Xã hội

Bộ Tài chính: Phát hiện sai phạm liên quan đến giám sát đại lý bảo hiểm

HQ (theo TTXVN) 29/03/2024 19:52

Chiều 29/3, tại buổi họp báo thường kỳ quý I/2024 của Bộ Tài chính, bà Phạm Thu Phương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho biết, đã hoàn thành việc thanh tra doanh nghiệp bảo hiểm năm 2023.

Chú thích ảnh
Quang cảnh buổi họp báo quý I năm 2024 của Bộ Tài chính

Theo đó, năm 2023, đơn vị đã thanh tra 5 doanh nghiệp bảo hiểm, trong đó có 3 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ và 2 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm Phạm Thu Phương cho biết, đơn vị đã thực hiện công bố công khai kết luận thanh tra 1 doanh nghiệp là Công ty Bảo hiểm Dai-ichi từ tháng 2/2024 trên cổng thông tin điện tử của cục.

Ngoài ra, theo bà Phạm Thu Phương , theo quy định về thanh tra, có thể lựa chọn 1 trong 3 hình thức, trong đó có hình thức công khai tại cuộc họp với thành phần gồm người ra quyết định thanh tra hoặc người được ủy quyền, đại diện đoàn thanh tra, đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Về những sai phạm chính qua thanh tra các doanh nghiệp bảo hiểm, bà Phạm Thu Phương cho biết các sai phạm chủ yếu liên quan đến việc ban hành quy chế, quy trình giám sát đại lý bảo hiểm chưa tuân thủ đúng quy định; công tác quản lý và sử dụng đại lý bảo hiểm còn sai phạm; hạch toán, kế toán còn sơ suất.

Vì thế, các hành vi sai phạm đã được Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm rà soát kỹ, xử phạt các vi phạm hành chính. Với những sai phạm liên quan đến xử lý thuế thì cục đã phối hợp với cơ quan thuế để yêu cầu doanh nghiệp thực hiện.

Chú thích ảnh
Ông Mai Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) phát biểu

Năm 2024, theo kế hoạch đã được phê duyệt, Bộ Tài chính có kế hoạch thanh tra đối với 6 doanh nghiệp bảo hiểm, Trong số đó sẽ tiến hành thanh tra việc triển khai bán bảo hiểm qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với 2 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ (Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Mirae Asset Prévoir, Công ty TNHH Bảo hiểm Cathay Life Việt Nam).

Theo Bộ Tài chính, thị trường bảo hiểm Việt Nam trong thời gian qua đã thể hiện được vai trò, vị trí đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; cũng như một phần đem lại sự bảo vệ về tài chính, sức khỏe cho người dân.

Tính đến cuối năm 2023, các doanh nghiệp bảo hiểm đã đầu tư trở lại nền kinh tế với tổng số tiền ước đạt 762.580 tỷ đồng và chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 86.376 tỷ đồng. Tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm ước đạt 913.308 tỷ đồng, tăng 11,12% so với năm 2022.

Tuy nhiên, do phát triển nhanh, trong thời gian vừa qua, thị trường bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ đã phát sinh một số vấn đề về chất lượng hoạt động tư vấn, cũng như dịch vụ chăm sóc và giải quyết quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng.

Trong năm 2022 và năm 2023, Bộ Tài chính đã tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với 10/17 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có triển khai bán bảo hiểm qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (có doanh thu phí bảo hiểm khai thác qua kênh bancassurance chiếm 96,83% tổng doanh thu phí khai thác qua kênh bancassurance của cả thị trường bảo hiểm nhân thọ).

Qua thanh tra đã kiến nghị xử lý 21.000 tỷ đồng; trong đó loại ra khỏi chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021, năm 2022 với tổng số tiền là 1.955,997 tỷ đồng; xử phạt vi phạm hành chính đối với 2 doanh nghiệp bảo hiểm, phạt tiền 310 triệu đồng.

Chú thích ảnh
Ông Phạm Hồng Sơn, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (Bộ Tài chính) trả lời phỏng vấn tại buổi họp báo quý I năm 2024 của Bộ Tài chính

Trong thời gian tới, thị trường bảo hiểm Việt Nam đặt chất lượng phát triển lên hàng đầu, nhưng để "hài hòa lợi ích, rủi ro chia sẻ", thì cần các giải pháp đồng bộ từ cả phía cơ quan quản lý, sự chung tay vào cuộc thực sự của cả các doanh nghiệp bảo hiểm, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và người tham gia bảo hiểm.

Về phía cơ quan quản lý, Bộ trưởng cho biết, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách liên quan đến sản phẩm bảo hiểm, công khai, minh bạch thông tin về sản phẩm và doanh nghiệp bảo hiểm để người dân có thể dễ dàng tiếp cận thông tin khi tìm hiểu, lựa chọn cho mình sản phẩm bảo hiểm phù hợp.

Mặt khác, cơ quan quản lý đã và tiếp tục yêu cầu rà soát, tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm và tiến hành xử lý nghiêm minh nếu phát hiện các trường hợp đại lý bảo hiểm sai phạm quy định pháp luật.

HQ (theo TTXVN)
(0) Bình luận
Bộ Tài chính: Phát hiện sai phạm liên quan đến giám sát đại lý bảo hiểm