Từ khi vợ chồng anh Việt và chị Hà ly hôn, mỗi đứa con trai ở với một người. Thằng lớn Tùng Anh ở với bố, còn bé Tùng Minh ở với mẹ.
Hai người thỏa thuận cứ cuối tuần này Tùng Anh được mẹ đón về bên ngoại, thì cuối tuần sau Tùng Minh được bố đón về bên nội.
Lần này, bên nội có giỗ cụ vào giữa tuần, anh Việt gọi điện thông báo với chị Hà xin đón Tùng Minh về ăn giỗ và ngủ lại một đêm, sáng mai anh sẽ đưa con đi học nhưng chị Hà nhất định không cho. Sau khi hai người lời qua tiếng lại, chị Hà ra điều kiện:
- Nếu vậy thì ngay hôm sau anh phải để cho tôi đón Tùng Minh về bên ngoại một hôm. Như thế là huề.
Anh Việt nhất trí nhưng trong lòng vẫn bực bội, không thoải mái. Rõ ràng con là con chung, nhưng từ ngày vợ chồng ly hôn, chị Hà thỉnh thoảng vẫn làm khó dễ cho anh trong việc đón Tùng Minh về bên nội hay cho cả hai đứa đi chơi.
Sau hôm giỗ cụ bên nội nhà anh Việt, mới tờ mờ sáng, chị Hà đã đến nhà anh để đón Tùng Minh. Chị đứng ngoài ngõ, gọi điện cho anh Việt, yêu cầu anh đưa con ra cổng cho chị đón chứ nhất định không chịu vào trong nhà để chào bố mẹ chồng cũ một câu. Chị còn yêu cầu anh Việt đưa Tùng Anh ra cho chị dẫn về bên ngoại một hôm. Chị bảo:
- Đã thỏa thuận rồi, tôi muốn thực hiện ngay và luôn.
Anh Việt vừa ngái ngủ vừa năn nỉ:
- Tôi xin cô, cô để tôi cho các con ăn sáng xong rồi tôi chở chúng đi học cho, giờ còn sớm lắm, chúng đang ngủ ngon.
Chị Hà cương quyết:
- Không được, tôi sẽ đưa hai con đi ăn sáng, anh gọi hai đứa dậy đi. Đúng 5 phút nữa nếu anh không đưa chúng ra đây cho tôi thì lần sau tôi sẽ không cho Tùng Minh về bên này giữa tuần nữa đâu.
- Cô vừa phải thôi.
Anh Việt quát lên trong điện thoại khiến mẹ anh bật dậy, lại gần hỏi con trai:
- Có chuyện gì thế? Mới sáng ra đã quát tháo ai ầm ĩ cả nhà lên thế? Phải để cho bọn trẻ ngủ thêm một chút nữa chứ.
Anh Việt hạ giọng:
- Mẹ đánh thức hai cháu hộ con, cô ấy đến đón, đứng ở ngoài ngõ một lúc rồi.
Bà cụ thở dài, chép miệng:
- Nhà có người lớn mà không vào chào hỏi được một câu, hết tình thì cũng còn nghĩa chứ. Lần nào nó cũng đứng ngoài ngõ, có bận nó réo to Tùng Minh ơi, để thằng bé tự chạy ra, có nhìn thấy mẹ nó cũng chỉ thốt lên bà ạ! Chứ không xin phép được một câu rằng con đến đón cháu.
- Thôi mẹ ạ! Để con nói chuyện với cô ấy sau. Mẹ đừng bận tâm suy nghĩ nhiều kẻo ảnh hưởng đến sức khỏe.
Hôm nay được nghỉ sớm, anh Việt lại muốn đón cả hai con đi công viên chơi nhưng khi gọi điện cho chị Hà thì chị không đồng ý.
- Anh không nói sớm, tôi cho Tùng Minh đi dự sinh nhật hàng xóm rồi.
Anh Việt vẫn cố thuyết phục:
- Tôi chỉ xin cô một tiếng đồng hồ thôi, tôi sẽ đưa con về sớm, dự sinh nhật vẫn kịp. Nó cũng háo hức được đi công viên chơi trò chơi cùng anh trai. Cô phải biết tâm tư nguyện vọng của con chứ.
- Thôi, anh không phải dạy khôn tôi, tôi tự biết nuôi dạy Tùng Minh như thế nào.
- Nhưng nó cũng là con của tôi, tôi muốn đem lại những gì tốt nhất cho con.
- Vậy anh muốn làm gì thì làm, nhưng chỉ một tiếng là một tiếng thôi đấy, anh không giữ lời thì đừng hòng đón được thằng bé nữa.
Lần nào đón Tùng Minh không như thỏa thuận ban đầu là hai người lại lời qua tiếng lại căng thẳng. Lúc đi chơi công viên, Tùng Minh và Tùng Anh cùng trượt cầu trượt, ném bóng... Đang say sưa chơi thì bị bố giục về, Tùng Minh nhăn nhó: “Sao nhanh thế hả bố? Con muốn chơi cùng anh Tùng Anh nữa cơ”. Anh Việt không biết giải thích với con như thế nào, đành dỗ dành: “Tuần sau bố lại cho con đi chơi tiếp như này nhé! Giờ phải về để còn dự sinh nhật hàng xóm”. Tùng Minh lắc đầu: “Không phải! Không phải đâu bố! Mẹ nói dối. Mẹ không thích cho con về bên nội, không thích cho con chơi với bố và anh Tùng Anh. Đồ chơi và quần áo đẹp bố mua, mẹ chẳng cho con dùng đâu. Mẹ làm sao ấy bố ạ!”. Nghe con trai 7 tuổi nói những câu như vậy mà anh Việt sững sờ, thương con thiếu thốn tình cảm và tự trách mình không giữ được gia đình trọn vẹn cho con.
Anh Việt nghĩ không thể để tình trạng này kéo dài mãi được. Biết tính chị Hà bảo thủ, luôn cho mình là đúng nên anh Việt thưa chuyện với ông bà ngoại của các con. Anh nghĩ ông bà là người thương cháu, sẽ "cầm cân nảy mực" để khuyên nhủ con gái ứng xử sao cho đúng mực để Tùng Anh và Tùng Minh bớt thiệt thòi. Nghe anh Việt trình bày, ông bà ngoại của các cháu cũng đồng tình bảo: “Anh suy nghĩ như thế là phải lắm, chúng tôi sẽ nhắc nhở con Hà”. Anh Việt cảm ơn bố mẹ chị Hà rồi vâng dạ ra về, hy vọng chị Hà sẽ thay đổi để các con lớn lên có tình yêu thương của hai bên nội ngoại.
NAM HỒNG