Chuyên gia giáo dục cho biết, khi con bị bạn đánh, phụ huynh nên tiếp cận nhà trường sớm nhất có thể thay vì gặp trực tiếp, hành hung lại học sinh đánh con mình.
Con trai chị Lê Thảo (quận Long Biên, Hà Nội) học lớp 6. Trong buổi học hôm 27/5, có hai nam sinh lớp 7 đi vào lớp của con trai chị và không đóng cửa. Lớp đang bật điều hòa, nên con trai chị nhắc "Đóng cửa vào" nhưng hai nam sinh khóa trên không thực hiện. Thấy vậy, cậu bé tiếp tục nói "Đóng cửa vào".
Hai nam sinh lớp 7 liền xông tới - người cầm ghế nhựa đập vào đầu, người dùng chân tay đấm túi bụi cậu học trò khóa dưới vì "hỗn", nói trống không. Con chị Thảo ôm đầu không thể chống trả. Cuộc tấn công chỉ dừng lại khi cô giáo lớp bên cạnh sang can ngăn.
Nghe tin, chị Thảo lập tức đến trường. Xót xa nhìn con trai đầu sưng đau, tay chân bầm tím, người mẹ nén nóng giận, trao đổi cùng con và hai nam sinh để làm rõ ngọn nguồn câu chuyện. Lúc này, giáo viên chủ nhiệm và đại diện công an cũng được trường mời đến làm việc.
Điều khiến chị bức xúc không chỉ là con trai bị đánh, mà còn là thái độ của gia đình các nam sinh lớp 7. Trong khi nhà trường kịp thời xác nhận sự việc và xin lỗi gia đình; phía hai nam sinh kia không liên lạc hỏi thăm hoặc hỏi thăm thiếu thiện chí. Chị vì vậy đã đăng câu chuyện lên mạng xã hội và chỉ gỡ bài sau khi gia đình hai nam sinh kia xin lỗi.
Qua tình huống, chị Thảo dặn con rút kinh nghiệm trong giao tiếp để tránh xung đột ở trường lớp. Vụ việc đã khép lại nhưng chị vẫn băn khoăn, liệu mình xử sự như vậy đã đúng chưa và nếu chưa đúng, chị sẽ phải làm gì, theo quy trình nào nếu con lại bị đánh.
Một thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo giai đoạn trước Covid-19 cho thấy, trung bình một năm học toàn quốc xảy ra 1.600 vụ học sinh đánh nhau. Cứ hơn 11.000 học sinh thì có một em bị buộc thôi học vì ẩu đả; cứ 9 trường thì có một trường có học sinh đánh nhau. Sau thời gian học online, khi trẻ trở lại trường, các vụ bạo lực lại bùng phát; gần đây nhất là vụ đánh nhau giữa các học sinh tại một trường quốc tế ở TP Hồ Chí Minh.
Thiếu hướng dẫn cụ thể về quy trình xử lý khi con gặp bạo lực học đường, mỗi phụ huynh có một cách phản ứng. Có người đến gặp nhà trường yêu cầu giải quyết rõ ràng; có người trực tiếp gặp kẻ gây hấn với con mình để đáp trả; có người đưa sự việc lên mạng xã hội...
Tiến sĩ Khúc Năng Toàn, Khoa Tâm lý - Giáo dục, Đại học Sư phạm Hà Nội - Điều phối chương trình Tâm lý học đường của hệ thống giáo dục Vinschool nhận định, khi bạo lực xảy ra, lo lắng, tức giận là trạng thái thông thường của phụ huynh. Với cảm xúc tiêu cực đó, mọi phản ứng thiếu sáng suốt đều có thể xảy ra.
Ở trường hợp của chị Thảo, ông Toàn cho rằng, điểm tích cực là phụ huynh giữ được bình tĩnh trong buổi làm việc với trường và các học sinh đánh con mình. Tuy nhiên, cả nhà trường và phụ huynh đều lúng túng trong giải quyết. Việc xử lý hòa giải không triệt để khiến câu chuyện tưởng đã xong lại bùng mâu thuẫn khi thái độ của một bên gia đình thiếu thiện chí.
"Vấn đề đáng phải giải quyết là con trẻ, lại bị lái xoay sang câu chuyện thái độ của phụ huynh", ông nói.
Theo tiến sĩ Toàn, khi con gặp bạo lực, phụ huynh có thể tuân theo quy trình 3-4 bước.
Đầu tiên, phụ huynh cần trấn an và kiểm tra mức độ tổn hại thể chất và tinh thần của con. Bước hai, nhanh chóng báo sự việc với giáo viên chủ nhiệm và bộ phận đảm bảo an toàn trong nhà trường. Hiện, một số trường ở Việt Nam đã có Ủy ban bảo vệ an toàn với trẻ (đơn vị trực tiếp chịu trách nhiệm là Phòng Công tác học sinh). Ủy ban này có thành phần gồm ban giám hiệu, giáo viên, phụ huynh, nhân viên công tác xã hội và nhân viên tâm lý trường học (tối thiểu 5 người).
Bước ba, phụ huynh hợp tác với trường và các cơ quan bên ngoài nhằm đảm bảo lợi ích của học sinh.
Bước bốn, trong trường hợp vẫn không tìm được "tiếng nói chung" khi xử lý, phụ huynh có thể báo cáo sự việc đến các bộ phận liên quan ở Phòng Giáo dục, Sở Giáo dục hoặc liên hệ đường dây nóng của Cục Bảo vệ trẻ em.
Theo chuyên gia Bùi Khánh Nguyên, diễn giả độc lập về giáo dục, cha mẹ phải được đảm bảo 8 quyền khi con bị đánh ở trường, bao gồm: Được nhà trường chủ động thông tin ngay khi có sự việc xảy ra; Được thông tin rõ ràng về chính sách, nội quy, quy trình xử lý kỷ luật học sinh; Được yêu cầu nhà trường lập hội đồng kỷ luật và được tham gia các cuộc họp; Được yêu cầu chính sách bảo vệ an toàn cho con; Được yêu cầu cho con tạm ngưng học để ngăn chặn việc xấu xảy ra; Được yêu cầu dịch vụ hỗ trợ; Được khiếu nại về việc nhà trường không thực hiện đúng quy trình kỷ luật học sinh cũng như không ngăn chặn bạo lực học đường và được báo cảnh sát trong trường hợp trường không giải quyết sự việc hợp lý.
Chuyên gia cũng lưu ý một số việc phụ huynh không nên làm. Thứ nhất, theo ông Nguyên, cần tránh gặp trực tiếp học sinh gây ra thương tích hay xâm hại con mình mà thiếu người giám hộ các em này. Sự nóng giận có thể khiến phụ huynh không kiềm chế được và lao vào tấn công đứa trẻ phía bên kia. Như vậy, cái sai này dẫn tới cái sai khác, đẩy tình huống vào mức tệ hơn ban đầu. Họ cũng không nên gặp riêng gia đình của đứa trẻ gây ra lỗi, với lý do tương tự là tránh xung đột, bạo lực giữa hai gia đình. Các cuộc gặp cần được tổ chức trong trường, và do trường sắp xếp.
Thứ hai, PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội), đề cập đến vấn đề "lợi bất cập hại" của hành động đưa sự việc lên mạng xã hội. Theo ông, phụ huynh không nên công khai hình ảnh, thông tin cá nhân của những đứa trẻ liên quan lên mạng. Việc này sẽ khiến các em tiếp tục trở thành nạn nhân bị bắt nạt trên mạng lẫn ngoài đời, đồng thời gây khó khăn cho tâm lý, cảm xúc của những đứa trẻ sau sự việc.
Cuối cùng, theo ông Nam, phụ huynh cần nói chuyện cởi mở với con để xác định nguyên nhân xung đột và cách phòng tránh mâu thuẫn tương tự. Giúp con rút ra bài học về kỹ năng bảo vệ bản thân cũng là điều cần thiết; ví dụ: Con sẽ nói gì để bạn dừng lại; tự bảo vệ bản thân ra sao; nhờ sự giúp đỡ của những người khác xung quanh như thế nào...
Theo VnExpress