Chổi 12 USD/cái, nón lá hơn 17 USD/ cái, những mặt hàng "Made in Vietnam" đang được bán chạy trên Amazon hiện nay và có doanh thu cao.
Hàng Việt ra toàn cầu
Khảo sát trên Amazon cho thấy, nhiều mặt hàng của Việt Nam đang thu hút người mua. Điều thú vị là các sản phẩm Việt bán chạy trên Amazon không quá "cao siêu" mà rất gần gũi như chổi đót, nón lá, túi mây tre đan,... với doanh thu cao.
Cách đây không lâu tại sự kiện Toàn cảnh thương mại điện tử, ông Trần Quý Hiến - đồng sáng lập Amazon FBA Freedom, chia sẻ, nhiều người Việt đã và đang kinh doanh rất tốt trên Amazon. Đơn cử, một chiếc giỏ mây "made in Vietnam" đã lọt vào tốp 10 sản phẩm bán chạy nhất trên sàn Amazon sau 7 ngày đưa lên và tên của giỏ này trở thành tốp 3 từ khoá được tìm kiếm nhiều nhất nhờ biết tối ưu hoá đúng cách.
“Trong nước, giá của nó khoảng 200 ngàn đồng nhưng trên Amazon giá cao nhất của nó có lúc lên 60 USD. Người bán đã trang trí thêm, thay chiếc lớp lót bên trong túi xách, tăng thêm ngăn nhỏ và thay bằng chiếc dây da xịn. Đó là những chi tiết rất nhỏ nhưng đã tối ưu hoá chiếc túi”, ông Hiến cho hay.
Chổi quét, nón lá thành hàng hot trên Amazon
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), cho hay, đứng trước thực tế này, VECOM đang có kế hoạch tìm kiếm các đặc sản địa phương, tài nguyên bản địa để phát triển lên sàn thương mại điện tử, tìm đầu ra cho các sản phẩm làng nghề.
Theo giới chuyên gia, xuất khẩu trực tuyến được xem là một trong những kênh hiệu quả nhất trong thời gian tới để nhanh chóng tiếp cận tới mọi thị trường, bao gồm những thị trường đang có tranh chấp thương mại. Trong dài hạn, xuất khẩu trực tuyến là xu hướng tất yếu giúp mở rộng thị trường, giảm chi phí, tiếp cận trực tiếp với người tiêu dùng.
Hiện hai sàn thương mại điện tử Amazon và Alibaba đều đang đẩy mạnh hoạt động thu hút các doanh nghiệp Việt Nam tham gia bán hàng trên sàn thương mại điện tử của mình. Đây được đánh giá là cơ hội lớn cho doanh nghiệp bởi chỉ tính riêng số lượng tài khoản người mua hàng trên Amazon đã lên tới 300 triệu, còn Alibaba vào khoảng 260 triệu.
Amazon là “gã khổng lồ” trong lĩnh vực thương mại điện tử trên thế giới, đặc biệt, rất thịnh hành tại Mỹ, EU - những thị trường có ngành thương mại điện tử phát triển mạnh từ khâu tiếp thị tới khâu thanh toán, giao nhận,...
Vì vậy, việc hợp tác với Amazon được kỳ vọng sẽ tạo kênh xuất khẩu hàng hóa hiệu quả, giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận hơn 300 triệu khách hàng tại nhiều thị trường của Amazon, cũng như hàng triệu đại lý mua hàng sỉ ở Mỹ, châu Âu và Nhật Bản.
Cùng với việc hỗ trợ bán hàng qua kênh thương mại điện tử, Amazon cũng sẽ tư vấn cho các doanh nghiệp để đáp ứng xu hướng tiêu dùng hàng hóa trên thế giới.
Thương hiệu Việt tìm chỗ đứng trên Amazon
Việt Nam là một trong những thị trường có tốc độ tăng trưởng lượng người bán hàng cao nhất châu Á và ngày càng trở thành một thị trường cung ứng quan trọng của Amazon, ông Bernard Tay, Giám đốc phụ trách Dịch vụ khách hàng Amazon Singapore, Giám đốc Amazon Global Selling Đông Nam Á, Australia và New Zealand, nhận xét.
Do vậy, sau khi xây dựng riêng trang web và trang Facebook bằng tiếng Việt năm 2018, giữa tháng 10.2019, Amazon Global Selling Việt Nam chính thức được thành lập, đặt văn phòng tại TP Hồ Chí Minh.
Hợp tác phát triển hàng Việt trên Amazon |
"Có 28.000 lượt tìm kiếm với từ khoá "Bán hàng cùng Amazon" trong 12 tháng gần nhất so với 0 lượt của 10 năm trước. Tìm kiếm về "Bán hàng online" tại Việt Nam tăng trưởng 577% giai đoạn 2009-2019. Điều này thể hiện tư duy của người Việt đang rất nhanh nhạy về thương mại điện tử, mong muốn tìm kiếm thị trường mới", Trần Xuân Thủy, Giám đốc Amazon Global Selling Việt Nam, đánh giá.
Theo các chuyên gia, các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam muốn bán được trên các sàn thương mại điện tử nói chung và Amazon nói riêng, cần được tối ưu hóa, cá biệt hóa để tăng thêm giá trị cho từng sản phẩm. Bên cạnh đó, cũng cần phải cải tiến mẫu mã của các sản phẩm để phù hợp với các thị trường, thị hiếu khác nhau trên toàn cầu.
Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước, Bộ Công thương mới đây đã ký kết hợp tác với Amazon Global Selling Việt Nam để thực hiện và cụ thể hóa các chương trình hợp tác có quy mô lớn trong các hoạt động thúc đẩy xuất khẩu thông qua nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới.
Hai bên sẽ tiếp tục lựa chọn các doanh nghiệp tiềm năng tham gia chương trình, hỗ trợ các doanh nghiệp đang xuất khẩu những mặt hàng chiến lược để thiết lập hệ thống nhận diện và thương hiệu trên Amazon.
Tập đoàn Amazon đã chính thức công bố Tập đoàn T&T Group là đối tác chiến lược, SHB là đối tác tài chính ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam trong hỗ trợ thanh toán và nghiệp vụ cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu.
Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T Group, cho rằng đây là sự kiện ý nghĩa đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Amazon là "gã khổng lồ" dẫn đầu nền thương mại điện tử toàn cầu, một trong Big 4 công nghệ lớn nhất thế giới với sứ mệnh là bệ đỡ cho tương lai phát triển của các doanh nghiệp SMEs toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng.
SHB tới đây sẽ thiết lập chuỗi “Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thông qua thương mại điện tử” tại các chi nhánh của ngân hàng. Đây sẽ là địa điểm đào tạo thương mại điện tử cho các doanh nghiệp Việt Nam muốn tìm hiểu, bắt đầu xuất khẩu qua Amazon hoặc tăng cường năng lực thương mại điện tử.
Ông Đỗ Quang Hiển chia sẻ: Amazon là một nền tảng hỗ trợ giao dịch thương mại hiện đại và hiệu quả, ở đó, sản phẩm của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, với thương hiệu của Việt Nam, sẽ đến được với hơn 300 triệu tài khoản người tiêu dùng thế giới.
"Thông qua Amazon, thế giới sẽ thực sự hiểu hơn về Việt Nam, về những sản phẩm thế mạnh, về trí tuệ cũng như bàn tay khéo léo của người Việt Nam", ông Hiển nhấn mạnh.
Theo Vietnamnet