Ươm những "mầm xanh" giữa biển khơi

27/05/2022 11:00

Giữa muôn trùng sóng gió khơi xa, những người thầy vẫn lặng thầm, miệt mài “gieo chữ” cho các thế hệ học trò ở Trường Sa thân yêu.


Học sinh trên đảo Sinh Tồn tham gia Lễ kỷ niệm 47 năm ngày giải phóng Quần đảo Trường Sa (29.4.1975 - 29.4.2022)

Trong chuyến công tác đến Quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa), chúng tôi đã xúc động khi thăm những lớp học, nghe những tiếng trẻ con bi bô giữa muôn trùng sóng gió.

Những ngày tháng 4 lịch sử trên đảo Sinh Tồn, thầy trò ở đây đang miệt mài bên trang sách. Ngoài cửa sổ là cát, là sóng, gió, là biển, trời bao la. Còn trong căn phòng nhỏ này là thế giới riêng của thầy giáo và đám học trò. Em Võ Đan Như, học sinh lớp 1 có nụ cười tỏa sáng và nhí nhảnh. Trước Đan Như là chị ruột đã vào lớp 4. Mỗi ngày 2 buổi đến trường trong bộ đồng phục chỉnh tề, các em đội viên quàng khăn đỏ phấp phới trên vai, các em chăm chú vào từng trang sách. Qua những con chữ nhỏ ấy, một thế giới bao la rộng lớn mở ra. 

Thầy giáo Nguyễn Công Qua (sinh năm 1994) quê ở huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) là một trong những giáo viên trên xã đảo Sinh Tồn thuộc huyện đảo Trường Sa. Anh ra Sinh Tồn từ năm 2018 với nhiệm vụ "gieo chữ" cho lũ trẻ trên đảo. Trước khi ra đảo vào năm 2018, thầy Qua có 2 năm giảng dạy ở đất liền. Ở đó còn có người vợ trẻ và 2 con nhỏ ngày đêm mong nhớ. Nhưng không vì thế thầy dễ buông bỏ lũ trẻ ở đây để về lại với gia đình. Hơn 4 năm giảng dạy nơi đảo xa với bao kỷ niệm buồn, vui nhưng trong anh bây giờ là tâm trạng bịn rịn khi sắp phải vào đất liền, phải xa đám học trò mà anh đã coi chúng như con, còn chúng coi thầy như cha. Những đứa trẻ ấy lớn lên, có đứa sẽ ở lại với Sinh Tồn để giữ biển trời Tổ quốc, cũng có đứa sẽ vào đất liền sinh cơ lập nghiệp. Và không biết sau này, thầy-trò, cha-con còn có ngày gặp lại? "Đứa nào cũng hồn nhiên, đáng yêu. Học hết lớp 5 các con sẽ vào đất liền học tiếp. Vì thế tranh thủ thời gian thầy, trò còn ở bên nhau, các con sẽ được chúng tôi truyền thụ những kiến thức để giúp chúng tiếp cận nhanh với chương trình học ở đất liền", thầy Qua xúc động chia sẻ.

Buổi tối hằng ngày, đảo cát san hô không chỉ có gió, có sóng ồn ào mà còn có "dàn đồng thanh" tập đọc, tập đánh vần bi bô của lũ trẻ phát ra từ mỗi ngôi nhà. Có trường, có lớp, những ngư dân ở trên đảo Sinh Tồn yên tâm khi con được học hành đầy đủ. Tiếp chuyện chúng tôi, chị Nguyễn Thị Thu Thủy, người dân xã đảo hồ hởi: "Phần lớn thời gian trong ngày của các con là ở bên thầy giáo. Các con đã có thầy giáo dạy bảo, kèm cặp chu đáo nên chúng tôi yên tâm ở nhà làm việc".

Một lớp học trên đảo Trường Sa Lớn

Cùng với Sinh Tồn, nhiều đảo của huyện đảo Trường Sa cũng có trường học. Trường Sa Lớn là thị trấn, số trẻ trong các lớp nhiều nhất trong các đảo. Trường Tiểu học thị trấn Trường Sa được xây dựng vững chắc, có đầy đủ thiết bị dành cho thầy dạy và trò học. Thư viện của nhà trường với nhiều đầu sách, mỗi cuốn sách là một tấm lòng từ mọi miền Tổ quốc mang ra để các em có thêm nhiều điều kiện tiếp cận với tri thức, giúp các em không thua thiệt với các bạn ở đất liền... Nhiều thầy giáo sau nhiều lần viết đơn tình nguyện mới được đến với Trường Sa. Khi đến Trường Tiểu học thị trấn Trường Sa, chúng tôi đã được nghe câu chuyện về bức tâm thư của một thầy giáo người Khánh Hòa từng vượt sóng gió ra đây giảng dạy. Thư có đoạn: "Tôi có một cảm giác rất đặc biệt, rất thiêng liêng. Đứng trước Vòng tròn Gạc Ma bất tử, đọc về lịch sử anh dũng của các chiến sĩ Gạc Ma ngay trên mảnh đất quê hương, lòng tôi cuộn lên những cảm xúc thật lạ kỳ. Tình yêu Tổ quốc, quê hương trỗi dậy. Cảm phục các anh, tôi càng mong muốn được làm điều gì đó cho Trường Sa. Tất cả cứ thôi thúc, thôi thúc...".

Ở huyện đảo Trường Sa, các thế hệ học sinh ở các đảo khác đều được học hành trong môi trường thuận lợi. Một đồng chí sĩ quan Hải quân ở đây chia sẻ, giờ đây, các em bé Trường Sa được giáo dục, chăm sóc kỹ lưỡng với một điều kiện khá đầy đủ cả về vật chất và tinh thần. Ở nơi thắm tình thầy trò, quân dân, ắt hẳn khi lớn lên các cháu sẽ trở thành những chủ nhân của biển, là những cọc tiêu giữ biển đảo, đất trời của Tổ quốc thân yêu.

Trước lúc tạm chia tay, chúng tôi thầm ước rằng một ngày nào đó sẽ lại được trở lại, sẽ gặp lại đám trẻ khi chúng trưởng thành ở Quần đảo Trường Sa - nơi thấm đẫm máu đào và công lao của các bậc tiền nhân và những chiến sĩ ngày nay đang từng phút, từng giờ chắc tay súng trên mênh mông sóng nước để giữ vững chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

TIẾN HUY

(0) Bình luận
Ươm những "mầm xanh" giữa biển khơi