[Video] Giao thông nông thôn: Canh cánh nỗi lo tai nạn

03/06/2021 06:24

Thiếu vắng sự tuần tra, kiểm soát của lực lượng chức năng, nhất là trong giai đoạn toàn tỉnh đang tăng cường lực lượng chống dịch như hiện nay, những vi phạm giao thông lại xuất hiện, đặc biệt ở nông thôn.


Không khó để bắt gặp những hình ảnh vi phạm giao thông ở khu vực nông thôn

Thiếu ý thức


Khoảng 20 giờ ngày 15.2, tại km 10+203 đường tỉnh 391 đoạn qua xã Đại Sơn (Tứ Kỳ), một xe mô tô đi theo hướng Tứ Kỳ-TP Hải Dương đã va chạm với một xe ô tô cùng chiều. Vụ việc khiến người lái xe mô tô bị thương nặng và tử vong sau đó 2 giờ. Gần 1 tháng trước đó, tại đường 5B đoạn thôn Đoàn Kết, xã Hồng Phong (Nam Sách) xảy ra va chạm giữa 1 xe ô tô với 2 ông cháu đi xe đạp điện làm cháu bé tử vong tại chỗ.

Những vụ tai nạn như trên xảy ra rất nhiều ở khu vực nông thôn thời gian qua. Theo tổng hợp từ Ban An toàn giao thông tỉnh, trong năm 2020, trên các tuyến đường huyện, đường nông thôn đã xảy ra 28 vụ tai nạn và va chạm giao thông làm 30 người chết và 6 người bị thương. Riêng từ đầu năm đến nay, tại các tuyến đường này xảy ra 9 vụ, làm 7 người chết và 8 người bị thương. Hậu quả là vậy nhưng ý thức tham gia giao thông của người dân khu vực nông thôn vẫn còn hạn chế. Một số địa phương như Cẩm Giàng, Gia Lộc, Ninh Giang, Nam Sách… xảy ra nhiều tai nạn và va chạm giao thông nông thôn.

Là một trong những địa phương tập trung số lượng lớn công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, các tuyến đường 194B, 194C, 195B của huyện Cẩm Giàng hằng ngày đều có mật độ người và phương tiện lớn. Sinh sống đã 40 năm ven đường huyện 194C đoạn gần ngã ba Quý Dương (Cẩm Giàng), anh Nguyễn Văn Thân cho biết: “Do doanh nghiệp nhiều, công nhân đi qua đây ngày một đông nên vào giờ cao điểm luôn chật kín xe cộ. Chỉ sơ sẩy hay chủ quan khi đi đường cũng có thể xảy ra va chạm. Vậy mà nhiều người vẫn không đội mũ bảo hiểm, vẫn phóng nhanh vượt ẩu”.

Tương tự, dọc tuyến quốc lộ 37 đoạn qua hai huyện Gia Lộc và Ninh Giang, tình trạng vi phạm giao thông xảy ra không ít. Chị Nguyễn Thị Ngát trú tại xã Nghĩa An (Ninh Giang), một xã ven tuyến quốc lộ này cho biết: “Sợ bị phạt vì không tuân theo quy định phòng chống dịch nên ai cũng đeo khẩu trang khi ra đường. Nhưng việc bảo đảm an toàn giao thông thì ngược lại. Một bộ phận người dân, nhất là thanh niên khi đi đường không hề đội mũ bảo hiểm, còn lạng lách, đi ngược chiều”.  

Trung tá Nguyễn Văn Hường, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông - trật tự Công an huyện Cẩm Giàng nhận định tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng lái xe an toàn chỉ là điều kiện cần, bởi thiếu ý thức khi tham gia giao thông thì tai nạn vẫn có thể xảy ra. Thời gian gần đây, do phải tăng cường công tác phòng chống dịch nên lực lượng cảnh sát giao thông giảm xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông. “Không thấy lực lượng chức năng tuần tra, xử phạt, người dân lại vi phạm”, trung tá Hường nói.


Tai nạn giao thông để lại hậu quả nặng nề nhưng ý thức khi tham gia giao thông của một bộ phận người dân khu vực nông thôn còn hạn chế. Ảnh minh họa

Cần tăng phạt nguội

Không đội mũ bảo hiểm, chạy xe sai làn, sai phần đường, phóng nhanh vượt ẩu… là những hành vi vi phạm phổ biến tại các tuyến đường khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh. Không đội mũ bảo hiểm là hành vi vi phạm nhiều nhất. Trong năm 2020, toàn tỉnh xảy ra hơn 19.500 vụ vi phạm về trật tự an toàn giao thông, lỗi không đội mũ bảo hiểm chiếm tới 27%. Các lỗi như chạy quá tốc độ quy định, đi vào đường cấm, đường ngược chiều hay vi phạm nồng độ cồn cũng chiếm tỷ lệ cao. Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý khoảng 6.000 trường hợp vi phạm giao thông. 

Không phân biệt giới tính, lứa tuổi hay nghề nghiệp, đối tượng vi phạm từ học sinh cho tới công nhân, từ thanh niên thậm chí cho tới nhiều người lớn tuổi. “Chỉ đi một đoạn đường rất ngắn” là lý do thường được người vi phạm đưa ra để biện minh cho việc không đội mũ bảo hiểm, đi ngược chiều đường…

Ông Vũ Duy Bôn, Phó Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh nhận định: Hơn 90% số vụ tai nạn xảy ra do ý thức của người tham gia giao thông. Để hạn chế vi phạm giao thông tại khu vực nông thôn, góp phần giảm thiểu các vụ tai nạn đáng tiếc, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, lực lượng chức năng cần áp dụng linh hoạt các biện pháp để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là những trường hợp tái phạm nhiều lần.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các đơn vị chức năng, nhất là cảnh sát giao thông phải tập trung, tăng cường lực lượng ứng trực tại các chốt kiểm soát hoặc tham gia các tổ tuần tra, xử lý vi phạm trong phòng chống dịch. Việc xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông trên các tuyến đường còn hạn chế. Tăng cường áp dụng xử phạt vi phạm giao thông thông qua hệ thống camera giám sát hay hình ảnh do người dân cung cấp sẽ là biện pháp hiệu quả. 

Đường sá được đầu tư mở rộng, nâng cấp với nhiều nút giao; nhiều khu đô thị mới hình thành nên lượng phương tiện, chủ yếu là xe máy và xe điện ngày một tăng. Cùng với đó, ngày càng nhiều doanh nghiệp hoạt động khiến mật độ người và xe tham gia giao thông đông đúc hơn, đặc biệt vào giờ cao điểm mỗi ngày. Nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông khu vực nông thôn vì thế luôn tiềm ẩn. Bên cạnh việc mạnh tay xử lý vi phạm của lực lượng chức năng, chính quyền địa phương, bản thân mỗi người dân cần nâng cao ý thức khi tham gia giao thông kẻo hối hận thì đã muộn.

Xem clip

HÀ KIÊN

(0) Bình luận
[Video] Giao thông nông thôn: Canh cánh nỗi lo tai nạn