Dù tôi đã nhiều lần ăn món bánh đa cá rô ở những địa phương khác nhưng món bánh đa cá rô đồng của người dân xứ Đông đã làm tôi đi từ hết bất ngờ này đến bất ngờ khác. Món ăn này đã thực sự chinh phục tôi dù mới chỉ một lần được thưởng thức.
Khi ngỏ ý muốn tìm hiểu về một số món ẩm thực đặc sản ở Hải Dương, tôi có nhắc đến nhiều món nổi tiếng ở vùng đất này như: Bánh gai, bánh gấc (Ninh Giang), bánh đậu xanh (TP Hải Dương), vải thiều Thanh Hà… thì được một người chú gợi ý tìm hiểu về món bánh đa cá rô đồng. Vậy là vào một ngày cuối tuần, tôi quyết định cùng gia đình đi từ TP Hải Phòng về TP Hải Dương để thưởng thức món ăn này. Với tôi, đây không chỉ đơn thuần là trải nghiệm ẩm thực mà còn là cơ hội để tìm hiểu về nguồn gốc, cách chế biến và giá trị của món ăn này đối với ẩm thực xứ Đông.
Qua tìm hiểu, tôi được biết món ăn này là một thức quà sáng quen thuộc của người dân Hải Dương. Quán bán bánh đa cá rô đồng mà tôi tìm đến nằm trong một con phố nhỏ và rất đỗi yên bình như bức tranh chung của TP Hải Dương. Quán không quá rộng nhưng rất sạch sẽ và thoáng mát. Bếp nấu được đặt ngay đầu nối vào để thực khách có thể nhìn thấy rõ nơi nhân viên đang chế biến món ăn. Ngay từ khi bước vào, tôi đã cảm nhận được hương thơm nức mũi của cá rô đồng phi thơm cùng hành mỡ. Nhìn những bát bánh đa cá rô nóng hổi, nghi ngút khói, tôi thực sự rất háo hức và muốn được thưởng thức ngay.
Gia đình tôi gọi 6 bát bánh đa cá rô đồng để thưởng thức. Trong lúc chờ đến lượt, tôi tranh thủ trò chuyện với một số thực khách của quán. Anh Nguyễn Đăng Nên (ở TP Hải Dương) cho biết đây là một thức quà sáng chắc bụng mà lại quen thuộc ở Hải Dương. “Dù bận rộn thế nào thì 1 tuần tôi cũng phải dành 3 đến 4 buổi sáng để ăn bánh đa cá rô. Thưởng thức món ăn này quả thật đã trở thành một thói quen của tôi, không ăn thì thấy thiếu thiếu thế nào đấy”, anh Nên nói.
Còn chị Trần Thị Hân, một người con Hải Dương đi làm xa quê chia sẻ rằng bánh đa cá rô không chỉ là một món ăn ngon mà còn là ký ức đẹp đẽ của tuổi thơ. “Hồi xưa, cá rô ở các vùng nông thôn rất nhiều, vì vậy từ thời học sinh tôi đã được trực tiếp đi bắt cá rô ở những ao hồ quanh làng, sau đó mang về nhà để cùng mẹ chế biến các món ăn như kho với tương, nấu với canh rau cải, rau cần, rau muống. Đây là một thức quà vô cùng dân dã đã theo tôi cho đến khi trưởng thành và lớn lên”, chị Hân chia sẻ.
Khi những bát bánh đa được đem đến, tôi thấy món ăn này được làm từ những nguyên liệu rất đơn giản như bánh đa, cá rô, rau muống, rau cần, rau rút... Khi bắt đầu thưởng thức, tôi đã cho thêm ớt và vắt một ít chanh tươi để món ăn thêm đậm đà hương vị, sau đó trộn đều lên. Gắp miếng thịt cá rô đưa lên miệng lập tức tôi cảm nhận được sự kết hợp hài hoà giữa những lớp vỏ cá chiên vàng giòn rụm, béo ngậy cùng với vị thơm phức của thịt cá. Khi gắp bánh đa lên, tôi thấy sợi bánh to bản, dai dai, mềm mềm. Ăn bánh đa cá rô đồng cùng những cọng rau muống cho tôi cảm giác tươi mát, sảng khoái tràn ngập khắp vị giác. Húp một thìa nước dùng, tôi cảm nhận rõ vị thanh ngọt của xương cá rô và một chút xương lợn cộng thêm vị cay nồng của ớt đã tạo nên sức hấp dẫn vô cùng khó cưỡng.
Sau khi thưởng thức và trò chuyện với các thực khách, bản thân tôi và rất nhiều người đều cho rằng món bánh đa cá rô đồng là sự lựa chọn rất tốt cho một bữa sáng đủ chất. Bởi cá rô đồng chứa nhiều protein và canxi, tốt cho sức khỏe; bánh đa cung cấp tinh bột; rau muống, rau thơm giúp thanh mát cơ thể.
Một điểm đặc biệt nữa không giống nhiều nơi khác thường chế biến với rau rút hoặc rau cải, thì người xứ Đông thường chọn rau muống và rau cần để ăn kèm với món ăn này. Ngoài ra, những bát bánh đa cá rô đồng tôi đã ăn ở Hải Phòng thường không thể thiếu những món ăn kèm như chả cá, tôm, chả lá lốt… còn ở Hải Dương thuần túy chỉ có cá rô đồng, tạo đặc trưng riêng đối với thực khách.
Để hiểu rõ hơn về món đặc sản này, tôi đã có một cuộc trò chuyện với bà Đào Thị Dịu, người bán bánh đa cá rô đồng lâu năm tại TP Hải Dương.
Bà Dịu chia sẻ: “Để làm nên một bát bánh đa cá rô, chỉ nói về cách làm thì nghe có vẻ đơn giản, nhưng thực chất quy trình rất cầu kì và đòi hỏi sự tỉ mỉ của người chế biến. Thứ nhất, cá rô mua về được đem đi chế biến trong ngày. Cá được đánh vảy, ướp muối, ngâm sạch sẽ, rồi cho vào luộc chín, nên luôn giữ được vị tươi ngon và không bị tanh. Tiếp theo nước dùng chủ yếu được ninh từ xương và đầu cá rô, để tạo thêm độ ngọt thì chúng tôi cho thêm một ít xương lợn. Cũng nhờ bí quyết này mà món bánh đa cá rô vừa ngọt, vừa đậm đà không lẫn vào đâu được”.
Bà Dịu cho biết thêm, nhiều người nghĩ rằng nguyên liệu chính làm nên món ăn này là cá rô, nhưng đối với bà, thứ làm nên hồn cốt của món đặc sản này chính là nước dùng.
Không chỉ người Hải Dương, người dân ở các tỉnh và thành phố khác cũng mê mẩn món ăn dân dã này, không ngại xa xôi từ Hà Nội, Hải Phòng… về đây ăn bát bánh đa cá rô thuần tuý. Hơn cả một món ăn, bánh đa cá rô đồng giờ đây còn là nét văn hoá ẩm thực của người dân xứ Đông. Gìn giữ món ăn này chính là gìn giữ bản sắc của quê hương, lưu lại những ký ức tuổi thơ về một vùng quê Bắc Bộ.
THỦY CHI