Các cuốn sách giáo khoa lớp 1 trong chương trình giáo dục phổ thông mới đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, song 6 cuốn sách tiếng Anh của các nhà xuất bản đến nay vẫn còn là một ẩn số.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho hay đến thời điểm này chưa có cuốn sách giáo khoa tiếng Anh của nhà xuất bản nào được bộ thông qua
Lý giải về điều này, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho biết 32 sách giáo khoa (SGK) đã được phê duyệt, công bố là sách của môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc. Tiếng Anh là môn học tự chọn nên 6 bản thảo SGK tiếng Anh lớp 1 sẽ được công bố sau.
Theo tìm hiểu của phóng viên, thực tế, môn tiếng Anh cũng nằm trong thiết kế của Chương trình giáo dục phổ thông mới, được thẩm định theo một quy định, hệ thống tiêu chí của Thông tư 33/2017/TT-BGDĐT do Bộ GD-ĐT ban hành giống như các môn học, hoạt động giáo dục khác. Vậy lý do gì đến nay cuốn sách này vẫn chưa được bộ công bố?
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, giáo sư (GS) Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới cho biết thực tế hiện nay các nhà xuất bản đều đã hoàn thiện SGK tiếng Anh lớp 1 và được hội đồng thẩm định sách giáo khoa thông qua. Tuy nhiên, đến nay, Bộ GD-ĐT vẫn chưa phê duyệt cuốn sách này do tác giả không phải người Việt Nam.
“Sách này đã được viết, hội đồng thẩm định đã thông qua, nhưng bộ vẫn chưa phê duyệt. Hội đồng thẩm định thông qua có nghĩa là những cuốn sách này đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu về mặt nội dung, hình thức, phù hợp với chuẩn mực đạo đức, xã hội, thuần phong mỹ tục của Việt Nam. Tất cả các tiêu chí đều đã đáp ứng, nhưng vì sao bộ vẫn chưa phê duyệt? Theo tôi được biết thì vấn đề cốt lõi nằm ở chỗ bộ muốn tác giả viết sách phải có người Việt Nam, thậm chí người Việt Nam làm chủ biên, nhưng tất cả các cuốn sách tiếng Anh này lại đều do người nước ngoài viết”, GS Thuyết cho hay.
Theo Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới, Thông tư 33 của Bộ GD-ĐT không hề quy định tác giả viết sách giáo khoa phải là người Việt Nam. Phải chăng chỉ vì ngại dư luận bàn tán mà Bộ GD-ĐT không muốn phê duyệt sử dụng những cuốn SGK của tác giả nước ngoài?
Cũng theo Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới, phần lớn những cuốn sách nói trên từ nhiều năm nay đã được sử dụng rộng rãi trên cả nước, trong đó có Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.
GS Thuyết cho rằng trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc các nước sử dụng SGK của nhau là bình thường. Ví dụ, SGK nhiều môn học phổ thông của Đại học Cambridge (Vương quốc Anh) đang được sử dụng ở nhiều nước phát triển và đang phát triển trên thế giới. Ngay Australia cũng sử dụng SGK Khoa học Xã hội và Nhân văn do Đại học Cambridge viết theo chương trình giáo dục phổ thông Australia. Thời buổi hội nhập này mà vẫn bế quan tỏa cảng thì học sinh và giáo viên Việt Nam khó có cơ hội được tiếp cận những cuốn SGK nước ngoài.
“Tôi được biết đang có ý kiến chỉ đạo phải bổ sung chủ biên là người Việt Nam. Thực tế, chuyên gia Việt Nam đã cùng làm việc với các tác giả nước ngoài để họ chỉnh sửa theo chương trình Việt Nam. Nhưng các chuyên gia Việt Nam đóng vai trò gì trong cuốn sách là thỏa đáng: là cố vấn, là tác giả hay chủ biên? Điều này phụ thuộc vào đóng góp của mỗi chuyên gia nhất định và thỏa thuận với tác giả cũng như nhà xuất bản nước ngoài.
Tôi vẫn cho rằng giả sử trình độ lý luận của các chuyên gia ngang nhau thì một người nói tiếng Anh viết sách dạy tiếng mẹ đẻ của mình cho người nước ngoài sẽ tốt hơn là một người sử dụng tiếng Anh như ngoại ngữ viết. Ít nhất là ngôn ngữ trong sách sẽ “đặc Anh” hơn, thật hơn. Nhiều người ra nước ngoài hoặc tiếp xúc với người nước ngoài đều biết nói đúng ngữ pháp nhiều khi chưa chắc đã là đúng vì thực tế người nước ngoài không nói như vậy.
Những cuốn SGK nước ngoài viết tốt là nguồn chất xám nước ngoài viện trợ cho mình. Không nên dựng rào cản để bỏ lỡ cơ hội được viện trợ chất xám” GS Thuyết” nói.
Theo VOV