Vay tiền của công ty tài chính: Cẩn trọng với mức lãi suất cắt cổ

02/06/2021 06:36

Chỉ cần cung cấp CMND hoặc CCCD, kèm bằng lái xe, ảnh chân dung là khách hàng có thể vay ngay vài chục triệu từ các công ty tài chính.

Trong khi một bộ hồ sơ vay vốn thông thường tại các ngân hàng thương mại cần rất nhiều thủ tục giấy tờ như chứng minh nhân dân, chứng minh tài chính, tài sản bảo đảm thì các công ty tài chính được cấp phép kinh doanh phục vụ nhu cầu vay tiêu dùng chỉ yêu cầu khách hàng cung cấp chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân kèm bằng lái xe, ảnh chân dung là có thể vay tới hàng chục triệu đồng. Theo đánh giá của nhiều người, nó rất nhanh chóng, rất đơn giản và rất dễ dàng, thuận tiện.

Theo chia sẻ của một người dân thì chị cũng được quảng cáo vay tiêu dùng từ HOME CREDIT và FE CREDIT với số tiền vay đến 50.000.000 đồng mà chỉ cần chứng minh hoặc căn cước công dân với bằng lái xe. Sau vài phút là có thể được xét duyệt. Thực sự theo chị , nếu thủ tục cho vay đúng như vậy thì nhanh và đơn giản hơn Ngân hàng rất nhiều.

Vậy nhưng, điều quan trọng là lãi suất của các khoản vay là bao nhiêu thì ít khi các công ty tài chính nhắc đến trong quảng cáo. Vậy lãi suất của các công ty tài chính được quy định như thế nào? Khi vay tiền từ các công ty này thì khách hàng cần lưu ý những điều gì?

Hình minh họa

Liên quan đến vấn đề này, luật sư Nguyễn Văn Hưng, Phó Giám đốc Công ty Luật hợp danh The Light  thông tin: Theo quy định của Luật Tổ chức tín dụng năm 2010 sửa đổi, bổ sung năm 2017, công ty Tài chính, hay có thể hiểu là tổ chức Tín dụng phi ngân hàng, thực hiện một số hoạt động của Ngân hàng theo quy định của Luật các tổ chức Tín dụng, nhưng không bao gồm các hoạt động như: nhận tiền gửi của cá nhân, cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản của khách hàng. Do là tổ chức tín dụng phi ngân hàng, nên công ty tài chính được thực hiện một số hoạt động ngân hàng. Do đó, hoạt động cho vay tiêu dùng cũng là lĩnh vực mà công ty tài chính được phép kinh doanh

Luật sư Nguyễn Văn Hưng cho biết, hiện nay Ngân hàng Nhà nước quản lý chặt chẽ đối với lãi suất từng khoản vay. Đối với các công ty tài chính, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 1730 ngày 30.9.2020 quy định về mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng chi nhánh Ngân hàng nước ngoài. Liên quan đến lãi suất mà các công ty tài chính được phép áp dụng, căn cứ vào Khoản 2, Điều 1, Quyết định 1730 quỹ Tín dụng nhân dân và Tổ chức Tài chính vi mô được áp dụng mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam là 5,5%/ 1 năm.

“Theo quy định này, công ty tài chính khi thực hiện một số hoạt động cho vay tiêu dùng, vay cá nhân cũng chỉ được áp dụng mức lãi suất tối đa là 5,5 %/1 năm. Ngoài ra, cũng có thể xem xét mức lãi suất được quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015. Theo Điều 468 mức lãi suất mà pháp luật quy định cũng là không được vượt quá 20 % của khoản tiền vay”- luật sư Hưng nói.

Như vậy, nếu lãi suất mà các bên thỏa thuận tại hợp đồng cấp tín dụng vượt quá 20% khoản tiền vay không chỉ vi phạm quy định của Ngân hàng Nhà nước mà còn vi phạm cả quy định của Bộ luật Dân sự.

Trên thực tế, nhiều người phản ánh việc công ty tài chính tư vấn lãi suất một đằng nhưng thực hiện một nẻo hoặc là cho vay lãi lên tới 40%/1 năm, luật sư Nguyễn Văn Hưng cho rằng, có thể các công ty tài chính báo cáo không chính xác, hoặc không đầy đủ liên quan đến việc kinh doanh của mình, cũng như lãi suất mà họ áp dụng đối với khách hàng. Đối với những hành vi như thế, có thể đề nghị Tòa án xem xét tuyên bố, hợp đồng đó vô hiệu hóa một phần vì liên quan đến việc gian dối về lãi suất trong quá trình thỏa thuận.

“Rất khó để cho người vay tiền chứng minh được nội dung đó là gian dối, bởi lẽ, nội dung được thỏa thuận bằng văn bản, trên hợp đồng có chữ ký của họ mới là tài liệu pháp lý cao nhất. Còn tư vấn của nhân viên chỉ là một nguồn tham khảo, không phải là ý chí của chủ thể giao kết hợp đồng. Do đó, rất khó, rất bất lợi cho người vay tiền khi muốn chứng minh rằng mình được nhân viên tư vấn một mức lãi suất khác. Điều này đã được các cơ quan truyền thông cũng như dư luận phản ánh rất nhiều về việc các công ty tài chính thường áp dụng một mức lãi suất cắt cổ”- luật sư Nguyễn Văn Hưng nói.

Tuy nhiên, về phần mình, luật sư Hưng cho biết, ông chưa thấy ngân hàng Nhà nước có những động thái, tuýt còi hay có văn bản chỉ đạo, điều hành buộc các công ty tài chính thực hiện đúng quy định của pháp luật liên quan lãi suất.

Theo luật sư Nguyễn Văn Hưng, về nguyên tắc, bản chất của việc cấp tín dụng hoặc là cho vay tiêu dùng đối với các công ty tài chính cùng với khách hàng của mình cũng là hoạt động vay tài sản. Do đó, quyền của các chủ thể trong giao dịch này, đều được phép đàm phán, thỏa thuận liên quan đến các nội dung trong hợp đồng, cụ thể là lãi suất. Trong trường hợp này Ngân hàng Nhà nước quy định mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam là 5,5 %/1 năm, các chủ thể gồm có khách hàng và công ty tài chính chính có thể thỏa thuận về mức lãi suất xung quanh mức trần mà Nhà nước quy định.

Theo luật sư Hưng, đối với mức lãi suất theo quy định pháp luật không vượt quá 5,5 % 1 năm theo Quy định 1730 của Ngân hàng Nhà nước. Về nguyên tắc nếu giữa công ty tài chính và khách hàng thỏa thuận một mức lãi suất cao hơn mức lãi suất mà pháp luật quy định, nếu như tranh chấp xảy ra, thì mức lãi suất vượt quá đó không có biện pháp xử lý mà chỉ được tính theo mức lãi suất ngân hàng Nhà nước quy định.

Nếu mức lãi suất các bên thỏa thuận vượt quá 5 lần mức lãi suất cơ bản và thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên thì có thể xem xét hành vi cho vay nặng lãi.

Luật sư Nguyễn Văn Hưng lưu ý, khi khách hàng vay tiền của các công ty tài chính đều được quảng cáo thủ tục rất là nhanh gọn, tiện lợi, chỉ cần 15 phút là có tiền ngay, hay chỉ cần có chứng minh thư là có tiền. Với những quảng cáo hấp dẫn, thời gian giải quyết hồ sơ nhanh như vậy khiến cho rất nhiều khách hàng hay người vay tiền cảm thấy dễ dàng trong việc tiếp cận được khoản vay của các công ty tài chính.

Tuy nhiên, thì đó mới chỉ là bề nổi của vấn đề. Theo vị luật sư này, khi người vay tiền muốn vay được tiền của các công ty tài chính, thường là phải ký vào những văn bản thực hiện những thủ tục mà các công ty tài chính đã chuẩn bị sẵn, ví dụ như hợp đồng với lãi suất...

“Rõ ràng là chúng ta đều hiểu rằng, nếu như chúng ta đi vay tiền của ngân hàng thì phải có tài sản thế chấp và khi vay tiền của công ty tài chính thì thế chấp bằng tín chấp. Có nghĩa là bằng chính thông tin của bản thân mình, bằng chính uy tín của mình, thông tin của người bảo lãnh. Chính những người bảo lãnh này sẽ là những người phải có trách nhiệm khi mà người vay tiền không thực hiện nghĩa vụ trả nợ”- luật sư Hưng nói.

Thực tế thì người bảo lãnh thường là những người bị làm phiền nhất, khi người vay tiền của công ty tài chính trốn tránh hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ trả nợ của mình. Do đó, theo luật sư Hùng người vay tiền công ty tài chính trước khi ký hợp đồng cũng nên tìm hiểu kỹ về các chính sách liên quan đến lãi suất, các chính sách liên quan đến việc thu hồi nợ, đặc biệt là phương án, phương thức các công ty tài chính sẽ thực hiện áp dụng nếu như xảy ra tình trạng khách hàng không trả nợ, hoặc trả nợ không đầy đủ theo cái khoản vay đã được các bên thỏa thuận theo hợp đồng để tránh việc phiền toái không đáng có.

Theo VOV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vay tiền của công ty tài chính: Cẩn trọng với mức lãi suất cắt cổ