Dù người được ghép thận lợn đầu tiên qua đời, các nhà khoa học vẫn tiếp tục thử nghiệm phương pháp này để giải quyết thiếu hụt nội tạng, cứu sống nhiều người.
Richard Slayman, 62 tuổi, bệnh nhân đầu tiên trên thế giới được ghép thận lợn, đã qua đời chỉ hai tháng sau khi hoàn thành ca phẫu thuật tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts (MGH). Ban đầu, các bác sĩ cho rằng nội tạng mới có thể giúp ông sống thêm hai năm nữa. Dù kết quả không như dự kiến, các chuyên gia cho rằng các ca cấy ghép khác loài vẫn là một giải pháp hiệu quả cho tình trạng thiếu nội tạng đang diễn ra.
Theo đại diện Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, ông Slayman mắc bệnh thận giai đoạn cuối, được cấy ghép trong ca phẫu thuật kéo dài 4 giờ, diễn ra ngày 16/3. Nếu không ghép tạng, hầu hết bệnh nhân như Slayman đều phải lọc máu hàng ngày để loại bỏ chất thải mà thận không còn có thể lọc sạch. Theo Tổ chức Thận Quốc gia, ngay cả với phương pháp điều trị khó khăn này, tiên lượng của bệnh nhân chỉ từ 5 đến 10 năm.
Đội ngũ y tế cho biết sức khỏe của Slayman đã được cải thiện ngay sau ca cấy ghép. Thận đang sản xuất nước tiểu - một dấu hiệu đáng khích lệ cho thấy cơ quan hoạt động, được cơ thể bệnh nhân chấp nhận. Theo Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, không có dấu hiệu nào cho thấy cái chết của Slayman là kết quả của quá trình cấy ghép thử nghiệm. Hiện tại nguyên nhân cái chết của ông vẫn chưa rõ ràng.
Tiến sĩ Bartley Griffith, bác sĩ phẫu thuật tim lồng ngực và phó chủ tịch phụ trách đổi mới tại Trường Y thuộc Đại học Maryland, cho biết ca phẫu thuật vẫn là một sự kiện quan trọng, có ý nghĩa đối với ngành y. Là người thực hiện ca ghép tim lợn biến đổi gene đầu tiên trên thế giới, bác sĩ Griffith nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ghép thận lợn đã vượt xa các thử nghiệm.
Theo OrganDonor.gov, hơn 100.000 người Mỹ nằm trong danh sách chờ cấy ghép, 17 người chết trong quá trình chờ đợi mỗi ngày. Chỉ những bệnh nhân đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt mới được lựa chọn để cấy ghép. Nội tạng cũng cần được lựa chọn cẩn thận, cả về kích thước, nhóm máu.
Theo Griffith, các cơ quan nội tạng của lợn, như quả thận cấy ghép ngày 16/3, được lấy từ động vật nhân bản. Ông cho biết các con vật này được nuôi nấng một cách cẩn thận, an tử nhân đạo sau khi sống một cuộc sống thoải mái.
Sắp tới, các nhà khoa học Mỹ tiếp tục thử nghiệm các ca cấy ghép dạng này. Một bệnh nhân thứ hai được ghép thận lợn biến đổi gene đang hồi phục trong bệnh viện, được theo dõi sát sao.
Việc cấy ghép nội tạng động vật, còn được gọi là cấy ghép dị chủng, đã có lịch sử lâu đời, Các nhà khoa học nỗ lực thực hiện điều này trong gần hai thế kỷ. Ca phẫu thuật đầu tiên được thực hiện năm 1838, trong đó các nhà khoa học đã ghép giác mạc lợn vào mắt người. Ca phẫu thuật không thành công, không được thử nghiệm lại trong hơn 50 năm.
Tuy nhiên, việc cấy ghép dị chủng đã đi một chặng đường dài, trở nên phổ biến hơn nhiều từ thế kỷ 19. Hiện nay, các bệnh viện thường sử dụng van tim bò hoặc lợn để thay thế cho van tim người.
Tháng 1/2022, bệnh nhân David Bennett là người đầu tiên trên thế giới được ghép tim lợn biến đổi gene ở tuổi 57. Ca phẫu thuật có kết quả khả quan, ông được xuất viện, sức khỏe tim mạch cải thiện và không có dấu hiệu đào thải nội tạng. Tuy nhiên, sau hai tháng, ông đột ngột qua đời vì bệnh suy tim. Các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu trường hợp của ông người để hiểu rõ hơn các vấn đề và cải thiện quy trình phẫu thuật.
Người thứ hai nhận tim lợn biến đổi gene là Lawrence Faucette, được phẫu thuật tại bệnh viện Đại học Maryland vào tháng 9/2023. Ông bị bệnh tim giai đoạn cuối, không đủ điều kiện để ghép tim do xuất huyết nội. Ông sống được gần 6 tuần trước khi có dấu hiệu đào thải nội tạng, cuối cùng qua đời ở tuổi 58.
Trước khi thực hiện phẫu thuật cho người nhận còn sống, các bác sĩ đã thử nghiệm cấy ghép nội tạng cho bệnh nhân chết não. Năm 2022, các nhà nghiên cứu tại NYU Langone Health đã ghép tim lợn biến đổi gene vào hai người bệnh chết não. Đến tháng 7/2023, các nhà khoa học thực hiện ca phẫu thuật tương tự, đối với thận lợn biến đổi gene.
Đại học Alabama ở Birmingham cũng thực hiện ba ca cấy ghép như vậy vào cùng năm. Đầu tháng này, tại Trung Quốc, các nhà khoa học lần đầu cấy ghép gan lợn biến đổi gene cho một bệnh nhân chết não. Theo báo cáo trên Nature, lá gan vẫn hoạt động trong cơ thể suốt 10 ngày mà không có dấu hiệu đào thải.
T.H (theo VnExpress)