16 tiêm kích Trung Quốc cùng 2 máy bay ném bom và một máy bay săn ngầm đã chia làm hai hướng vượt eo biển Đài Loan ngày 19.9.
Nhóm tiêm kích Trung Quốc bay theo đội hình trong một cuộc tập trận thực chiến. Ảnh chụp màn hình ChinaMil
Đây là ngày thứ hai liên tiếp Trung Quốc điều số lượng lớn máy bay chiến đấu xâm nhập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) Đài Loan bao trùm eo biển Đài Loan. Động thái diễn ra trong bối cảnh Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Keith Krach đang có chuyến thăm Đài Loan bất chấp sự phản đối của Trung Quốc.
Theo Cơ quan phòng vệ Đài Loan, trong đợt xâm nhập ngày 19.9, Trung Quốc đã huy động nhiều máy bay hơn ngày trước đó. Cụ thể, Bắc Kinh đã sử dụng 16 tiêm kích J-16, J-11 và J-10 cùng với 2 máy bay ném bom H-6, một máy bay săn ngầm Y-8 ASW.
Các máy bay chiến đấu Trung Quốc đã chia làm hai hướng vượt đường trung tuyến eo biển Đài Loan. Nhóm các tiêm kích J-16, J-11 và J-10 bay hướng về phía Đài Bắc nhưng không tiến xa hơn mà chỉ bay dọc đường trung tuyến eo biển Đài Loan rồi quay trở lại đại lục.
Ở phía nam đảo Đài Loan, nhóm oanh tạc cơ H-6, Y-8 ASW và J-10 cũng vượt đường trung tuyến giả định và bay gần quần đảo Đông Sa đang do Đài Loan chiếm giữ.
Đường bay của nhóm máy bay Trung Quốc do Cơ quan quốc phòng Đài Loan cung cấp
Đài Loan đã huy động máy bay chiến đấu cùng hệ thống phòng thủ tên lửa theo dõi và ngăn chặn, xua đuổi. Cơ quan phòng vệ Đài Loan cũng cung cấp hình ảnh máy bay săn ngầm Y-8 ASW.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 18.9 thông báo sẽ bắt đầu các cuộc tập trận "gần eo biển Đài Loan" trước các diễn biến an ninh mới trong khu vực. Chỉ một thời gian ngắn sau khi đưa ra thông báo, 18 máy bay Trung Quốc đã chia làm hai hướng tiến vào vùng nhận dạng phòng không Đài Loan.
Hình ảnh được Đài Loan cung cấp cho thấy máy bay ném bom H-6 của Trung Quốc đã treo sẵn các tên lửa diệt hạm YJ-12 có tốc độ bay siêu âm, tầm bắn 400km.
Máy bay ném bom H-6 của Trung Quốc được phi công Đài Loan chụp lại trong lúc làm nhiệm vụ ngăn chặn. Ảnh: Cơ quan quốc phòng Đài Loan
Trung Quốc xem Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời và để ngỏ khả năng sử dụng quân sự để thu hồi hòn đảo này. Giới quan sát quân sự nhận định Bắc Kinh một mặt đang muốn cảnh cáo Đài Bắc thông qua các hoạt động quân sự như trên, mặt khác để thăm dò khả năng phản ứng và sẵn sàng chiến đấu của Đài Loan.
Các tiêm kích J-16 và J-11 được Trung Quốc chế tạo dựa trên tiêm kích Su 30 và Su 27 mua từ Nga. Tiêm kích J-10 do Tập đoàn Công nghiệp hàng không Thành Đô chế tạo, đóng vai trò xương sống trong lực lượng không quân Trung Quốc.
Theo Tuổi trẻ