Phải đi dưới nắng, chống chọi với cái nóng khắc nghiệt mới càng thấy giá trị quý giá của những đoạn đường rợp bóng cây xanh.
Hải Dương và cả miền Bắc đang trải qua những ngày đầu mùa hè nắng nóng gay gắt. Phải đi dưới nắng, chống chọi với cái nóng khắc nghiệt mới càng thấy giá trị quý giá của những đoạn đường rợp bóng cây xanh.
Trên Facebook tuần qua, nhân nắng nóng có người bạn tôi phàn nàn về việc con người "ứng xử" chưa văn minh với những hàng cây xanh. Theo những bức ảnh chị chụp thì hàng cây ở một khu phố đã bị cắt tỉa trơ trụi hết cành lá. Cũng theo chị nêu thì việc cắt tỉa cây xanh là để chống mưa bão. Nhìn những cái cây chỉ còn cành khẳng khiu vươn lên trời, thực sự thấy rất tiếc. Status này của chị có nhiều người vào bình luận với những cách nhìn nhận khác nhau. Tuy nhiên, sau đó không rõ nguyên nhân, chị đã xóa status này.
Nhiều làng quê trong tỉnh rợp bóng cây xanh, trở thành điển hình về xanh, sạch, đẹp (ảnh tư liệu)
Về "ứng xử" với những cái cây, đã có quá nhiều chuyện gồm cả tích cực, tiêu cực, trong và ngoài tỉnh, cho thấy quan điểm còn khác nhau của nhiều người về việc trồng cây, chăm cây.
Việc trồng cây xanh nhiều năm qua đều được các đơn vị, địa phương... xây dựng thành nền nếp. TP Hải Dương nói riêng và toàn tỉnh đã có những thay đổi đáng kể trong việc trồng, chăm sóc cây xanh, như các phong trào trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ, trồng đường hoa, đường cây nông thôn, phủ xanh bãi rác... Nhiều nơi trong tỉnh đã trở thành điển hình với mô hình xanh, sạch, đẹp. Dịu mát, dễ chịu nhất là được ngắm những sân trường, con đường xanh mát bóng cây. Nhiều xã nông thôn mới thắm sắc hoa. Nhiều doanh nghiệp, cây xanh đã làm cho môi trường làm việc thân thiện, sạch đẹp hơn...
Trải qua thời gian, cây xanh cũng như con người đều sẽ "già" đi và cũng mắc “bệnh tật”. Chưa kể, dưới những tác động của môi trường, khí hậu, tình trạng bê-tông hóa khắp nơi… và cả sự vô tâm của con người, không ít những hàng cây, bóng cây đã chết. Có nơi, như chị bạn tôi nêu ở trên, những thân cây đã vô tình bị con người can thiệp thô bạo vào quá trình phát triển, sinh trưởng, làm cho cây cụt khô trong mùa đang cần bóng mát nhất. Có nơi, theo báo chí đã nêu, mới chỉ sau Tết trồng cây mùa xuân không lâu, những thân cây phi lao cao khoảng 1 m, do không được chăm sóc đã ngừng phát triển và chết khô. Việc giẫm đạp lên cỏ cây, chặt bỏ, đốt những gốc cây to... vẫn diễn ra khắp nơi. Cũng đã có vụ việc cây xanh không may gẫy cành gây tai nạn cho con người, sau đó người ta vội vã chặt bỏ luôn cái cây đó.
Tôi đã chứng kiến, trước ngày khai trương phố đi bộ, chợ đêm Bạch Đằng, hàng chục công nhân cật lực trồng dặm những hàng cây đến sát giờ khai trương. Nhưng hôm sau, cũng trên Facebook đã tràn ngập hình ảnh những dãy hoa, vạt cây bị giẫm lên không thương tiếc...
Không thể so sánh với các nước phát triển, ưu tiên cao cho việc trồng cây xanh nhưng chúng ta có thể so sánh, rút kinh nghiệm từ ngay các tỉnh, thành phố xung quanh. Quảng Ninh từ một vùng khai thác khoáng sản mù mịt bụi nhiều năm trước, nay đã trở thành một đô thị đáng sống với thiên nhiên trong sạch và đang phấn đấu trong giai đoạn 2021 - 2025 có 7.092 ha cây xanh...
Như những nốt gạch nối giữa thiên nhiên với con người, cây xanh đảm nhận việc hấp thụ CO2, sản sinh ô xy, giữ nước mưa, điều tiết khí hậu, kể cả diệt khuẩn trong không khí… Những lợi ích này khó nhìn thấy. Nhưng việc được trú mát dưới những bóng cây xanh trong những ngày thời tiết nắng nóng như đổ lửa này là minh chứng dễ thấy, dễ cảm nhận nhất với tất cả mọi người.
Thiên nhiên rất khắc nghiệt nhưng cũng rất công bằng, vì đã cho con người có chỗ trú ẩn dịu mát dưới những tán cây. Bởi vậy, "ứng xử" ra sao với những thân cây, chúng ta sẽ được nhận lại chính kết quả đó.
LINH AN