Ruốc sông chỉ có theo mùa, thường bắt đầu từ tháng 10 âm lịch đến hết tháng giêng năm sau. Bởi thế, những món ăn được chế biến từ ruốc sông cũng trở nên độc đáo vì không phải lúc nào cũng có.
Ruốc sông chỉ có theo mùa và con nước, được nhiều người hỏi mua nên thường hết từ sớm
Ruốc sông sống ở vùng nước ngọt hoặc nước lợ. Ở Hải Dương, con ruốc có nhiều ở các huyện Kim Thành, Thanh Hà, Tứ Kỳ. Vì con ruốc quá nhỏ nên muốn bắt được nó phải dùng dụng cụ đặc biệt và không phải ai cũng đánh bắt được. Người ta thường dùng đáy-một loại dụng cụ có hình phễu, bằng vải mỏng, dễ thoát nước. Sau đó, đóng cọc tre, gỗ rồi đặt đáy, chờ con ruốc xuôi theo dòng nước trôi vào đáy.
Chị Vũ Thị Hà có nhiều năm bán ruốc ở chợ Đông Ngô Quyền (TP Hải Dương) cho biết: "Bắt ruốc theo mùa, nhưng không phải ngày nào cũng có mà còn phụ thuộc con nước. Ruốc là mặt hàng được nhiều người hỏi mua nên thường hết từ sớm. Từ đầu mùa đến giờ, giá ruốc dao động từ 50.000-70.000 đồng/kg tùy từng thời điểm".
Nguyên liệu nấu món ruốc xốt cà chua ăn kèm rau sống
Ruốc thường được rang khô hoặc xốt cà chua ăn kèm rau sống. Mỗi cách chế biến đều mang đến những hương vị riêng biệt. Khi bắt đầu có ruốc sông là chị Lương Thị Hà ở thị trấn Thanh Hà thường mua về rang khô. Chị Hà bảo, món ruốc rang khô gắn bó với chị từ những ngày thơ bé đầy gian khó. Vị béo, mùi thơm của ruốc, của riềng ăn với cơm nóng trong những ngày mùa đông rét buốt là dư vị khiến chị nhớ mãi đến tận bây giờ. Giờ đây, cuộc sống không còn khó khăn như trước, giữa những món ăn cầu kỳ thì với chị Hà ruốc sông vẫn là một món ăn của đồng quê ngon khó cưỡng. Mỗi khi đến mùa, chị đều mua ruốc về rang khô dùng dần. Nguyên liệu cũng khá đơn giản gồm ruốc, riềng, gừng, muối. Con ruốc là loài sinh vật nhỏ bé như hạt cát nên muốn rửa sạch, chị Hà thường dùng khăn xô hoặc mảnh vải mỏng để không bị lọt rồi cho vào thau nước sạch khuấy đều để loại bỏ bẩn. Khi thấy ruốc mịn như cát và nước trong thì dừng lại. Để ruốc ráo nước.
Cần đun nhỏ lửa và đảo đều tay món ruốc rang khô
Sau đó, bắc chảo ruốc lên bếp, cho muối, đun nhỏ lửa và đảo đều tay, tiếp đến là cho gừng, riềng để dậy mùi thơm. Chị Hà cho biết, để con ruốc khô và tơi thì cần đun nhỏ lửa để không bị cháy và thường đun ít nhất 30 phút cho đến một tiếng đồng hồ. Khi ruốc chuyển màu nâu đỏ bắt mắt, khô tơi kèm theo mùi thơm của gừng, riềng là được. Ruốc rang càng khô thì càng bảo quản được lâu, thường để từ 1 đến 1,5 tháng.
Ruốc rang khô hay ruốc xốt cà chua đều rất đưa cơm trong những ngày đông lạnh giá
Một món ăn khác cũng đưa cơm không kém là ruốc xốt cà chua. Nguyên liệu của món ăn này gồm ruốc, cà chua, me hoặc khế chua, ớt, gừng, hành tươi, rau răm và không thể thiếu mỡ lợn. Sau khi bắc chảo lên bếp, cho mỡ lợn rồi cà chua vào, khi cà chua chín thì dằm nhuyễn rồi cho ruốc vào đảo đều. Khi thấy màu nâu đỏ của ruốc bắt đầu xuất hiện thì hạ nhỏ lửa, nêm gia vị muối vừa ăn, sau đó cho gừng, ớt, rau răm, hành lá. Múc ra bát ăn nóng kèm theo rau sống như rau diếp, xà lách và rau mùi. Món này có vị béo ngậy của ruốc, chua nhẹ và có vị cay của ớt, gừng, mùi thơm của rau gia vị, ăn rất đưa cơm.
Dù chế biến theo những cách khác nhau nhưng đặc điểm chung là những món ăn từ ruốc sông là đều giữ được độ béo hòa quyện với nhiều loại gia vị, tạo nên dư vị khó quên trong những ngày mùa đông lạnh giá.
HUYỀN TRANG