Giao thông - Đô thị

Trục cao tốc phía đông liên kết thúc đẩy chuỗi sản xuất thông minh

NT (theo báo Công luận) 21/12/2024 08:39

Nâng cao năng lực sản xuất của doanh nghiệp là điều kiện tiên quyết nhanh chóng, vững chân bước vào chuỗi sản xuất thông minh toàn cầu.

truc-cao-toc-phia-dong.jpg
Trục cao tốc phía Đông, với vai trò là huyết mạch giao thông quan trọng

Tận dụng lợi thế từng địa phương

2 năm trước, tháng 7/2022, Thỏa thuận Kết nối Kinh tế Trục Cao tốc Phía Đông (VEHEC) đã được ký kết giữa VCCI và 4 địa phương gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên. Đây là một mô hình kết nối tiểu vùng đầu tiên, hướng đến thiết lập một cơ chế phối hợp nhằm tối ưu hóa các nguồn lực, khai thác thế mạnh của từng tỉnh, và tăng cường hợp tác liên tỉnh trong khu vực VEHEC, qua đó tối đa hóa khả năng kinh tế của khu vực.

VEHEC là một động lực kinh tế quan trọng của miền Bắc Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng GRDP toàn khu vực VEHEC trong những năm vừa qua đạt mức cao, dao động từ 9% đến 12% mỗi năm, cao hơn mức GRDP trung bình của 63 tỉnh thành.

Theo TS.Phan Hữu Thắng, thời gian thực hiện thỏa thuận VEHEC mới được hơn một năm, nhưng có thể thấy rõ các bước đi, cách làm hiệu quả bằng những hợp tác kết nối kinh tế cụ thể đã bước đầu mang laị lợi ích cho người dân, doanh nghiêp trên địa bàn 4 địa phương.

Trên cơ sở thành công bước đầu này, hoạt động kết nối kinh tế của bốn địa phương trong tiểu vùng sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của Vùng, trên cơ sở huy động được đa dạng các nguồn lực (đặc biệt từ nguồn vốn ngoại FDI) để hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hoạt động, dự án liên kết tiểu vùng, tận dụng được mọi lợi thế, nội lực và ngoại lực của từng địa phương.

Tại Diễn đàn KCN trục cao tốc phía Đông với chủ đề “Liên kết, thúc đẩy chuỗi cung ứng sản xuất thông minh” mới đây tổ chức ở Quảng Ninh, ông Phạm Tấn Công – Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI nhấn mạnh: Việt Nam, là mắt xích sản xuất mới tại châu Á đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng sản xuất thông minh toàn cầu.

Sản xuất thông minh đang trở thành xu hướng mới của nền công nghiệp 4.0. Từ hai năm trước Tập đoàn Ericsson dự báo, hơn hai phần ba nhà sản xuất toàn cầu sẽ di chuyển tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2025 và trong đó Việt Nam được đánh giá là một điểm đến hấp dẫn.

Trong bối cảnh đó, theo TS.Trần Thị Hồng Minh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương: các khu công nghiệp ở VEHEC cũng phải sớm làm quen, bắt nhịp và thích ứng với các xu hướng đầu tư mới.

Trong đó, phát triển bền vững đang trở thành một yêu cầu cấp thiết, thậm chí có thể nói là “không thể đảo ngược được”. Theo đó, chuyển động chính sách sẽ không thể dừng lại ở cam kết của lãnh đạo, các kế hoạch hành động, mà phải được hiện thực hóa ở từng doanh nghiệp, từng cơ sở công nghiệp. Chính ở đây, sự phát triển của các khu công nghiệp sinh thái và chuyển đổi các khu công nghiệp thành khu công nghiệp sinh thái là rất quan trọng.

Phát triển KCN nói chung và ở trục cao tốc phía Đông phải đóng góp trực tiếp và mạnh mẽ hơn vào tăng trưởng xanh. Và cũng phải giúp cải thiện đáng kể liên kết giữa các doanh nghiệp, đặc biệt là giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài.

Ông Phạm Đức Ân – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cũng chỉ rõ: Việc chủ động tham gia chuỗi cung ứng và chuỗi sản xuất thông minh toàn cầu, tối ưu hóa chuỗi sản xuất và cung ứng là điều thiết yếu để nâng cao năng lực cạnh tranh của các khu công nghiệp. Với sự phát triển của công nghệ số, trí tuệ nhân tạo và tự động hóa, những mô hình truyền thống không còn đáp ứng được, cần phải thay đổi tư duy từ sản xuất đơn lẻ sang phát triển hệ sinh thái liên kết, chia sẻ thông tin và nguồn lực, cần phải xây dựng các chuỗi cung ứng thông minh.

Nhưng cần thêm nhiều chính sách đồng bộ để phát triển chuỗi cung ứng sản xuất thông minh, theo ông Nguyễn Lê Huy - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hưng Yên.

Và ở phía DN, cũng cần làm quen, thích ứng với xu thế mới và chuẩn bị kỹ lưỡng để vững chân bước vào sân chơi toàn cầu – TS.Phan Hữu Thắng, Chủ tịch Liên chi hội Tài chính KCN (VIPFA) Việt Nam lưu ý.

Chủ thể là doanh nghiệp Việt Nam


TS.Phan Hữu Thắng nhấn mạnh: Nâng cao năng lực sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam là điều kiện tiên quyết để các doanh nghiệp Việt Nam có thể nhanh chóng, vững chân bước vào sân chơi toàn cầu về sản xuất, cung ứng sản phẩm đầu vào cho các doanh nghiệp nước ngoài.

Chủ tịch VIPFA lưu ý: Đòi hỏi của chuỗi cung ứng toàn cầu là: Phải có sự gắn kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp tham gia, đồng thời các doanh nghiệp này cũng phải quản lý tốt dòng thông tin, sản phẩm và các vấn đề về tài chính để tránh tổn thất và đạt lợi nhuận tối đa trong toàn chuỗi;

Một yếu tố cơ bản khác trong việc xây dựng chuỗi cung ứng vững chắc hiện nay và trong giai đoạn tới là số hóa mối quan hệ xây dựng giữa người mua và nhà cung cấp. Để thực hiện được việc này, cả người mua và nhà cung cấp phải có cơ sở, điều kiện vận dụng hiệu quả công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) và IoT (internet vạn vật), để chuỗi cung ứng có thể nhanh chóng xoay trục qua các nhà cung cấp thay thế khi xảy ra gián đoạn.

Điều này cũng đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam muốn tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu cần phải có đủ các điều kiện về công nghệ cao để đáp ứng đòi hỏi trong giai đoạn số hóa nền kinh tế hiện nay.

Một điều kiện nữa mà các doanh nghiệp Việt Nam muốn tham gia được vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu là cần có nguồn nhân lực chất lượng cao có đủ trình độ để đảm nhận ngay được công việc được giao thì còn rất thiếu.

Đang có cơ hội thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia được vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu hiện nay. Việc doanh nghiệp Việt Nam cần làm ngay là khắc phục các điểm yếu tồn tại (năng lực sản xuất, công nghệ và nguồn nhân lực). Và doanh nghiệp cần sự trợ giúp của Nhà nước về cơ chế chính sách và tài chính phù hợp.

Theo TS.Phan Hữu Thắng cần nhận rõ: chủ thể việc phát triển các KCN trục cao tốc phía Đông gắn với việc liên kết chuỗi sản xuất, kinh doanh toàn cầu là các doanh nghiệp Việt Nam. Trong đó gồm các chủ đầu tư CSHT các KCN, các doanh nghiệp trong các KCN, bao gồm cả các doanh nghiệp có vốn FDI.

Nhưng phần lớn các doanh nghiệp FDI khi đầu tư vào Việt Nam phần đều đã có đầu ra. Nhưng doanh nghiệp FDI tại Việt Nam lại chính là các nguồn đầu vào cho chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu của các doanh nghiệp Việt Nam. Nhận thức rõ được điều này sẽ giúp rút ngắn thời gian tìm kiếm cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu.

Do vậy, việc các doanh nghiệp Việt Nam tập trung sản xuất cung ứng các sản phẩm đầu vào cho các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam sẽ là một trong các hướng phát triển đúng để các doanh nghiệp Việt Nam nhanh chóng tham gia vào được chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu ngay tại Việt Nam. Nên việc nâng cao năng lực sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam là điều kiện tiên quyết để các doanh nghiệp Việt Nam có thể nhanh chóng, vững chân bước vào sân chơi toàn cầu về sản xuất, cung ứng sản phẩm đầu vào cho các doanh nghiệp nước ngoài.

Việc các KCN lấp đầy diện tích đất được giao bằng nguồn vốn FDI sẽ mở ra cơ hội lớn hơn để các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng ngay tại Việt Nam.

Giải pháp để nhanh chóng lấp đầy các KCN bằng nguồn vốn FDI cần được tính một cách cụ thể nghiêm túc trong từng địa phương và trong tiểu vùng, tránh cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp trong tiểu vùng.

NT (theo báo Công luận)
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trục cao tốc phía đông liên kết thúc đẩy chuỗi sản xuất thông minh