Dù là đón Tết Trung thu ở một nơi xa với toàn những người bạn mới nhưng tôi không hề thấy có khoảng cách nào, mà tất cả đều ngập tràn niềm vui.
Tùng! Tùng! Tùng... Tôi đang dọn bếp bỗng giật mình bởi tiếng trống vang to. Tôi chạy ra cổng. Thì ra một vài đứa trẻ con trong xóm mang cái trống ra nghịch. Thấy tôi chúng toe toét cười, vẫy tay: “Chị ơi ra tập trống cùng bọn em. Tết Trung thu chị em mình đi múa lân nhé!”. Tôi cười lắc đầu, ra vẻ mình rất người lớn: “Chị lớn rồi, cổ vũ các em thôi, mới lại dịch bệnh các em cũng không được tập trung đông người nhé”. Nói vậy nhưng tâm trí tôi lúc này đang quay ngược thời gian, hồi tưởng về ngày tôi được đón Tết Trung thu trên miền núi.
Năm đó, tôi được bà nội cho đi cùng lên thăm người thân của bà vào đúng dịp Trung thu nên tôi háo hức lắm. Buổi sáng hôm ấy, tôi với bà đi từ lúc mặt trời chưa kịp ló rạng. Đây không phải là lần đầu tiên tôi đi xa cùng bà nhưng đó là chuyến đi mà tôi rất háo hức. Tôi sẽ được gặp người thân, được tận hưởng những điều mới lạ mà bản thân tôi chưa biết. Chuyến xe khách cứ thế bon bon trên đường nhựa, đến nơi lúc nào tôi cũng không biết vì tôi ngủ thiu thiu suốt mấy tiếng đồng hồ. Bước xuống xe, một quang cảnh và không khí hoàn toàn khác ở quê tôi. Tôi hít trọn một hơi để cảm nhận hết cái se se lạnh nơi đây. Tôi và bà phải đi bộ một đoạn đường dài mới vào trong nhà một người bác họ.
- A! Chị Xuân! - tôi mừng rỡ reo to, chạy lại ôm chị.
Chị cũng như tôi, cũng vui biết bao. Chị ghé vào tai tôi thì thầm: “Lên đúng dịp lắm nhé!”. Tôi cười hì hì, đoán ra được ý đồ của chị nên tôi khấp khởi: “Chị định rủ em đi chợ bản đúng không?”. Quả không sai, chị dẫn tôi ra chợ để chuẩn bị đồ về rước đèn, phá cỗ.
Chợ cách nhà chị không xa lắm nên chúng tôi quyết định đi bộ. Thi thoảng tôi gặp bọn trẻ chơi ở vệ đường. Nhìn mặt mũi chúng lấm lem, quần áo cũ rách, tôi bỗng trào lên tình thương với những người có hoàn cảnh khó khăn. Tôi cùng chị tiến lại gần chỗ bọn trẻ, trò chuyện làm quen với chúng. Sau một lúc, tôi kéo tay chị qua sạp tạp hóa mua nguyên liệu làm lồng đèn. Bởi khi nói chuyện cùng tụi trẻ, trong đầu tôi đã vụt ra ý nghĩ làm đèn lồng thật lớn để chúng tôi rước đèn cùng nhau.
Sau đó tôi cùng chị và đám trẻ tụ tập vào một bãi đất trống. Chúng tôi dọn dẹp, bày biện nguyên liệu la liệt trên mặt đất. Chúng tôi vừa dọn vừa hẹn nhau, khi trăng lên cao, chúng tôi sẽ cùng nhau rước đèn phá cỗ ở đây. Đám trẻ cười ngây thơ, tuân lệnh răm rắp. Phân việc đã xong, lũ trẻ bọn tôi bắt tay vào làm chiếc đèn lồng. Người đẽo gỗ, buộc que, dán giấy... Tiếng gọi hỏi nhau cách làm í ới. Trời đã sập tối, sau bao lần tháo ra làm lại, cuối cùng một ông sao năm cánh đã hoàn tất. Nhìn tuy không đẹp nhưng đó là công sức, là thành phẩm mà chúng tôi làm ra. Chúng tôi phủi tay đứng dậy, đập tay vào nhau cười khanh khách. Đứa nào đứa nấy cũng ba chân bốn cẳng chạy nhanh về nhà tắm rửa, ăn tối rồi xin phép bố mẹ đi chơi. Có vài đứa vội quay lại, lấy lớp lá khô phủ lên để giấu chiếc đèn.
Tôi cùng chị về nhà dọn cơm, chuẩn bị để chạy ra thật nhanh. Chưa đầy nửa tiếng, chúng tôi đã có mặt tại điểm hẹn. Chúng tôi đã sắp đồ, thắp nến cho chiếc đèn ông sao. Ánh sáng từ trong chiếc đèn hắt ra hòa cùng với ánh trăng tạo nên một không gian thật huyền ảo. Trăng như treo trên đầu ngọn núi. Phải chăng trăng cũng đang ngắm lũ trẻ chúng tôi? Những tiếng “ồ, đẹp quá, vui quá..." bắt đầu phát ra. Chúng tôi nô đùa, chạy nhảy, ca hát dưới ánh trăng rằm. Những bàn tay nắm chặt vào nhau, tạo thành một vòng tròn quanh mâm cỗ. Những tiếng hát, tiếng trống đã khuấy động không gian yên tĩnh nơi đây. Tiếng côn trùng kêu, tiếng gió xào xạc cũng như đang hò chung với chúng tôi, như đang tham gia bữa tiệc đặc biệt này. Dù là đón Tết Trung thu ở một nơi xa với toàn những người bạn mới nhưng tôi không hề thấy có khoảng cách nào, mà tất cả đều ngập tràn niềm vui.
Đó là Trung thu ở một nơi xa mà tôi không thể nào quên. Mỗi khi nhớ lại, trong đầu tôi vẫn còn vang vọng tiếng trống, tiếng hát: “Chiếc đèn ông sao sao năm cánh tươi màu/ Cán đây rất dài cán cao quá đầu...” khiến tôi lại bồi hồi, cười thầm vì những kỷ niệm thật đẹp ấy chỉ còn là hồi ức! Năm nay tôi đã lớn, niềm vui không còn ngây thơ như thế. Và còn cả dịch Covid-19 nữa, nó đã khiến cho Tết Trung thu của bọn trẻ bị ảnh hưởng. Nhìn đám trẻ dong trống đi xa dần, tôi ước sao dịch bệnh qua nhanh để niềm vui Tết Trung thu được trọn vẹn.
NGUYỄN THỊ NGỌC MAI
(Lớp 11E, Trường THPT Nam Sách)