Đời sống văn hóa

Truyền dạy hát trống quân ở Thúc Kháng (Bình Giang) cho học sinh

PHÙNG BẢN 19/12/2024 17:10

Theo tư liệu dân gian, hát trống quân ở Tào Khê, Ngọc Cục và Châu Khê, xã Thúc Kháng phát triển vào cuối thế kỷ 17 đầu thế kỷ 18.

Sáng 18/12, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Dương phối hợp UBND huyện Bình Giang tổng kết chương trình bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật hát trống quân xã Thúc Kháng.

Theo tư liệu dân gian, hát trống quân ở Tào Khê, Ngọc Cục và Châu Khê, xã Thúc Kháng phát triển vào cuối thế kỷ 17 đầu thế kỷ 18 do Bà Nguyễn Thị Mỹ, hiệu là Thiện Từ Tôn Linh, còn gọi là Bà Chúa Tào. Bà nổi tiếng hát hay, được chúa Trịnh đưa vào cung làm thiếp và bà đã dạy cung nữ hát trống quân. Bà được coi là tổ nghề hát trống quân tại xã Thúc Kháng ngày nay.

Hiện xã Thúc Kháng có 2 câu lạc bộ hát trống quân thôn Ngọc Cục và Tào Khê với 58 thành viên. Người cao tuổi nhất 86 tuổi, người ít tuổi nhất 10 tuổi, phần lớn các thành viên trong độ tuổi 50-60, thường xuyên tham gia hoạt động văn hóa, văn nghệ trong thôn, xã.

ngoc-cuc.jpg
Một tiết mục hát trống quân của câu lạc bộ thôn Ngọc Cục

Trong 3 tháng triển khai, từ tháng 9 đến tháng 11/2024, 2 Câu lạc bộ trống quân Ngọc Cục và Tào Khê đã tổ chức mở lớp truyền dạy cho những cá nhân yêu thích, học sinh Trường THCS Thúc Kháng.

Phòng Quản lý di sản văn hóa (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bình Giang, xã Thúc Kháng sưu tầm các tri thức dân gian đang được các nghệ nhân địa phương lưu giữ; tiến hành chụp ảnh, quay phim các tư liệu sưu tầm, các hoạt động tập luyện, truyền dạy nghệ thuật hát trống quân.

hoc-sinh.jpg
Một tiết mục hát trống quân của học sinh Trường THCS xã Thúc Kháng

Năm 2016, nghệ thuật hát trống quân xã Thúc Kháng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Thời gian tới, địa phương sẽ quan tâm về vật chất và tinh thần hơn nữa để 2 câu lạc bộ hát trống quân của xã có điều kiện, trang thiết bị cần thiết duy trì sinh hoạt đều đặn, tổ chức trình diễn, dàn dựng, sáng tác. Tuyên truyền, bồi dưỡng, khuyến khích thế hệ trẻ, những người đam mê, yêu thích và có năng khiếu nghệ thuật trống quân tham gia sinh hoạt. Tiếp tục duy trì hoạt động truyền dạy nghệ thuật trống quân trong trường tiểu học, THCS tại địa phương.

PHÙNG BẢN
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Truyền dạy hát trống quân ở Thúc Kháng (Bình Giang) cho học sinh