Miệt mài ươm những mầm xanh

20/02/2023 06:01

Tiến sĩ Đào Xuân Thảng, nguyên Phó Viện trưởng Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm luôn dành tâm huyết cho việc chọn tạo giống cây trồng. Ông được biết đến là một trong những người đặt nền móng cho nông nghiệp hiện đại Việt Nam. 


Tiến sĩ Thảng nghiên cứu hàng chục giống cây trồng bản quyền phù hợp với đồng đất Hải Dương

Tâm huyết

Không dễ để tôi hẹn gặp được ông Thảng trong những ngày đầu xuân và khi gặp được rồi thì cuộc nói chuyện cũng không trọn vẹn vì bị gián đoạn bởi những cuộc gọi đến ông đặt mua cây giống, nhờ tư vấn kỹ thuật trồng cây. Ông Thảng ngại nói về bản thân bởi ông tâm niệm người làm khoa học chỉ nên âm thầm cống hiến. Do đó, ông đã nhiều lần từ chối xuất hiện trên báo đài. Thế nhưng, khi nhắc tới mối lương duyên với xứ Đông, ông lại mở lòng.

Quê gốc ở Thái Bình song hơn nửa đời người ông Thảng gắn bó với mảnh đất Hải Dương, nông dân Hải Dương. Sau khi xuất ngũ vào năm 1973, ông được cử đi học chuyên ngành nghiên cứu rau quả tại Bungari. Tại đây, chàng thanh niên quê lúa choáng ngợp trước thành tựu phát triển nông nghiệp của nước bạn. Đất đai không màu mỡ bằng, khí hậu lại có phần khắc nghiệt hơn song người dân Bungari làm nông tương đối nhàn hạ, thu về giá trị cao, còn ở Việt Nam, bà con quanh năm dãi nắng dầm sương cũng chỉ mong đủ ăn. Đây là suy tư, trăn trở thôi thúc ông Thảng quyết tâm học hỏi, tìm tòi để mang cái hay, cái mới trong nông nghiệp của nước bạn về góp phần thay đổi quê hương. Sau 7 năm du học, ông về đầu quân cho "Viện ông Của" (cách người dân gọi Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm để tưởng nhớ công lao của bác sĩ nông học Lương Định Của).

Từ khi "Viện ông Của" được xây dựng vào năm 1968 tại huyện Gia Lộc (nay thuộc TP Hải Dương), nông nghiệp Hải Dương cũng dần khởi sắc. Những cơn đói giáp hạt thưa thớt dần vì lúa trĩu bông hơn. Tuy vậy vào mùa đông, cánh đồng vẫn tiêu điều, xơ xác bởi không có cây trồng phù hợp. Và dù thóc đầy bồ trong vụ mùa thì nông dân vẫn thấp thỏm không yên khi vụ lúa mới còn rất xa. Khi người dân đang loay hoay thì ông Thảng có mặt, hăng hái cùng đồng nghiệp "thức tỉnh" ruộng đồng, thay đổi nếp nghĩ nhà nông. Nhớ lại những ngày đầu nhận công tác tại viện cây, ông chậm rãi nói: “Lúc đó, thứ bà con đang thiếu lại là cái tôi được đào tạo bài bản. Cây lúa là căn bản giúp nông dân đủ no song không mang lại nhiều giá trị kinh tế. Còn với rau quả, thời đấy là tiềm năng nhưng đầy khó khăn vì nguồn cung giống bị động, lệ thuộc”.

Trước thực trạng đồng ruộng khát cây trồng, ông Thảng càng quyết tâm tạo bước chuyển, giúp nông dân có thêm nhiều lựa chọn. Nhờ sức trẻ, nhiệt huyết, đam mê, ông và cộng sự làm việc không biết mệt mỏi, ngày đêm chuyên tâm nghiên cứu, thí nghiệm, ứng dụng, gieo trồng. Thời đầu, có được gói giống rau màu để khảo nghiệm không phải dễ dàng bởi phần lớn phải đặt hàng từ nước ngoài. Vì thế, ông Thảng phải chắt chiu, tận dụng tối đa. Mỗi mầm xanh non nớt vừa nhú cũng khiến ông nhẹ lòng. Tuy nhiên, công trình khoa học là cả quá trình dày công, cây nảy mầm, bén rễ mới chỉ là khởi đầu. Theo dõi cây phát triển, thu thập thông tin để đánh giá sự phù hợp với các yếu tố tự nhiên. Từ đó có căn cứ lai tạo giữa các loại giống, tạo ra giống tối ưu nhất. “Tôi nhận nhiệm vụ từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để phát triển bộ giống rau màu, cây ăn quả cho cả nước. Nhưng có lẽ vì đóng chân trên địa bàn Hải Dương mà nơi đây được ưu ái hơn bởi các bộ giống phần nhiều được thực hành, thử nghiệm tại đây. Do đó, cây cũng hợp đồng đất, khí hậu hơn”, ông Thảng cười nói.

Với khối óc nhạy bén và bàn tay cần mẫn, ông Thảng nghiên cứu, chọn tạo ra hàng chục giống cây rau màu, cây ăn quả bản quyền. Vụ đông ở Hải Dương tốt tươi cũng nhờ một phần công sức của ông. Các giống cà chua Hồng Loan, cà chua Hồng Lan số 1, dưa chuột nếp số 1, dưa chuột hạ xanh số 1, ổi trắng số 1... do ông Thảng nghiên cứu, lai tạo là những giống đem lại giá trị kinh tế cao, được người dân ưa chuộng. Nông dân hái quả ngọt trên đồng ruộng còn ông thở phào nhẹ nhõm trong phòng thí nghiệm. Dẫu vậy, ông Thảng chưa khi nào thôi trăn trở. Cây giống không chỉ hữu dụng mà còn cần thông dụng, được người dân tiếp nhận, đi vào thực tế sản xuất. Và quan trọng hơn cả phải được thương mại hóa nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh, vừa giúp người dân được hưởng lợi, vừa khẳng định được bản quyền. Muốn làm được điều này thì ngay cả khi bộ giống được công nhận vẫn phải tiếp tục nghiên cứu để đổi mới, cải tiến. Có cây giống thì phải xây dựng quy trình sản xuất mà quy trình thì không thể đóng khung, cần thường xuyên điều chỉnh để phù hợp với thực tế. Thế nên ông Thảng luôn chuyên tâm, làm việc không ngừng nghỉ để vừa tạo ra giống tốt, vừa hỗ trợ nông dân về kỹ thuật.


Về hưu hơn 10 năm nhưng ông Thảng vẫn miệt mài với công việc chọn tạo giống cây trồng

Đặt nền móng nông nghiệp hiện đại

Lúc ông Thảng mới về viện cây, lĩnh vực nghiên cứu rau màu, cây ăn quả mới chỉ là 1 tổ với số thành viên ít ỏi. Dần dần, tổ phát triển thành bộ môn và trở thành một trong những trụ cột của viện với những bộ giống phong phú, đa dạng. Năm 2004, ở vị trí mới, với vai trò là Phó Viện trưởng, ông Thảng luôn tận tụy giúp đỡ, hỗ trợ chuyên môn và dẫn dắt, gợi mở lớp thế hệ sau tìm sự sáng tạo, đột phá trong nghiên cứu, đáp ứng yêu cầu sản xuất mới. Không mãn nguyện với các công trình nghiên cứu, chọn tạo giống mang tầm ảnh hưởng lớn để yên tâm về hưu, an hưởng tuổi già, đến nay ông vẫn đau đáu trước đòi hỏi ngày càng cao của ngành nông nghiệp. Ông suy tư bảo: “Có thể nói Hải Dương là vựa rau màu, là cái nôi của cây ăn quả với nhiều sản phẩm thế mạnh đặc trưng nhưng đi cùng với sự phát triển nhanh và mạnh là những tồn tại, trở ngại. Nông dân lạm dụng hóa chất không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn khiến các thị trường nhập khẩu nông sản lớn quan ngại về chất lượng. Mặt khác, biến đổi khí hậu với nhiều tác động tiêu cực ảnh hưởng tới sinh trưởng của cây trồng. Nhận thức, tư duy sản xuất nông nghiệp phải đổi mới nếu không sẽ đối mặt với nhiều thách thức, nguy cơ”.

Vào năm 2009, thời điểm chỉ còn 3 năm nữa là về hưu nhưng ông Thảng vẫn quyết định thử thách bản thân bằng việc triển khai mô hình sản xuất trong nhà màng, nhà lưới theo quy trình VietGAP. Ông là người đầu tiên mang kỹ thuật mới này về áp dụng tại Hải Dương. Ông nói rằng, trong suốt thời gian làm khoa học, đây là lựa chọn liều lĩnh nhất song đúng đắn nhất. Sản xuất VietGAP nhiều ưu điểm nhưng đòi hỏi cao, người dân ngại làm theo. Còn nhà màng, nhà lưới tuy hỗ trợ đắc lực cho sản xuất song đầu tư tốn kém nên khó khả thi. Giữa ngổn ngang khó khăn, ông Thảng vẫn quyết tâm thực hiện vì với ông những mô hình này là sinh mệnh, là tương lai của nông nghiệp hiện đại. Nghĩ là làm, ban đầu ông thí điểm trên quy mô nhỏ, vừa làm vừa rút kinh nghiệm để chọn ra phương án tối ưu nhất. Khi thấy hiệu quả thì chuyển giao kỹ thuật, công nghệ để nhân rộng. Dần dần, phương thức sản xuất VietGAP và canh tác trong nhà màng, nhà lưới trở thành điểm tựa, bệ phóng của ngành nông nghiệp Hải Dương.

Khi được hỏi về những lần được vinh danh, những thành tích đạt được trong thời gian công tác, ông Thảng từ chối cung cấp thông tin. Ông nói: “Tôi được Đảng, Nhà nước tin tưởng cử đi đào tạo ở nước ngoài nên trách nhiệm của tôi là phụng sự đất nước, người dân. Vì vậy, mọi ghi nhận, thành tích tôi luôn trân trọng nhưng không muốn khoe ra, chỉ muốn cống hiến trí tuệ, sức lực đến khi còn có thể”.

Và đúng như ông Thảng chia sẻ, hơn 10 năm về hưu, ông vẫn miệt mài với công việc chọn tạo giống cây trồng. Cơ sở sản xuất giống cây của ông nằm sâu trong khuôn viên viện cây mà người dân trong, ngoài tỉnh vẫn tìm tới, chọn mua cây giống. Không ít người nói tới chỗ ông Thảng mua cây và lấy lại niềm tin, chất lượng bởi ông không chỉ bán giống cây mà còn theo sát, hướng dẫn tận tình cách trồng, chăm sóc.

Ông Thảng khẳng định muốn tốt cho ngành, muốn lợi cho dân thì cây giống là gốc, cần có bản quyền nhưng không được độc quyền. Do vậy, ông tích cực liên kết với các doanh nghiệp để sản xuất cây giống. Nhờ đó, những giống cây mà ông Thảng nghiên cứu, lai tạo đi muôn nơi và ông cũng sẵn sàng chia sẻ, giới thiệu các giống mới tiến bộ của đơn vị khác tới bà con. “Tôi có thể già đi nhưng những mầm xanh sẽ tiếp tục được ươm trồng bởi mùa xuân, mùa trồng cây tuần hoàn”, ông Thảng trầm ngâm suy tư khi thấy người dân tấp nập tới mua cây giống.

DŨNG CƯỜNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Miệt mài ươm những mầm xanh