Di tích

Truyền thống hiếu học của dòng họ Nhữ

HUYỀN TRANG 26/02/2024 16:45

Nhà thờ dòng họ Nhữ có tên chữ là “Từ hiếu đường” tọa lạc tại xã Thái Học (Bình Giang, Hải Dương). Đây là một dòng họ có nhiều người đỗ tiến sĩ và giữ các chức quan lớn trong các triều đại, có nhiều công lao lớn đối với đất nước.

anh-nha-tho.jpg
Nhà thờ họ Nhữ là của một dòng họ danh nho, nhiều đời có người đỗ đại khoa và làm quan

Lịch sử ghi nhận nhiều người con của dòng họ Nhữ hiếu học, đỗ đạt cao, tài trí, đức độ và đã đem hết sức mình phục vụ đất nước, phục vụ quê hương.

Thủy tổ của dòng họ Nhữ là tiến sĩ Nhữ Văn Lan, đỗ Hoàng giáp, khoa Quý Mùi, đời Lê Thánh Tông (1463), làm quan đến chức Thượng thư Bộ Hộ. Theo gia phả, họ Nhữ phát tích từ thôn An Tử Hạ, huyện Tiên Minh, phủ Nam Sách, trấn Hải Dương (nay là thôn Nam Tử, xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng). Cụ Nhữ Văn Lan chính là ông ngoại của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Dòng họ Nhữ có mặt tại làng Hoạch Trạch, xã Thái Học khi người con trai thứ hai của tiến sĩ Nhữ Văn Lan là Nhữ Huyền Minh làm tri huyện Lục Ngạn di cư về đây. Nhiều đời về sau, họ Nhữ không ngừng lớn mạnh và phát đường khoa bảng.

Đời thứ 7 có Nhữ Tiến Dụng (sinh năm 1623), năm 42 tuổi thi đỗ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Giáp Thìn (1664), làm quan tới chức Lễ bộ cấp sự trung.

Tiến sĩ Nhữ Đình Hiền, sinh năm 1659 là con trai thứ ba của Nhữ Tiến Dụng. Ông vốn là người thông minh, mới 17 tuổi đỗ Hương cống, năm 21 tuổi đỗ tam giáp đồng tiến sĩ khoa thi Canh Thân (1680). Trong 36 năm làm quan, ông đảm nhiệm nhiều chức vị khác nhau như: Hàn lâm viện thảo, Binh khoa cấp sự trung, Công bộ hữu thị lang, Hình bộ thượng thư… Ông là một vị đại quan thanh liêm, chính trực. Đi đến đâu, ông cũng điều tra, tìm hiểu ngọn ngành những oan khuất của dân tình. Theo truyền thuyết và “Hoạch Trạch Nhữ tập phả ký” do con trai thứ ba cụ Nhữ Đình Hiền là Nhữ Đình Toản biên soạn thì: “Cụ Nhữ Đình Hiền trong lần đi sứ năm 1698 đã học được nghề làm lược tre về hướng dẫn dân làng làm nghề. Em trai của Nhữ Đình Toản đã cùng cha giúp đỡ dân làng làm nghề và dành 12 mẫu đất vua ban lấy hoa lợi dùng vào việc chung của làng. 4 mẫu dành cho hương hỏa tổ tiên. Ông bà Nhữ Đình Hiền đã được dân làng tôn vinh là những vị tổ của nghề lược tre của làng. Đầu thế kỷ XIX, nghề lược Hoạch Trạch nổi tiếng và được ghi vào sử địa phương.

Con của cụ Nhữ Đình Hiền là Nhữ Đình Toản, thi hương năm 29 tuổi (đỗ thứ 2), năm sau được giữ chức Cẩm sự lang, đỗ hội nguyên năm 34 tuổi. Sau đó, thi đình đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ. Ông đi đốc sứ Lạng Sơn năm 37 tuổi. Năm sau đi dẹp giặc ở Đông Đạo, bắt được giặc và được thăng chức Cẩn thị tá lang hàn lâm viện hiệu thảo. Ông đã trải qua nhiều chức vị khác nhau và làm việc tới năm 72 tuổi.

Tiến sĩ Nhữ Công Chấn, chắt nội cụ Nhữ Tiến Dụng, sinh năm 1751, năm 22 tuổi thi đỗ đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân khoa Nhâm Thìn (1772), làm quan tới chức Hàn lâm thị chế, Lễ bộ Hữu thị lang.

Theo Hoạch Trạch Nhữ tộc phả (tài liệu được lưu trữ ở Viện Hán Nôm) thì nhà thờ họ Nhữ được xây dựng cách đây khoảng 300 năm (vào thế kỉ XVIII) do Nhữ Đình Toản xây dựng. Vị trí trước khi xây dựng chính là tư dinh của Nhữ Đình Hiền. Nhà thờ được xây dựng gồm 3 gian tiền tế, 3 gian hậu cung bằng gỗ lim, lợp ngói.

anh-nha-tho-2.jpg
Nhà thờ là nơi thờ các cụ Tổ họ Nhữ

Là nhà thờ của một dòng họ danh nho, nhiều đời có người đỗ đại khoa và làm quan trong triều, vì vậy, từ cổng vào đến hậu cung có khá nhiều câu đối, đại tự, ca ngợi về truyền thống vinh quang của gia tộc. Ví dụ:

"Hòe đình vạn lộc niên tăng mậu

Đại thụ nhiên niên nhuận sắc hoa

Tạm dịch:

"Cây hòe trước sân ra vạn lộc, ngày càng tươi tốt

Đại thụ ngàn năm đẹp sắc hoa"

Hay:

"Nhất môn khoa bảng thư hương cựu

Tam điệp khuê trâm tú cẩm vinh"

Tạm dịch:

"Một nhà khoa bảng thư hương cũ

Ba lá khuê trâm, tú cẩm vinh"

anh-nha-tho-3.jpg
Trong hậu cung có thờ tượng vợ chồng Thượng thư Nhữ Tiến Dụng

Trong hậu cung có tượng thờ vợ chồng Thượng thư Nhữ Tiến Dụng và hai bức đại tự "Từ hiếu đường" và "Hải nhạc anh tiêu". Tại nhà thờ còn có 31 đạo sắc phong của triều Lê và cuốn gia phả ghi chép khá đầy đủ về phả hệ và công trạng của các vị đại khoa. Căn cứ giá trị của di tích và tiểu sử của những người được thờ, nhà thờ họ Nhữ đã được xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1993.

Theo ông Nhữ Đình Hoạch, trưởng dòng họ Nhữ, nhà thờ đã trải qua 3 đợt trùng tu, tôn tạo, lần gần đây nhất vào năm 2016 với kinh phí hơn 600 triệu đồng.

HUYỀN TRANG
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Truyền thống hiếu học của dòng họ Nhữ