao. Trong đó tại thị trrường nội địa, lần đầu tiên vải được bán trên sàn thương mại điện tử với sản lượng khoảng 5.000 tấn. 20.000 tấn vải được xuất khẩu sang Trung Quốc, Lào, Campuchia; 5.000 tấn vải xuất khẩu sang Nhật Bản, Mỹ, Australia, châu Âu, Singapore, Thái Lan… Đây cũng là năm đánh dấu vải Hải Dương mở cửa thành công nhiều thị trường mới như: Thái Lan, Anh, Canada, Italy, Pháp, Hà Lan, Bỉ, Tây Ban Nha, Đức, Thụy Sĩ, Đan Mạch.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và đại diện Công ty Linsan (Cộng hòa Séc) thăm cơ sở đóng gói xuất khẩu vải thiều của Công ty CP Ameii Việt Nam
Thành công của vụ vải năm 2021 vừa là động lực và là mục tiêu để loại nông sản này thâm nhập vào nhiều thị trường mới, khó tính và có giá trị kinh tế cao hơn. Huyện Thanh Hà có khoảng 3.600 ha trồng vải, trong đó có hơn 500 ha sản xuất an toàn, theo tiêu chuẩn quốc tế. Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm nay tỷ lệ vải thiều sớm đậu quả đạt hơn 80%. Dự kiến sản lượng vải của huyện năm nay sẽ tăng khoảng 15% so với năm 2021. Trà vải sớm sẽ cho thu hoạch từ đầu tháng 5 đến ngày 5.6. Vải thiều chính vụ dự kiến cho thu hoạch từ ngày 5 - 20.6.
Để tiếp tục "mở đường" cho vải thiều Thanh Hà, ngay từ đầu vụ Công ty CP Ameii Việt Nam đã làm việc với nhiều đối tác ở nước ngoài để xúc tiến, tiêu thụ vải thiều. Mới đây nhất, Ameii đã có buổi làm việc với Công ty Linsan (Cộng hòa Séc). Dự kiến, vụ vải sắp tới doanh nghiệp này sẽ hợp tác với Công ty CP Ameii Việt Nam để thu mua 40 tấn vải xuất sang thị trường Cộng hòa Séc và các nước châu Âu. Số lượng thu mua sẽ tăng nếu tiêu thụ thuận lợi. "Hiện Ameii đang có 10 đối tác Nhật Bản, 5 đối tác tại châu Âu, số còn lại ở Mỹ, Australia, Singapore, Thái Lan, Malaysia... Ngoài ra, công ty cũng đang tìm hiểu để mở cửa một số thị trường mới trong năm nay. Quan trọng nhất lúc này là duy trì chất lượng các vùng vải để bảo đảm các điều kiện tốt nhất để xuất khẩu vào thị trường các nước", bà Ngô Thị Thu Hồng, Tổng Giám đốc Công ty CP Ameii Việt Nam nói thêm.
Theo chị Nguyễn Thị Hải, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Hà, huyện và ngành chức năng trong tỉnh cũng đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ vải thiều bằng việc tuyên truyền hình ảnh, phóng sự về vải thiều Thanh Hà và được dịch sang nhiều ngôn ngữ như Ả Rập, Anh, Pháp, Nga...; hoàn thiện cơ sở hạ tầng để phục vụ việc thu mua và xuất khẩu. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, việc quan trọng nhất vẫn là bám sát các vùng trồng, hướng dẫn nông dân tuân thủ quy trình sản xuất an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm để thâm nhập vào nhiều thị trường mới có giá trị kinh tế cao.
Xem clip
TRẦN HIỀN