Nhiều bậc phụ huynh đang vô cùng lo lắng khi tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi nhập viện vì COVID-19 đang tăng vọt cùng với các ca nhiễm Omicron ở Anh.
Dữ liệu nghiên cứu của Hiệp hội các bệnh truyền nhiễm mới nổi và hội chứng suy hô hấp cấp nặng (ISARIC) - được xuất bản hôm 14.1 bởi nhóm Cố vấn khoa học về Các trường hợp Khẩn cấp của chính phủ (SAGE) và dựa trên tập hợp đại diện của các bệnh viện thuộc Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) – tiết lộ rằng trong các làn sóng dịch bệnh trước đây, chỉ có khoảng 30% trẻ em dưới 1 tuổi nhập viện vì COVID-19.
Tuy nhiên, từ giữa tháng 12.2021 đến giữa tháng 1 năm nay, khi biến thể Omicron lây lan nhanh chóng trên khắp cả nước – tỷ lệ trẻ sơ sinh nhập viện đã tăng lên 42%. Trong đó, trẻ em sinh sống tại những khu vực khó khăn bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Hầu hết trẻ sơ sinh nhiễm virus SARS-CoV-2 nhập viện đều bị sốt và ho.
Song Calum Semple, Giáo sư về sức khỏe trẻ em tại Đại học Liverpool, cho biết trẻ sơ sinh thường có các triệu chứng rất nhẹ. “Tôi thực sự muốn nhấn mạnh một thực tế rằng các bệnh nhi phải nhập viện không phải là những đứa trẻ có sức khoẻ yếu. Trên thực tế, hầu hết trẻ sơ sinh chỉ phải nhập viện trong một khoảng thời gian ngắn để kiểm tra. Tỷ lệ trẻ phải điều trị trong đơn vị chăm sóc tích cực đang giảm dần theo thời gian”, ông nói.
Trẻ sơ sinh mắc COVID-19 cần thở oxy cũng ghi nhận xu hướng giảm tương tự. Ngoài ra, thời gian nằm viện của trẻ cũng đã giảm từ gần 7 ngày trong làn sóng dịch bệnh đầu tiên xuống còn dưới 2 ngày trong đợt bùng dịch hiện nay.
Tiến sĩ Camilla Kingdon, Giám đốc Đại học Hoàng gia về Nhi khoa và Sức khỏe Trẻ em, cũng trấn an rằng xu hướng gia tăng trẻ sơ sinh nhập viện vì COVID-19 phù hợp với những gì họ đã dự kiến trong mùa đông này ở Anh. Vì vậy, bà cho rằng không có bất kỳ tín hiệu nào cho thấy cần phải quá lo lắng về điều này.
Các nhà khoa học cho biết lý do tiềm ẩn khiến tỷ lệ trẻ sơ sinh nhập viện gia tăng có thể là do trẻ em ở các lứa tuổi lớn hơn đã được tiêm chủng đầy đủ. Song các chuyên gia cho rằng khó có thể giải thích đầy đủ tình hình vì ngay cả ở trẻ em dưới 12 tuổi, tỷ lệ nhập viện vì COVID-19 cũng đã tăng lên.
Giáo sư Semple cho biết: “Nguyên nhân có thể là do người lớn và thanh niên đã được tiêm chủng đầy đủ, nên giờ chúng ta đang thấy tác động nặng nề hơn ở các nhóm tuổi trẻ hơn, chưa được tiêm chủng vào thời điểm này”.
Ông Russell Viner, Giáo sư sức khỏe trẻ em và thanh thiếu niên tại Đại học College London, đã đưa ra một giả thuyết khác. Ông cho rằng Omicron dường như ảnh hưởng đến đường hô hấp trên nhiều hơn so với các biến thể trước đó và trẻ nhỏ có đường hô hấp trên nhỏ hơn. Omicron cũng có nhiều khả năng gây sốt và các triệu chứng giống cảm lạnh ở trẻ nhỏ hơn so với các biến thể trước đó. Theo hướng dẫn chăm sóc trẻ em, với các triệu chứng này, trẻ có thể phải đến bệnh viện để kiểm tra.
Không chỉ ở Anh, số trẻ em nhiễm biến chủng Omicron ở Mỹ cũng đang tăng nhanh trong khoảng một tháng trở lại đây. Theo dữ liệu từ Bệnh viện Nhi khoa, trẻ em chiếm hơn 20% tổng số ca mắc được báo cáo hàng tuần trong tuần kết thúc vào ngày 23.12.2021. Trẻ em cũng chiếm 1,8% đến 4,1% tổng số ca nhập viện trong số 24 bang báo cáo dữ liệu bệnh nhi mắc COVID-19.
Tại thành phố New York, Tiến sĩ Mary Bassett, ủy viên y tế bang cho biết: “Số bệnh nhi mắc COVID-19 đã tăng gần 5 lần kể từ ngày 11.12.2021. Trong vòng tuần thứ 2 của tháng 12.2021, 22 trẻ em phải nhập viện vào các bệnh viện ở thành phố New York, nhưng chỉ một tuần tiếp theo số ca nhập viện điều trị đã là 109 trẻ. Trên toàn bang trong cùng thời điểm, số ca nhập viện đã tăng 2,5 lần, cụ thể từ 70 trẻ nhập viện lên thành 184 trẻ nhập viện.
Hiện vẫn chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy Omicron ảnh hưởng đến trẻ em nhiều hơn so với các biến chủng khác. Các nhà khoa học đang theo dõi liệu trẻ có mắc triệu chứng COVID-19 kéo dài sau khi nhiễm biến chủng Omicron hay không. Điều này cũng đặt ra câu hỏi liệu trẻ nhỏ có nên tiêm vaccine ngừa COVID-19 hay không.
Theo các chuyên gia, dù Omicron hiện chỉ gây triệu chứng nhẹ cho trẻ em, nhưng ít nhiều nó cũng làm ảnh hưởng đến đời sống hàng ngày của trẻ nhỏ. Ví dụ, nếu trẻ nhiễm bệnh và bị cách ly, điều này sẽ làm gián đoạn sinh hoạt hàng ngày cũng như việc học tập. Do vậy, việc tiêm vaccine phòng bệnh sẽ giúp trẻ phần nào tránh được sự gián đoạn này. Ngoài ra, tiêm chủng vaccine cũng thể giúp ngăn trẻ lây lan virus, truyền bệnh cho người cao tuổi hay những người thuộc nhóm nguy cơ cao.
Theo Báo Tin tức