Vì một thế hệ lao động khỏe mạnh

27/04/2019 08:29

Bảo vệ người lao động được coi là giải pháp thiết thực nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Vì thế, vấn đề an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc cần nhận được sự quan tâm đúng mức.

Công nhân sản xuất hàng dệt may. Nguồn: TTXVN

Những thách thức mới về an toàn sức khỏe nghề nghiệp 

Theo báo cáo mới nhất về an toàn sức khỏe nghề nghiệp được Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) công bố trước Ngày Thế giới về an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc (28.4), những thay đổi trong thực hành công việc, nhân khẩu học, công nghệ và môi trường đang tạo ra mối lo ngại mới về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp.

Trong số những thách thức ngày càng tăng về rủi ro tâm lý xã hội, đáng chú ý là căng thẳng liên quan đến công việc và các bệnh không truyền nhiễm, bao gồm các bệnh về tuần hoàn và hô hấp, cũng như ung thư.

Mỗi năm, hơn 374 triệu người bị thương hoặc ngã bệnh trong các vụ tai nạn liên quan đến công việc. Báo cáo ước tính rằng chi phí của ngày làm việc bị mất vì các lý do liên quan đến an toàn và sức khỏe nghề nghiệp chiếm gần 4% GDP toàn cầu và ở một số quốc gia lên tới 6% GDP.

Theo ông Manal Azzi, chuyên gia kỹ thuật của ILO về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp, phòng ngừa rủi ro được thiết lập đang trở nên hiệu quả hơn, nhưng chúng ta đang thấy những thay đổi sâu sắc trong nơi làm việc và mô hình làm việc của chúng ta. Cấu trúc an toàn và sức khỏe cần phải tính đến điều này, cùng với văn hóa phòng ngừa chung để tạo ra trách nhiệm chung.

Báo cáo cũng đề cập đến 4 dòng thay đổi chính, đồng thời nhấn mạnh rằng, họ cũng đưa ra các cơ hội để cải thiện tình hình. Trước tiên, công nghệ như: Số hóa, robot và công nghệ nano có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý xã hội và giới thiệu các vật liệu mới mà chúng ta chưa đo lường được các rủi ro có thể gây ra cho sức khỏe. Những công nghệ này, nếu được áp dụng đúng cách, cũng có thể giúp giảm rủi ro, tạo điều kiện cho việc đào tạo và kiểm tra lao động. Thứ hai, thay đổi nhân khẩu học cũng rất quan trọng vì những người lao động trẻ tuổi có tỷ lệ thương tật nghề nghiệp cao hơn đáng kể, trong khi những người lao động lớn tuổi cần thực hành và thiết bị để thích nghi với công việc một cách an toàn. Phụ nữ - những người đang trở nên đông đảo hơn trong lực lượng lao động - có nhiều khả năng có công việc không điển hình và dễ bị nguy cơ rối loạn cơ xương khớp. Thứ ba, phát triển và biến đổi khí hậu làm tăng nguy cơ tiếp xúc với ô nhiễm không khí, làn sóng nhiệt, các bệnh mới nổi; thay đổi đột ngột về thời tiết và nhiệt độ có thể dẫn đến mất việc làm. Ngoài ra, phát triển bền vững và nền kinh tế xanh sẽ tạo ra việc làm mới. Cuối cùng, những thay đổi trong tổ chức công việc có thể mang lại sự linh hoạt cho phép nhiều người tham gia vào thị trường lao động, nhưng cũng có thể gây ra các vấn đề tâm lý xã hội và quá nhiều giờ làm việc. Hiện tại, khoảng 36% lực lượng lao động của thế giới đang làm việc quá sức (hơn 48 giờ mỗi tuần).

Tương ứng với những thách thức này, Báo cáo đề xuất 6 lĩnh vực mà các nhà hoạch định chính sách và các bên liên quan khác cần chú trọng. Đó là, cần có nhiều can thiệp hơn đối với những rủi ro an toàn sức khỏe nghề nghiệp mới và mới nổi, thông qua phương pháp tiếp cận liên ngành và thiết lập mối liên hệ tốt hơn với sức khỏe công cộng. Bên cạnh đó, cần nâng cao hiểu biết của cộng đồng về các vấn đề an toàn sức khỏe nghề nghiệp. Cuối cùng, tăng cường các tiêu chuẩn lao động quốc tế và luật pháp quốc gia trong một số lĩnh vực đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa chính phủ, người lao động và người sử dụng lao động đóng vai trò quan trọng.

Hiện tại, theo ILO, tỷ lệ tử vong liên quan đến công việc lớn nhất - 86% - bắt nguồn từ bệnh tật. Khoảng 6.500 người chết mỗi ngày vì bệnh nghề nghiệp, so với 1.000 người chết vì tai nạn liên quan đến công việc. Các nguyên nhân gây tử vong phổ biến nhất là các bệnh tuần hoàn (31%), ung thư liên quan đến công việc (26%) và các bệnh về đường hô hấp (17%).

Ông Azzi cho rằng: “ Bên cạnh gáng nặng kinh tế, chúng ta phải công nhận những tổn thất không thể đo đếm được về mặt con người do ốm đau và tai nạn lao động gây ra. Những tai nạn và bệnh tật này còn bi thương hơn khi phần lớn chúng đều có thể phòng tránh được. Chúng ta cần xem xét một cách nghiêm túc các khuyến nghị của Ủy ban Toàn cầu của ILO về tương lai việc làm, trong đó an toàn và sức khỏe nghề nghiệp được công nhận là một nguyên tắc và quyền cơ bản tại nơi làm việc”.

Việc bảo đảm an toàn, sức khỏe cho người lao động tại nơi làm việc vẫn chưa được thực hiện tốt 

Tại Việt Nam, trong những năm gần đây, số vụ tai nạn lao động đã giảm nhưng việc bảo đảm an toàn, giữ gìn sức khỏe cho người lao động tại nơi làm việc vẫn chưa được thực hiện tốt. Năm 2018, cả nước xảy ra 7.997 vụ tai nạn lao động làm 8.229 người bị nạn, trong đó 1.039 người chết, 1.939 người bị thương nặng. Đáng lưu ý, năm 2018, đã xảy ra 17 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng (làm chết từ 2 người trở lên và làm bị thương nhiều người) tại các địa phương: Cao Bằng, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Trà Vinh, Đắk Nông. Tai nạn lao động xảy ra trong các lĩnh vực xây dựng, khai thác khoáng sản, điện, nổ lò, ngạt khí. 

Về nguyên nhân tai nạn lao động, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng 46,49% số vụ là do người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn; không huấn luyện an toàn lao động hoặc huấn luyện an toàn lao động chưa đầy đủ; thiết bị không bảo đảm an toàn lao động. Nguyên nhân do người lao động vi phạm quy trình, quy chuẩn an toàn lao động chiếm 18,42%; còn lại 35,06% là những vụ tai nạn lao động xảy ra do các nguyên nhân khác.

Đối với công tác khám sức khỏe định kỳ, tỷ lệ số lao động được khám sức khỏe định kỳ ở nước ta còn thấp. Như năm 2017, cả nước có hàng chục triệu lao động đang làm việc nhưng số lao động được khám sức khỏe định kỳ mới đạt gần 2,2 triệu lượt người. Kết quả khám cho thấy, số lao động đạt sức khỏe loại I chỉ chiếm 24,1%; số người lao động đạt sức khỏe loại II và III là 68,4%, còn lại là sức khỏe loại IV và V. Người lao động ở nước ta đã mắc 30/34 loại bệnh nghề nghiệp, phổ biến là bệnh điếc do chịu tiếng ồn quá lớn trong thời gian dài, bệnh hen phế quản, nhiễm độc nicotin…

Vì một thế hệ lao động khỏe mạnh

Hiện nay, nước ta có hơn 54 triệu người tham gia lực lượng lao động xã hội. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ, ngoài trình độ chuyên môn, tay nghề, người lao động cần có sức khỏe tốt, tinh thần tốt nhằm làm chủ máy móc, khoa học, công nghệ.

Để có một thế hệ lao động khỏe mạnh, ông Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội đề nghị các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với ngành trong việc quản lý, kiểm tra công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại tất cả cơ sở sản xuất, kinh doanh. Những cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cố tình “phớt lờ” quy định về an toàn, vệ sinh lao động, không đưa người lao động đi khám sức khỏe định kỳ cần được xử lý nghiêm minh. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người lao động, người sử dụng lao động về mối nguy hiểm khi làm việc trong môi trường thiếu an toàn cần được tăng cường.

Ngoài ra, để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện tốt công tác bảo đảm an toàn, giữ gìn sức khỏe cho người lao động tại nơi làm việc, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội kiến nghị các cơ quan chức năng giảm mức đóng phí thẩm định dịch vụ huấn luyện an toàn lao động; rút ngắn thời hạn thẩm định, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động…

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vì một thế hệ lao động khỏe mạnh