Bình luận

Thế giới mong chờ sự thay đổi trong năm 2025

HÙNG ANH 05/01/2025 12:12

Nếu tóm tắt tất cả các sự kiện, điểm nóng, các cuộc xung đột trong năm 2024 có thể khẳng định, cộng đồng quốc tế đang mong chờ sự thay đổi, điều sẽ mang lại hòa bình, ổn định và phát triển cho toàn thế giới.

brics-6365.jpg
Toàn cảnh Hội nghị cấp cao Nhóm BRICS tại Kazan, Nga ngày 23/10/2024

Kỳ vọng về sự thay đổi tốt đẹp hơn được chứng minh thông qua kết quả của các cuộc bầu cử ở nhiều khu vực khác nhau trên thế giới trong năm 2024. Ước tính, hơn 1,6 tỷ người đã đi bỏ phiếu, và trong phần lớn các trường hợp, những nhân vật được kỳ vọng sẽ mang đến những đổi mới đã giành chiến thắng.

Ở Mỹ, Đảng Dân chủ thua toàn diện trước Đảng Cộng hòa; ở Anh, Đảng Bảo thủ phải chịu thất bại nặng nề trước Đảng Lao động, chấm dứt thời gian dài thống trị nền chính trị Anh của đảng này.

Tại Pháp, đảng cầm quyền của Tổng thống Emmanuel Macron, vốn đã mất đi sự ủng hộ trước đây, bị kẹp giữa phe đối lập cánh hữu và cánh tả, đẩy đất nước rơi vào một cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc. Nền tảng của hệ thống chính trị, vốn luôn ổn định, bắt đầu lung lay ở Đức, Hàn Quốc và Nhật Bản. Ngay cả đảng của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, vốn duy trì sự tín nhiệm rất cao trong thời gian qua, cũng không thể duy trì đa số trong quốc hội sau cuộc bầu cử.

Và tại Nam Phi, Đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC), nắm quyền từ năm 1994, biểu tượng của phong trào đấu tranh cho quyền lợi của người da đen ở Nam Phi, lần đầu tiên mất đa số tuyệt đối sau cuộc bầu cử vào đầu tháng 6/2024.

Những ý kiến bi quan có thể cho rằng, kết quả các cuộc bầu cử trên, mà không thay đổi về bản chất cấu trúc quan hệ quốc tế, nhất là xây dựng lòng tin chiến lược giữa các nước lớn, chỉ là “phần ngọn”, không giải quyết được gốc rễ vấn đề khủng hoảng hiện nay. Việc thay thế các nhà kỹ trị thận trọng bằng những người theo chủ nghĩa dân túy khó lường sẽ chỉ gây thêm những khó khăn, thách thức cho cấu trúc quan hệ quốc tế, môi trường an ninh khu vực và thế giới. Ngược lại, những người lạc quan thì lập luận rằng, các cơ cấu hiện nay đã “rỉ sét” và đã đến lúc phải thay đổi để mang lại hòa bình, ổn định, phát triển cho mỗi quốc gia, cũng như toàn thế giới.

Các sự kiện quốc tế trong năm qua cũng mang đến những cách hiểu khác nhau. Có ý kiến cho rằng, không có bất kỳ một cuộc xung đột vũ trang lớn nào kế thừa từ năm 2023 được giải quyết vào năm 2024. Các nỗ lực ngoại giao đều rơi vào bế tắc khi bất đồng quan điểm, xung đột lợi ích giữa các bên là rất lớn. Thậm chí, xu hướng xung đột quân sự còn leo thang.

Vào cuối mùa hè, quân đội Ukraine đã thực hiện chiến dịch quân sự táo bạo, bất ngờ nhằm vào khu vực Kursk của Nga và vào giữa tháng 11, phương Tây cho phép quân đội Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa nhằm vào các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga. Đổi lại, ngày 21/11, quân đội Nga đã sử dụng tên lửa siêu thanh tầm trung Oreshnik tấn công Ukraine. Động thái, đối với Nga, là một thông điệp “nắn gân” rõ ràng muốn gửi đến đối thủ. Oreshnik không phải là vũ khí cục bộ thông thường mà là một tên lửa đạn đạo dành cho những trường hợp đặc biệt khi mức độ của cuộc xung đột buộc Nga phải sử dụng. Trong khi đó tại Trung Đông, hoạt động quân sự của Israel từ Dải Gaza bắt đầu vào mùa thu năm 2023, dần lan sang Bờ Tây, sau đó đến miền nam Lebanon và vào cuối năm 2024 đến lãnh thổ Syria tiếp giáo với Cao nguyên Golan.

Từ góc nhìn của những người lạc quan nhất, năm vừa qua đã chứng minh sự tan rã của trật tự thế giới cũ, mở ra triển vọng hình thành một trật tự thế giới mới đa cực với vai trò, vị thế lớn hơn của các nước Nam toàn cầu. Ngoài ra, thực tế đã không xảy ra một cuộc xung đột quân sự trực tiếp giữa Nga và NATO, cũng không có chiến tranh khu vực lớn ở Trung đông, eo biển Đài Loan hay trên Bán đảo Triều Tiên, mặc dù các vấn đề này liên tục bị “đẩy nóng” và đã có những thời điểm tưởng chừng “giới hạn đỏ” bị phá vỡ.

Tình hình kinh tế thế giới năm 2024 cũng mơ hồ không kém. Một mặt, trong suốt cả năm, nền kinh tế thế giới chịu tác động nặng nề bởi những căng thẳng địa chính trị. Xu hướng cạnh tranh công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn tiếp tục, và các biện pháp trừng phạt đơn phương trở thành một trong những công cụ chính, ưu tiên trong chính sách đối ngoại của nhiều quốc gia. Mặt khác, may mắn thay, thế giới vẫn chưa rơi vào tình trạng suy thoái kinh tế sâu sắc, bất chấp các biện pháp hạn chế về thương mại và đầu tư. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu đến cuối năm được dự đoán ở mức khoảng 3%, mức được cho là chấp nhận được trong thời điểm thế giới đối mặt với nhiều biến động và hậu quả lâu dài của đại dịch Covid-19 vẫn chưa được khắc phục triệt để.

Vào năm 2024, nhiệt độ trung bình hằng năm trên hành tinh lần đầu tiên vượt quá mức tiền công nghiệp hơn 1,5 độ C - một “ranh giới đỏ” rất quan trọng khác đã bị vượt qua và Hội nghị Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 29 (COP29) được tổ chức tại Baku/Azerbaijan từ ngày 11 đến ngày 22/11/2024 đã không đáp ứng được nhiều kỳ vọng của cộng đồng quốc tế đối với vấn đề đang “nóng” này.

Trong năm qua, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc chỉ có thể thông qua 12 nghị quyết nhằm giải quyết các vấn đề toàn cầu, điều này cho thấy rõ sự suy giảm hiệu quả của cơ quan quản lý toàn cầu này (để so sánh, năm 2000, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua 29 nghị quyết, bao gồm các nghị quyết quan trọng nhất về giải quyết xung đột ở vùng Balkan và châu Phi). Một điểm nhấn quan trọng của các cơ chế hợp tác đa phương trong năm 2024 là hoạt động của Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu (BRICS). Năm 2024, BRICS thúc đẩy khái niệm đa số toàn cầu, xu hướng toàn cầu hóa, và làm “xói mòn” trật tự thế giới đơn cực. BRICS đã chứng minh rằng, bất kỳ cuộc đối thoại mang tính xây dựng trong chính trị quốc tế chỉ có thể phát triển trên cơ sở lợi ích quốc gia. Trên cương vị chủ tịch BRICS năm 2024, Moscow đã tìm được sự thỏa hiệp tốt giữa việc mở rộng BRICS và duy trì khả năng quản lý của tổ chức này.

Rõ ràng, những sự kiện trong năm 2024 đã vẽ lên bức tranh sống động của tình hình chính trị, kinh tế, quân sự thế giới, có cả gam màu sáng, nhưng nhiều hơn vẫn là những gam màu tối với các cuộc xung động quân sự, căng thẳng leo thang ở nhiều khu vực khác nhau. Khi mọi người trên khắp thế giới kết thúc một năm khó khăn và đầy thử thách, thì việc họ hướng tới những thay đổi tốt đẹp hơn ở phía trước là điều dễ hiểu. Và có lẽ, không có thời điểm nào phù hợp hơn để thúc đẩy những thay đổi tốt đẹp đó vào năm 2025, năm đánh dấu kỷ niệm 75 năm Ngày quốc tế đa phương và ngoại giao vì hòa bình.

HÙNG ANH
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thế giới mong chờ sự thay đổi trong năm 2025