Đời sống văn hóa

Gặp gỡ hậu duệ dòng họ Đoàn Việt Nam

QUANG TIỆP 17/11/2023 11:30

Trong không khí ấm áp, nghĩa tình, các thế hệ con, cháu dòng tộc họ Đoàn Việt Nam đã được tìm hiểu về lịch sử của dòng tộc.

con-chau-ho-doan-va-lanh-dao-dia-phuong-xa-doan-thuong-dang-huong(1).jpg
Các thế hệ con cháu dòng họ Đoàn Việt Nam dâng hương tại đình Trà Lôi

Ngày 15/11, khoảng 50 người là hậu sinh của dòng tộc họ Đoàn Việt Nam cùng lãnh đạo xã Đoàn Thượng (Gia Lộc) đã gặp mặt Ban khánh thiết hương lão làng Yên Phú (xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên).

Các đại biểu đã tham quan, chiêm bái hai ngôi đình cổ Trà Lôi và Dẫn Ngự ở làng Yên Phú.

Các đại biểu đã được nghe đại diện Ban khánh thiết hương lão làng Yên Phú kể về gốc tích dòng họ Đoàn Việt Nam, về Đức Thánh Đông Hải Đại Vương Đoàn Thượng và vì sao trong cùng 1 làng lại có 2 ngôi đền cùng thờ một nhân vật.

Làng Yên Phú xưa gồm hai thôn Trà Lôi và Ngữ Dẫn (sau người dân gọi tắt là thôn Trà và thôn Ngự). Cả hai thôn đều có đền thờ vị danh tướng trung thần nhà Lý là Đoàn Thượng - Đông Hải Đại Vương Thượng Đẳng Thần. Vì vậy, làng Yên Phú có hai đền cùng thờ một người.

Đền Trà Lôi được xây dựng theo lối kiến trúc hậu Trần - tiền Lê với những hoa văn, họa tiết rồng phượng. Đền Ngự tuy xây dựng sau và giản tiện hơn nhưng cũng toát lên vẻ đẹp cổ kính, linh thiêng. 2 ngôi đền này hợp với 2 di tích khác của làng tạo thành quần thể lịch sử, văn hóa tâm linh đặc sắc, giàu giá trị của địa phương.

cac-the-he-con-chau-ho-doan-va-lanh-dao-dia-phuong-tai-lang-mo-cua-dong-hai-dai-vuong-doan-thuong.jpg
Các thế hệ con cháu họ Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại lăng mộ của Đông Hải Đại Vương Đoàn Thượng

Ở Bắc bộ và Bắc Trung bộ nước ta hiện có hàng trăm làng, xã lập đền, đình, nghè, miếu thờ Đức Thánh Đông Hải Đại Vương Đoàn Thượng. Nhiều nhất là các tỉnh, thành phố như Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định…

Tại Hải Dương, đền Đoàn Thượng ở xã Đoàn Thượng (Gia Lộc) là di tích thờ Đức Thánh Đông Hải Đại Vương Đoàn Thượng. Ngày 12/1/2022, UBND tỉnh đã quyết định xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh đối với ngôi đền này.

Đông Hải Đại Vương Đoàn Thượng sinh ngày 12/8 năm Tân Sửu (1181) tại làng Bổng Độ, huyện Trường Tân, lộ Hồng Châu (nay là thôn Thung Độ, xã Đoàn Thượng). Ông là con của người vú nuôi vua Lý Huệ Tông. Ông được học hành đến nơi đến chốn, đỗ khoa thi năm Giáp Tý (1204), niên hiệu Thiên Gia Bảo Hựu thứ 3 đời Lý Cao Tông, rồi làm quan nhà Lý năm 23 tuổi.

Trong những năm làm quan, Đại vương Đoàn Thượng nhiều lần được vua tin tưởng giao cầm quân đánh giặc và giành được thắng lợi vẻ vang, được triều đình ban thưởng và phong thêm chức tước. Là người có tài lại có sức khỏe nên triều đình đã giao cho ông trọng trách cai quản hưng doanh lộ Hồng Châu. Ông đã có công vận động nhân dân chung sức trị thủy, chăm lo cấy cày, trồng tỉa, chăn nuôi trên vùng nước phù sa…

Năm 1228, sau khi thao túng nhà Lý, Trần Thủ Độ ngầm giao ước cùng Nguyễn Nộn hẹn gặp 3 bên ở xứ Đồng Đao để làm lễ minh thệ. Đoàn Thượng sơ suất cả tin, đã đến xứ Đồng Đao và mắc phải mưu của Thủ Độ và Nguyễn Nộn nên bị giết chết.

Tưởng nhớ công ơn của ông, nhiều nơi trong cả nước đã lập đền thờ. Tại xã Đoàn Thượng, quê hương của danh tướng xưa đã lập am thờ. Sau đó, dòng họ Đoàn đã suy tôn danh tướng là ông tổ họ Đoàn Việt Nam và đầu tư kinh phí xây dựng ngôi đền trên nền am trước đây để xứng với tên tuổi, sự nghiệp của danh tướng.

QUANG TIỆP
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gặp gỡ hậu duệ dòng họ Đoàn Việt Nam