Có nguồn gốc, xuất xứ từ Trung Quốc nhưng không ít nông sản lại được giới thiệu với người tiêu dùng trong tỉnh như hàng Việt...
Cải bắp có nguồn gốc xuất xứ Trung Quốc nhưng được tiểu thương biến hóa thành cải bắp Đà Lạt
Phù phép
Chợ Hội Đô là đầu mối cung cấp nông sản cho TP Hải Dương và một số địa phương lân cận. Nơi đây cũng là "thủ phủ" của nông sản Trung Quốc. Chị Nguyễn Thị H., một tiểu thương chuyên bán rau tại chợ đông Ngô Quyền (TP Hải Dương) đã chia sẻ kinh nghiệm khá đơn giản để biến những nông sản Trung Quốc thành nông sản Việt. Khi lấy nông sản Trung Quốc từ chợ Hội Đô về, việc đầu tiên mà chị H. làm là bỏ phần bao bì toàn tiếng Trung Quốc. Sau đó, chị tách bỏ phần ngoài dập nát của rau do vận chuyển xa và bôi một chút đất vào phần rễ để người tiêu dùng yên tâm là rau vừa được thu hoạch.
Ở chợ Hội Đô hay chợ tạm Phú Yên, những bao cải bắp, khoai tây, cà rốt còn nguyên tiếng Trung Quốc được nhiều tiểu thương mua về bán. Thậm chí, họ còn đặt sẵn nông sản Trung Quốc với số lượng lớn ở đây để về đổ buôn. Sau khi lấy hàng xong, ngay lập tức những chiếc bao, hộp các tông bảo quản nông sản có tiếng Trung Quốc được dỡ bỏ và chia thành từng túi nhỏ. Chị H. vốn là khách quen nên khi hỏi giá khoai tây, chủ một cửa hàng chuyên bán nông sản ở chợ Hội Đô cho biết ngay khoai tây Trung Quốc giá 9.000 đồng/kg. Khoai tây Đà Lạt hiện không có. Muốn biến khoai Trung Quốc thành khoai Đà Lạt thì mua thêm đất đỏ trộn vào. Nói rồi, họ chỉ cho chị H. túi đất đỏ để ở một góc khuất sau những bao khoai tây lớn. Chị H. bật mí, bao đất đỏ sẽ biến những củ khoai tây màu mỡ gà của Trung Quốc thành màu hồng đặc trưng của khoai Đà Lạt. “Nói là khoai tây Trung Quốc thì chả người nào mua nên đành phải làm như vậy”, chị H. nói.
Cà rốt, cải bắp Trung Quốc sau khi thoát xác khỏi những chiếc bao đến các cửa hàng rau ở các chợ cũng thành rau xuất xứ Đà Lạt hoặc Mộc Châu... Tại chợ Thanh Bình (TP Hải Dương), những chiếc cải bắp xanh nõn và những củ cà rốt đỏ au thường được các tiểu thương giới thiệu là hàng Đà Lạt xịn. Một tiểu thương ở chợ Thanh Bình cho biết người dân chuộng mua cà rốt còn ngọn vì cho rằng đây là cà rốt ta chứ không phải hàng Trung Quốc. Thực tế cà rốt Trung Quốc xuất sang nước ta cũng có 2 loại, một loại không ngọn có giá khoảng 10.000 đồng/kg, còn loại có ngọn thì đắt hơn, khoảng 12.000 đồng/kg. Hiện nay các tiểu thương thường nhập hàng có ngọn về bán.
Theo thông tin chúng tôi tìm hiểu được, thời điểm này đa phần các loại cà rốt, hành, tỏi khô, cải bắp, cải thảo, su lơ xanh có nguồn gốc từ Trung Quốc bởi tại Đà Lạt cũng như một số vùng khác trong nước chỉ trồng những loại nông sản trên với số lượng có hạn và giá bán khá cao. Chủ cơ sở thu mua hành tỏi Thư Mùi, một trong những người thu mua và chế biến hành tỏi lớn của huyện Nam Sách khẳng định, hành, tỏi ta không còn nhiều bởi người dân có bao nhiêu doanh nghiệp chế biến nông sản sẽ thu mua hết để chế biến xuất khẩu. Đa số hành, tỏi được bán trên thị trường hiện nay có xuất xứ từ Trung Quốc.
Truy xuất nguồn gốc
Hiện nay, trên thị trường chủ yếu là khoai tây Trung Quốc, rất hiếm khoai tây Đà Lạt
Không biết chất lượng và độ an toàn như thế nào nhưng việc nông sản Trung Quốc đội lốt hàng Việt Nam để bán ra thị trường là đánh lừa người tiêu dùng, ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu của nông sản Việt. Theo ông Vũ Công, đại diện Sở Công thương thì giải pháp tốt nhất hiện nay là nông sản Việt phải có tấm giấy thông hành ngay ở thị trường trong nước bằng cách dán tem truy xuất nguồn gốc. Từ tháng5 năm nay, nhiều loại nông sản Việt Nam khi xuất sang thị trường Trung Quốc phải có chứng nhận xuất xứ hàng hóa và được dán tem truy xuất nguồn gốc. Vì vậy, không có lý gì chúng ta lại chấp nhận nông sản Trung Quốc bày bán tràn lan nhưng lại ít được kiểm định hay giám sát chất lượng. Dán tem truy xuất nguồn gốc sẽ hạn chế được tình trạng nông sản Trung Quốc núp bóng nông sản Việt. Sở Công thương đang thí điểm xây dựng các điểm bán nông sản an toàn ở TPHải Dương. Ở đó sản phẩm 100% là hàng Việt được dán tem truy xuất nguồn gốc và được kiểm soát chất lượng thường xuyên.
Nông sản Trung Quốc đội lốt hàng Việt không chỉ khiến người dùng lo lắng mà còn làm khó cho các doanh nghiệp trong nước. Nhiều cơ sở sản xuất nông sản sạch khó cạnh tranh với nông sản Trung Quốc mạo danh đang được bán tràn lan với giá rẻ trên thị trường. Để giải quyết tình trạng này, ông Tăng Xuân Trường, Giám đốc Công ty CP Hưng Việt (Gia Lộc) cũng cho rằng truy xuất nguồn gốc là cách làm hiệu quả, giúp nông sản Việt lấy lại danh tiếng.
Bên cạnh nỗ lực của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp cung ứng nông sản, rất cần sự chủ động của chính người tiêu dùng. Nếu không muốn mua phải hàng Trung Quốc, người tiêu dùng nên mua nông sản đúng mùa, mua ở những địa chỉ uy tín, sản phẩm có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng. Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh) cần tăng cường kiểm soát, lấy mẫu một số loại nông sản Trung Quốc tại một số chợ đầu mối trên địa bàn tỉnh để đánh giá chất lượng cũng như khuyến cáo để người dùng dễ nhận biết đâu là nông sản Việt, đâu là nông sản Trung Quốc.
HẢI MINH
Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Công thương, bình quân mỗi tháng Việt Nam nhập khoảng 3.000 tấn rau, củ, quả của Trung Quốc. Trong đó chủ yếu là các loại rau trái vụ. Thời điểm này, Việt Nam nhập từ Trung Quốc chủ yếu là cải bắp, cà rốt, khoai tây, cải thảo, củ cải… |