Giáo dục

Khống chế tỷ lệ, nhiều giáo viên khó có cơ hội thăng hạng chức danh nghề nghiệp

HÀ VY 17/05/2024 13:00

Đội ngũ giáo viên trong tỉnh Hải Dương phấn khởi khi có đợt xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Tuy nhiên, việc khống chế tỷ lệ khiến nhiều giáo viên khó có cơ hội được xét.

00:00

tieu-hoc-thanh-binh.jpg
Chị Phạm Thị Thanh Hương, giáo viên Trường Mầm non Thanh Bình (TP Hải Dương) phấn khởi biết tin có đợt xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Trong ảnh: Chị Hương hướng dẫn các cháu lớp 5 tuổi tô màu. Ảnh: THÀNH CHUNG

Phấn khởi

Theo kế hoạch của UBND tỉnh, trước ngày 31/5, Hải Dương sẽ hoàn thành xét thăng hạng giáo viên tại các cơ sở công lập năm 2024. Biết tin, chị Phạm Thị Làn, giáo viên Trường Tiểu học Kim Đính (Kim Thành) rất phấn khởi. Chị Làn đã có 16 năm công tác trong ngành giáo dục và hiện là giáo viên hạng II. Nhiều năm qua, chị là giáo viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, có nhiều thành tích được ghi nhận.

“Tôi rất mừng vì sau nhiều năm, năm nay tỉnh mới có đợt xét thăng hạng. Mừng hơn nữa là tôi đủ điều kiện để được thăng hạng I. Việc xét thăng hạng là cơ hội để tôi khẳng định mình, đồng thời cũng là động lực cố gắng trong công tác”, chị Làn nói.

Chị Phạm Thị Thanh Hương, giáo viên Trường Mầm non Thanh Bình (TP Hải Dương) gắn bó với nghề từ năm 2007. Năm 2010, chị Hương tốt nghiệp đại học; năm 2014 được xét đặc cách biên chế và năm 2020 được xét chức danh nghề nghiệp từ hạng IV lên hạng III. Từ năm 2020 đến nay, chị Hương luôn là giáo viên hoàn thành tốt nhiệm vụ, đạt danh hiệu lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, có nhiều sáng kiến trong công tác giảng dạy.

Chị Thanh Hương nói: “Tôi đủ điều kiện thăng hạng II từ mấy năm rồi nhưng đến nay mới có đợt xét thăng hạng. Đây là nguồn động viên, cổ vũ để mỗi giáo viên chúng tôi không ngừng học tập, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn”.

Nhiều người thiệt thòi

phan-boi-chau.jpg
Hiện Trường THCS Phan Bội Châu (Tứ Kỳ) đã đủ tỷ lệ % nên tạm thời không tổ chức xét thăng hạng

Việc thực hiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập tỉnh Hải Dương năm 2024 được thực hiện theo Công văn số 64/BNV-CCVC ngày 5/1/2024 của Bộ Nội vụ. Cụ thể, chức danh nghề nghiệp hạng I tối đa không quá 10%; chức danh nghề nghiệp hạng II tối đa không quá 50% tổng số giáo viên trong biên chế hiện có ở mỗi trường. Việc này khiến nhiều giáo viên khó có cơ hội được xét. Nhiều trường có nhiều giáo viên đủ điều kiện được xét thăng hạng nhưng chỉ rất ít giáo viên được xét để bảo đảm tỷ lệ quy định. Việc xác định tỷ lệ trên căn cứ vào số lượng giáo viên biên chế hiện có ở các trường cũng khiến những trường đang thiếu giáo viên so với biên chế được giao càng có ít hơn giáo viên được xét thăng hạng.

Thầy giáo Nguyễn Văn Thung, Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Tứ Kỳ (Tứ Kỳ) cho biết năm 2024 nhà trường được giao 46 chỉ tiêu biên chế giáo viên. Số giáo viên hiện có là 39. Qua rà soát, trường có 10 giáo viên có nhu cầu và đủ điều kiện xét thăng hạng I. Nếu xét thăng hạng theo số biên chế hiện có thì số giáo viên được xét thăng hạng I chỉ có 4 người. “Thực hiện quy định trên khiến nhiều trường hợp rất thiệt thòi. Sẽ có không ít giáo viên đủ điều kiện, có nhiều thành tích, đóng góp nhưng vẫn không được xét”, thầy giáo Nguyễn Văn Thung cho biết.

Nhiều trường trong tỉnh hiện có số giáo viên hạng I, hạng II vượt tỷ lệ quy định cũng tạm thời không được tổ chức xét thăng hạng. Quy định này khiến nhiều giáo viên đủ điều kiện nhưng không có cơ hội được xét thăng hạng, rất thiệt thòi, nhất là với những trường chất lượng cao, số giáo viên có nhiều thành tích thì các trường hợp có nhu cầu, đủ điều kiện càng khó có cơ hội được xét.

tieu-hoc-thi-tran.jpg
Trường Tiểu học thị trấn Tứ Kỳ có 10 giáo viên đủ điều kiện xét thăng hạng I nhưng chỉ được xét 4 người

Theo lãnh đạo Phòng Công chức, viên chức (Sở Nội vụ), việc tổ chức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho viên chức giáo dục, trong đó có việc xác định cơ cấu chức danh nghề nghiệp viên chức theo tỉ lệ % được thực hiện theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ. Đợt này tỉnh xét từ hạng III lên hạng II, hạng II lên hạng I. Quá trình triển khai các bước xét thăng hạng, nhiều vướng mắc đã được tháo gỡ. Cụ thể, việc xét thăng hạng theo tỷ lệ chỉ áp dụng đối với giáo viên. Cán bộ quản lý đủ điều kiện sẽ được xét thăng hạng theo quy định mà không tính theo tỷ lệ chung với giáo viên. Nếu các trường không sử dụng hết tỷ lệ 10% đối với hạng I thì sẽ được chuyển sang hạng II. Đối với các trường có số giáo viên đủ điều kiện xét thăng hạng nhiều hơn số chỉ tiêu được phê duyệt thì xác định giáo viên trúng tuyển xét thăng hạng thực hiện theo thứ tự ưu tiên như giáo viên có nhiều thành tích cao hơn trong hoạt động nghề nghiệp, giáo viên là nữ, giáo viên là người dân tộc thiểu số, giáo viên nhiều tuổi hơn, có thời gian công tác nhiều hơn...

“Quá trình triển khai sẽ có những phát sinh, tình huống cụ thể. Khi có những phát sinh, các đơn vị, địa phương tổng hợp, báo cáo gửi Sở Nội vụ, Sở sẽ tham mưu cho tỉnh có hướng dẫn trả lời cụ thể. Quan điểm của tỉnh là bảo đảm quyền lợi tối đa cho cán bộ, giáo viên đủ điều kiện trên cơ sở quy định, hướng dẫn”, ông Phạm Quốc Ân, Trưởng Phòng Công chức, viên chức (Sở Nội vụ) cho biết.

Năm 2020, tỉnh Hải Dương tổ chức đợt xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập và chỉ thực hiện xét thăng hạng đối với giáo viên hạng IV lên hạng III. Đợt này, toàn tỉnh đã có khoảng 4.000 giáo viên đủ điều kiện và được xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Từ đó đến nay, tỉnh chưa có thêm đợt xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp với giáo viên.

HÀ VY
(0) Bình luận
Khống chế tỷ lệ, nhiều giáo viên khó có cơ hội thăng hạng chức danh nghề nghiệp