Từ thảm kịch 53 người di cư tử vong tại Mỹ: Hành trình tuyệt vọng

20/07/2022 15:27

Thảm kịch 53 người di cư đã tử vong trong thùng xe đầu kéo ở San Antonio, bang Texas (Mỹ) là tiếng chuông cảnh báo về sự cần thiết phải chấm dứt những lời ngụy biện về cuộc khủng hoảng di cư.

Tu tham kich 53 nguoi di cu tu vong tai My: Hanh trinh tuyet vong hinh anh 1

Lực lượng thực thi pháp luật Mỹ điều tra tại hiện trường phát hiện thi thể người nhập cư trong một xe tải ở San Antonio, bang Texas. (Ảnh: CNN/TTXVN)

Thảm kịch di cư mới nhất, khi 53 người, chủ yếu là công dân Mexico, Guatemala và Honduras, được phát hiện tử vong trong thùng xe đầu kéo tại một khu vực hẻo lánh ở ngoại vi thành phố San Antonio, bang Texas (Mỹ) ngày 27.6 vừa qua, là tiếng chuông cảnh báo về sự cần thiết phải chấm dứt những lời ngụy biện về cuộc khủng hoảng di cư và bắt đầu những hành động thực sự nhằm giải quyết nguyên nhân gốc rễ của vấn đề nhập cư bất hợp pháp ở Mỹ Latinh.

Mexico là con đường bộ bắt buộc phải đi qua đối với những người di cư từ phía Nam tới Mỹ, nơi được xem như “miền đất hứa” mà những người di cư tìm cách đến được bằng mọi giá với hy vọng tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn so với tình trạng nghèo đói, thất nghiệp và bạo lực ở quê nhà.

Đối với hàng nghìn người di cư ở Mỹ Latinh, đặc biệt là khu vực Trung Mỹ, đất nước Mexico rộng hai triệu km2 này là ngã ba của hy vọng và thất vọng, là ngã rẽ giữa sự sống và cái chết. Là cái nôi của những nền văn hóa tuyệt vời của châu Mỹ như Maya và Azteca, Mexico vô tình trở thành con đường hành hương và là điểm xuất phát, tiếp nhận, quá cảnh và điểm đến của những người nghèo khổ và tuyệt vọng.

Hơn 3.000km đường biên giới với Mỹ đi qua các bang Baja California, Sonora, Chihuahua, Coahuila và Nuevo León, mỗi bang đều có mê cung đường hầm buôn ma túy và những kẻ buôn người (hay còn gọi là “chó sói đồng cỏ”), luôn tiềm ẩn những rủi ro cao đối với người di cư.

Một nghiên cứu của Đại học Tự trị quốc gia Mexico (UNAM) cho thấy vị trí địa lý đã biến Mexico trở thành con đường lý tưởng để những người di cư băng qua bờ Bắc của con sông biên giới Rio Grande (Sông Lớn), nơi một cuộc phiêu lưu khác có lẽ tồi tệ hơn đang chờ đợi họ.

Như các tác giả Katya Somohano và Pablo Yankelevich đã chỉ ra trong cuốn sách “Người tị nạn ở Mexico: Giữa lịch sử và những thách thức đương đại,” năm 2000, hơn 100.000 người di cư đã băng qua lãnh thổ Mexico để tìm đường đến Mỹ và con số này đã tăng gấp 5 lần trong 20 năm đầu của thế kỷ 21.

Trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton (Tháng 1.1993-tháng 1.2001), ý tưởng về bức tường biên giới với Mexico bắt đầu được áp dụng. Kể từ đó, mỗi tổng thống Mỹ đều xây dựng một phần của bức tường này và cao trào là dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump (2017-2021).

Trong khi đó, xử lý khu vực biên giới phía Bắc (giáp Mỹ) là vấn đề nóng của Tổng thống Mexico López Obrador do  Washington luôn gây áp lực tối đa nhằm hạn chế dòng người di cư từ tam giác Bắc Trung Mỹ (gồm El Salvador, Honduras và Guatemala), với lời đe dọa về "một cuộc chiến tranh thương mại thuế quan" sẽ tàn phá nền kinh tế Mexico.

Hệ quả là Tapachula, thành phố miền Nam, giáp với Guatemala, đã trở thành tâm điểm của cuộc di cư thay vì Tijuana, thành phố miền Bắc, giáp biên giới với California (Mỹ). Cựu Tổng thống Trump cũng tận dụng hoàn cảnh của đại dịch COVID-19 để ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe ở lãnh thổ miền Nam với sắc lệnh 42, hạn chế tối đa việc nhập cảnh qua biên giới với Mexico.

Tu tham kich 53 nguoi di cu tu vong tai My: Hanh trinh tuyet vong hinh anh 2

Hình ảnh người di cư vượt sông Rio Bravo ở biên giới Mexico-Mỹ, ngày 19.9.2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tất cả những trở ngại này đã tạo điều kiện cho việc hình thành các "đoàn lữ hành" ngày càng đông đảo của những người di cư từ Trung Mỹ, mục đích là để bảo vệ lẫn nhau vượt qua mối đe dọa và bạo lực của các băng nhóm tội phạm dọc trên các tuyến đường do những người di cư lựa chọn băng qua lãnh thổ Mexico để đến Rio Grande.

Nhưng thật không may, ý tưởng về "đoàn lữ hành" không suôn sẻ, bởi vì khi kết thúc chặng đường dài, với sự tàn tạ cả về thể xác lẫn tinh thần, rất ít người di cư được chấp nhận nhập cảnh vào Mỹ, trong khi nhiều người khác phải bỏ cả mạng sống khi cố gắng vượt sông Rio Grande hay bị chết ngạt trong những thùng xe đầu kéo như vụ việc ở Texas. Chưa kể không ít người trở thành nạn nhân của tội phạm buôn người hay những người sử dụng lao động “vô đạo đức.”

Tổng thống Mexico López Obrador đã nhiều lần đề cập tới nguyên nhân sâu xa của những hành trình di cư như vậy trong các cuộc trao đổi với những người đồng cấp Mỹ, từ ông Donald Trump tới ông Joe Biden.

Theo Tổng thống López Obrador, nếu người di cư không được tạo việc làm ổn định, không được bảo vệ khỏi bạo lực tội phạm, không được bảo đảm an ninh lương thực, bác sỹ và thuốc men, giáo dục và giải trí, đảm bảo sự toàn vẹn về thể chất cho cá nhân và gia đình, không được tôn trọng, bị phân biệt đối xử... di cư sẽ không bao giờ là một lựa chọn tự nguyện mà là một hành động tuyệt vọng.

Nhà lãnh đạo Mexico đã đề xuất với Mỹ vào thời ông Donald Trump và nhắc lại lời giải bài toán di cư với Tổng thống Joe Biden, để đầu tư vào các nước tam giác phía Bắc Trung Mỹ và miền Nam Mexico trong các công trình phát triển kinh tế và xã hội, tạo việc làm và đáp ứng những nhu cầu cấp thiết nhất để mọi người không rời khỏi quê hương và khi đó, di cư sẽ là một lựa chọn chứ không phải tình thế bắt buộc như hiện nay.

Hơn nữa, ông Lopez Obrador cũng đề xuất một kế hoạch hành động quy mô lớn bao gồm tổ chức và kiểm soát việc di cư dựa trên tiềm năng sản xuất của Mỹ để cung cấp lao động cho các ngành sản xuất, xây dựng và sản xuất nông nghiệp, với việc cấp thị thực tạm thời sau đó có thể trở thành vĩnh viễn, tùy theo nhu cầu lao động của đất nước.

Đồng thời, Tổng thống Mexico còn kêu gọi Mỹ đầu tư vào việc phát triển các chương trình phúc lợi xã hội như trồng rừng và cấp học bổng học nghề cho giới trẻ ở Trung Mỹ. Tuy nhiên, bài toán di cư vẫn khó giải và số lượng người phải trải qua "hành trình tuyệt vọng," như 53 người di cư thiệt mạng trong xe đầu kéo ở Texas, vẫn tăng.

Chỉ trong 5 tháng đầu năm nay, lực lượng chức năng Mỹ đã bắt giữ hơn 1,5 triệu người di cư tìm cách vượt biên giới với Mexico.

Vấn đề người di cư được coi là thách thức lớn của châu lục, nhưng sẽ không thể đạt được kết quả cụ thể trong việc quản lý các dòng người nhập cư trái phép nếu đối thoại và sự hợp tác thực sự giữa tất cả các chính phủ liên quan không thành hiện thực.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Từ thảm kịch 53 người di cư tử vong tại Mỹ: Hành trình tuyệt vọng