Trước khi phát hiện sai phạm, nhiều cán bộ vẫn “hoàn thành tốt nhiệm vụ”

09/08/2022 06:35

Hàng năm, các tổ chức đảng, đảng viên đều thực hiện kiểm điểm, đánh giá, phân loại tập thể, cá nhân. Đây là công việc định kỳ, quan trọng trong công tác xây dựng Đảng.

Thực tế, những năm gần đây, việc kiểm điểm, đánh giá, phân loại đảng viên đã có nhiều tiến bộ. Tuy nhiên, không ít nơi thực hiện công tác này vẫn còn chiếu lệ khiến bệnh thành tích vẫn tồn tại ở nhiều chi bộ. Bởi vậy mới có tình trạng có nhiều cán bộ bị kỷ luật, thậm chí ra tòa, nhưng trước đó đều được xếp loại hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Bởi vậy, yêu cầu đặt ra là phải tạo sự đột phá trong đánh giá, xếp loại đối với tổ chức đảng, đảng viên một cách thực chất, phản ánh đúng hiện thực khách quan. Đây là điều cần thiết trong bối cảnh hiện nay khi Đảng ta đang đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

50 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 8 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, 20 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Đó là những con số cán bộ vi phạm bị thi hành kỷ luật từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay. Nhìn rộng ra, trong 10 năm qua, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức Đảng, gần 168.000 đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, tiêu cực. Đáng chú ý, nhiều cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý cấp cao mắc sai phạm nhưng tổ chức đảng không phát hiện ra mà chủ yếu do báo chí và nhân dân phát hiện. Thậm chí có cán bộ bị xử lý hình sự ra tòa, nhưng trước đó đều được xếp loại hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
truoc khi phat hien sai pham, nhieu can bo van hoan thanh tot nhiem vu hinh anh 3

GS.TS Nguyễn Minh Tuấn, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Đây cũng là điều mà Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng trăn trở: “Phải tạo ra sự đột phá trong đánh giá, xếp loại đối với tổ chức đảng, đảng viên một cách thực chất, phản ánh đúng hiện thực khách quan. Chúng ta phải đặt câu hỏi, vì sao nhiều cán bộ bị kỷ luật, trước đó đều được xếp loại hoàn thành tốt hoặc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, vậy khắc phục việc này như thế nào?”

Hàng năm, tổ chức đảng đều thực hiện kiểm điểm, đánh giá, phân loại tập thể, cá nhân dựa vào khung tiêu chí đánh giá, đó là: tư tưởng chính trị; phẩm chất, đạo đức, lối sống; ý thức tổ chức kỷ luật; tác phong, lề lối làm việc. Tuy nhiên, phải thẳng thắn thừa nhận không ít nơi thực hiện công tác này vẫn còn chiếu lệ, qua loa, đại khái. 

Nhìn nhận thực tế này, Tiến sỹ Đinh Duy Hòa, chuyên gia Bộ Nội vụ cho rằng: “Nói chung đánh giá không chuẩn, điều rút ra ở đây là đánh giá không dựa trên kết quả thực tế. Đánh giá cán bộ công chức, viên chức thì kết quả làm việc là gì, dựa vào đó đánh giá, trên cơ sở đó rút ra tiêu chí”.

Phân tích những nguyên nhân dẫn việc nhiều cán bộ bị kỷ luật, trước đó đều được xếp loại hoàn thành tốt hoặc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, ông Bùi Đức Bình, đảng viên ở Hà Nội cho rằng: “Có những thành phần cấp dưới họ bao che lẫn nhau, đến khi tổng kết 6 tháng, 1 năm thì họ sẽ là người hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bởi vì cấp dưới họ bao che giúp cấp trên rồi thì cấp trên bao giờ cũng được tốt cả”.

Trước thực tế này, một số chuyên gia về xây dựng Đảng đặt vấn đề, vậy trách nhiệm của tổ chức đảng ở đâu? Việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình được thực hiện như thế nào?  PGS.TS Nguyễn Minh Tuấn, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh, phải nâng cao sức chiến đấu ngay tại các tổ chức cơ sở Đảng, không để những sai phạm nhỏ tích tụ thành những sai phạm lớn.

“Trách nhiệm của các tổ chức đảng là đấu tranh tự phê bình và phê bình. Chúng ta có đủ điều kiện đưa ra tổ chức đảng xem xét những đảng viên bất mãn, không có tinh thần xây dựng, thậm chí suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống… Chỉ có điều tổ chức cơ sở Đảng có tinh thần kiên quyết không? ” - PGS.TS Nguyễn Minh Tuấn nhận định.

Dàn cán bộ, cựu cán bộ đã bị xử lý kỷ luật hoặc đưa ra hầu tòa

Việc kiểm điểm, nhận xét, đánh giá, phân loại giúp từng đảng viên tự soi mình, tự sửa, góp ý đối với các đồng chí mình để thấy hết ưu điểm, hạn chế, khuyết điểm, sai lầm, từ đó có biện pháp phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm.

“Tự phê bình là thang thuốc cứu mình, phê bình là thang thuốc cứu đồng chí mình”, đó là mục đích cao nhất của công tác đánh giá, phân loại đảng viên như lời Bác Hồ căn dặn. Cũng đã đến lúc không thể chấp nhận những bản kiểm điểm chung chung, chỉ liệt kê thành tích, né tránh khuyết điểm; mà yêu cầu phải cụ thể những hạn chế, khuyết điểm. Đánh giá, phân loại đảng viên trung thực, chính xác sẽ giúp đảng viên có ý thức, biện pháp đúng trong quá trình học tập, rèn luyện, tu dưỡng để hoàn thiện mình. Điều đó góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

Theo VOV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trước khi phát hiện sai phạm, nhiều cán bộ vẫn “hoàn thành tốt nhiệm vụ”