75 năm sau ngày Tổng tuyển cử đầu tiên, 14 khóa Quốc hội, những đại biểu dân cử thuộc nhiều thế hệ luôn tự hào khi được giao phó trọng trách đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân.
Đại biểu Quốc hội Lê Đình Khanh luôn làm "nóng" nghị trường nhiều kỳ họp Quốc hội
Một thời gian khó
Đầu năm 1975, ông Đoàn Kim Sơn (hiện ở thôn Vũ La, xã Nam Đồng, TP Hải Dương) đang là Chủ nhiệm HTX Công ty Vận tải đường sông Hải Dương được bầu làm đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa V (1975 - 1976).
Trở thành ĐBQH, mỗi lần đi tiếp xúc cử tri (TXCT) ông đều chuẩn bị giấy bút cẩn thận, ghi chép đầy đủ các ý kiến, kiến nghị của người dân để kịp thời phản ánh tới Quốc hội. Kết thúc khóa V, năm 1976 ông Sơn tiếp tục được giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa VI. Trước đây, mỗi kỳ họp Quốc hội chỉ diễn ra trong vòng 5-7 ngày. Đường sá đi lại khó khăn nên việc TXCT rất vất vả. Cả Đoàn ĐBQH tỉnh có 1 chiếc xe ô tô. Nhiều ĐBQH phải tự đạp xe mỗi khi đi TXCT. "Từ thị xã Hải Dương, tôi đạp xe đến các điểm TXCT ở các huyện Thanh Miện, Gia Lộc, Bình Giang, Cẩm Giàng. Mỗi lần TXCT tôi đều chủ động đi từ sớm, có lần đạp xe đến huyện Bình Giang, hội trường còn chưa mở cửa”, ông Sơn nhớ lại.
Ông Nguyễn Văn Sáu ở phố Bắc Kinh (TP Hải Dương) từng là ĐBQH các khóa IV, V. Ông Sáu kể: “Năm 1971, khi vừa tròn 30 tuổi, đang công tác tại HTX giấy Kiến Thiết, tôi được tín nhiệm bầu là ĐBQH. Là ĐBQH thời kỳ ấy tuy khó khăn nhưng vô cùng tự hào". Sau mỗi kỳ họp Quốc hội, được tiếp thu những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, ông Sáu lại cùng các ĐBQH mang chủ trương, chính sách đó phổ biến rộng rãi tới nhân dân. Mỗi lần đi tiếp xúc, cử tri đến kín cả hội trường, hồ hởi chào đón. "Trong điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, chật chội, nhiều cử tri không có chỗ ngồi nhưng vẫn kiên nhẫn tham gia buổi tiếp xúc và lắng nghe, làm chúng tôi rất xúc động", ông Sáu nói.
Đồng hành cùng cử tri
Ông Lê Đình Khanh, ĐBQH các khóa XII, XIII, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh khóa XIII từng rất ấn tượng với các đại biểu dân cử thẳng thắn, đưa ra những ý kiến sắc sảo, chuyển tải được tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri. Vì vậy, khi trở thành ĐBQH ông luôn nghiên cứu, tìm hiểu các văn bản luật, chính sách hiện hành, nhất là tiếp thu đầy đủ ý kiến, kiến nghị của cử tri để chuyển tải tới Quốc hội, Đảng, Chính phủ. Đặc biệt với cương vị công tác lúc đó là Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, ông Khanh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với nông dân, nông thôn, những người có hoàn cảnh khó khăn. Sau này khi trở thành đại biểu chuyên trách, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Lê Đình Khanh vẫn giữ nguyên tâm huyết ấy.
Ông Khanh nhớ nhất năm 2007 khi TXCT tại huyện Thanh Hà, tổ ĐBQH tỉnh đã tiếp nhận phản ánh của người dân về tình trạng thường xuyên ách tắc, quá tải trên cầu Phú Lương cũ. Người dân phản ánh cầu xây dựng đã lâu, trọng tải yếu, hai làn dành cho xe máy, xe đạp đều hẹp. Ngay tại kỳ họp Quốc hội sau đó, ông đã trực tiếp kiến nghị tới Bộ trưởng Giao thông vận tải. Không lâu sau lan can cầu Phú Lương đã được mở rộng, mặt cầu được cải tạo thông thoáng hơn. Sau này mỗi dịp ông về tiếp xúc, cử tri Thanh Hà lại lấy câu chuyện đó ra để bày tỏ mong mỏi ĐBQH tiếp tục quan tâm, lắng nghe, giải quyết nhiều vấn đề khác cho người dân.
Hay như đầu năm 2015, khi nhận được cuộc gọi của cử tri trong tỉnh kiến nghị về việc không được tăng 8% lương hưu theo quy định, ông Khanh đã liên hệ trực tiếp đến cơ quan bảo hiểm để kiểm tra lại thông tin, đồng thời rà soát lại các văn bản. Ông phát hiện quá trình triển khai do thiếu sự thống nhất về văn bản nên người nghỉ hưu từ ngày 1.1.2015 trở đi không được tăng 8% lương hưu. Từ thực tế này ông đã nhiều lần phát biểu, chất vấn trên nghị trường, kiến nghị các Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tài chính xem xét chỉnh sửa văn bản.
Dù đã hoàn thành nhiệm vụ, các thế hệ ĐBQH vẫn luôn dõi theo mỗi kỳ họp Quốc hội, lắng nghe, đồng hành cùng những vấn đề cử tri quan tâm, bằng nhiều cách góp phần vào hoạt động của các cơ quan dân cử.
HÀ VY