Vụ án xảy ra tại Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam rất phức tạp, thủ đoạn tinh vi, có tổ chức, liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.
Ngày 1/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình đã khởi tố bị can, ra lệnh bắt giam đối với các bị can: Đồng Xuân Thụ, Tổng Biên tập; Nguyễn Thị Ánh Hồng, Phó Tổng Biên tập; Bùi Văn Toàn, Trưởng ban Kinh tế, môi trường; Cao Thị Thu Hường, kế toán cùng nhiều phóng viên của Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam, để điều tra về hành vi cưỡng đoạt tài sản.
Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam là cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Môi trường và Đô thị Khu Công nghiệp Việt Nam. Hiệp hội này là tổ chức xã hội nghề nghiệp, không phải là cơ quan Nhà nước, do vậy, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam không phải là cơ quan tổ chức Nhà nước.
Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam do ông Đồng Xuân Thụ (sinh năm 1972, trú tại phường Láng Hạ, quận Đống Đa, TP Hà Nội) làm Tổng Biên tập từ năm 2002 cho đến nay.
Tại các tỉnh như Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn... dưới sự phân công, chỉ đạo của ông Đồng Xuân Thụ và Bùi Văn Toàn, các đối tượng phóng viên, cộng tác viên dưới quyền đã tích cực, ráo riết truy tìm, rình mò, quay phim, chụp ảnh các dấu hiệu sai phạm từ lớn đến nhỏ, trọng tâm là bến bãi, công trường, xe cộ quá tải...để gây sức ép với cơ quan chức năng, chủ đầu tư, nhà thầu, cá nhân, doanh nghiệp... yêu cầu đưa tiền, thông qua hợp đồng "tài trợ" chương trình "Cây chổi vàng".
Mặc dù không tự nguyện, không có nhu cầu nhưng rất nhiều bị hại do lo sợ ảnh hưởng đến uy tín, công việc làm ăn, dự án... nên đã buộc phải miễn cưỡng chấp nhận tham gia tài trợ, ủng hộ.
Ông Đồng Xuân Thụ là Tổng Biên tập, người có chức vụ, quyền hạn trong việc chỉ đạo, điều hành chung các hoạt động; bà Nguyễn Thị Ánh Hồng (sinh năm 1977, trú tại phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) là người giúp sức tích cực cho bị can Đồng Xuân Thụ trong việc điều hành hoạt động của tạp chí này.
Trưởng ban như Bùi Văn Toàn trực tiếp chỉ đạo các phóng viên, cộng tác viên tìm kiếm các sai phạm của các cá nhân, cơ quan, doanh nghiệp viết bài báo đăng lên Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam, để gây sức ép cho các bị hại sợ ảnh hưởng đến uy tín, công việc kinh doanh; gây sức ép đến chính quyền địa phương, làm cho các bị hại buộc phải liên hệ với các phóng viên để xin gỡ bài hoặc dừng việc viết bài phản ánh sai phạm.
Khi đó, các phóng viên đưa ra yêu cầu với các bị hại nếu muốn gỡ bài hoặc dừng viết bài thì ủng hộ tiền từ 20 triệu đồng đến 300 triệu đồng cho chương trình “Cây chổi vàng” do Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam phát động.
Số tiền ủng hộ được chuyển đến tài khoản ngân hàng của Công ty cổ phần Quảng cáo báo chí - truyền hình Việt Nam do Đồng Thị Khánh Dung (em gái của ông Thụ) làm Giám đốc; tài khoản ngân hàng của tạp chí hoặc mang đến nộp trực tiếp cho Cao Thị Thu Hường (sinh năm 1989, trú tại xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội), là kế toán trưởng của công ty quảng cáo và tạp chí nói trên. Nếu không đồng ý, các đối tượng sẽ tiếp tục gây sức ép đến chính quyền địa phương, tiếp tục viết bài phản ánh sai phạm của bị hại.
Theo đó, các phóng viên, cộng tác viên của Tạp chí Môi trường và Đô thị cũng bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình khởi tố về hành vi cưỡng đoạt tài sản như: Đặng Văn Phục (sinh năm 1986, trú tại xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội); Vũ Đức Lân (sinh năm 1981, trú tại phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội); Nguyễn Ngọc Tuyên (sinh năm 1989, trú tại xã Vũ Chính, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình); Nguyễn Tất Triển (sinh năm 1978, trú tại phường Trần Lãm, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình)…
Các đối tượng này có nhiệm vụ tìm hiểu, phát hiện sai phạm của các cá nhân, doanh nghiệp, cơ quan tổ chức và báo cáo lại Toàn. Sau khi viết các bài báo, các đối tượng này sẽ trình Toàn xem và duyệt nội dung trước khi đăng tải lên Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam.
Khi các cá nhân, doanh nghiệp có sai phạm liên hệ với các phóng viên thì Toàn tham gia với các phóng viên gặp gỡ bị hại, đe dọa sẽ tiếp tục việc viết bài và yêu cầu bị hại phải ủng hộ chương trình “Cây chổi vàng”. Toàn chịu trách nhiệm liên lạc, trao đổi với bị can Đồng Xuân Thụ về vi phạm của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, việc tuyển nhân sự của tạp chí này cũng “có vấn đề”. Bởi người được cho là “cánh tay phải” của Ban Biên tập trong việc “kiếm tiền” cho chương trình “Cây chổi vàng” là Bùi Văn Toàn cũng từng có 1 tiền án về tội “Cưỡng đoạt tài sản” khi còn là phóng viên của một tờ báo khác.
Theo tài liệu chúng tôi có được, khi đó, với thủ đoạn tương tự ở vụ án này, Toàn đã cùng 2 người khác tống tiền giám đốc một doanh nghiệp tại Nghệ An. Tháng 11/2016, với hành vi cưỡng đoạt tài sản, Bùi Văn Toàn bị Tòa án nhân dân huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An tuyên phạt 12 tháng tù treo. Chúng tôi không biết lãnh đạo Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam có biết được về “vết đen” trong lý lịch của Bùi Văn Toàn hay không? Hay coi đó là một “kinh nghiệm” trong làm việc của Toàn?
Được biết, Nguyễn Ngọc Tuyên trước đây đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Sau khi về nước, bị can làm việc tại địa phương, sau đó được giới thiệu làm lái xe cho Bùi Văn Toàn và trở thành cộng tác viên, phóng viên Tạp chí Môi trường và Đô thị như hiện nay.
Tuyên là đối tượng chính, nhận lệnh trực tiếp từ Bùi Văn Toàn để hoạt động, gây án tại Thái Bình. Đối tượng Nguyễn Tất Triển cũng vậy, trước đây làm việc tại một doanh nghiệp ở Thái Bình và mới xin nghỉ việc được khoảng 1 năm nay, do có quan hệ họ hàng với Toàn cũng đi làm báo và xin vào tạp chí này…
Có thể nói, các đối tượng này không xuất thân từ nghề báo mà từ ngành nghề khác chuyển sang, bên cạnh đó, không chú trọng làm báo mà chủ yếu là lợi dụng, mượn danh nghĩa báo chí để cưỡng đoạt tài sản. Các đối tượng thực hiện hành vi cưỡng đoạt tài sản có tổ chức, hoạt động trong một thời gian dài gây bức xúc, nhức nhối dư luận, cộng đồng doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức.
Các đối tượng không nhận tiền trực tiếp mà yêu cầu bị hại phải chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng của Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam và tài khoản của Công ty cổ phần Quảng cáo báo chí - truyền hình Việt Nam. Hằng tháng, ông Thụ sẽ chỉ đạo Cao Thị Thu Hường rút tiền từ tài khoản của công ty và tạp chí này để nộp vào tài khoản cá nhân của Hường.
Sau đó, Hường sẽ chuyển tiền phần trăm (đã được thống nhất từ trước) cho các đối tượng trong nhóm phóng viên, cộng tác viên cũng như trả lương cho nhân viên của tạp chí. Bằng thủ đoạn trên, trong một thời gian dài, ông Đồng Xuân Thụ và các đối tượng đã gây sức ép tới rất nhiều bị hại tại nhiều tỉnh, thành phố, chiếm đoạt số tiền hàng chục tỷ đồng.
Đại tá Phạm Mạnh Hùng, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình, Trưởng ban Chuyên án cho biết: Đây là một vụ án rất phức tạp, phương thức, thủ đoạn hoạt động tinh vi, có tổ chức, phạm vi hoạt động rộng, liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.
Các đối tượng đều là những người am hiểu pháp luật, hoạt động “trá hình” dưới danh nghĩa cơ quan báo chí làm từ thiện. Hành vi của các đối tượng diễn ra trong một thời gian dài, gây bức xúc, nhức nhối, phẫn nộ cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.
Sau khi tiếp nhận phản ánh của một số bị hại, xác định tính chất rất nghiêm trọng, phức tạp của vụ việc, lãnh đạo Công an tỉnh Thái Bình đã quyết định xác lập chuyên án đấu tranh, quyết tâm xử lý nghiêm, làm trong sạch môi trường đầu tư kinh doanh, hoạt động bình thường của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp; đồng thời, góp phần chấn chỉnh, gạt bỏ “những con sâu” để làm trong sạch đội ngũ người làm báo Việt Nam, bảo vệ, củng cố uy tín cơ quan báo chí, người làm báo chân chính, chính thống.
Sau nhiều tháng triển khai chuyên án, Ban chuyên án đã có đầy đủ tài liệu, chứng cứ chứng minh toàn bộ hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng.
T.H (theo VTC News)