Kinh tế

Kỳ vọng từ liên kết trục cao tốc phía đông

DŨNG CƯỜNG 14/02/2024 06:00

Với mục tiêu liên kết để thúc đẩy phát triển các địa phương liền kề tuyến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng-Móng Cái, Hội đồng Kết nối kinh tế trục cao tốc phía đông (VEHEC) ra đời với nhiều kỳ vọng.

dsc_1871.jpg
Lãnh đạo Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh, Hưng Yên và VCCI triển khai thỏa thuận VEHEC. Ảnh: Thành Chung

Cùng phát triển

VEHEC là sáng kiến của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh và Hưng Yên. Tháng 7/2022 tại TP Hạ Long (Quảng Ninh), các bên đã ký thỏa thuận VEHEC mở ra bước phát triển mới trong hợp tác giữa các địa phương. Đây không phải lần đầu tiên các tỉnh, thành phố liền kề thống nhất thực hiện các liên kết để hỗ trợ, giúp nhau trong phát triển kinh tế-xã hội. Song VEHEC là liên kết có nhiều điểm mới và đột phá hơn khi có VCCI đứng ra đảm nhiệm vai trò "nhạc trưởng" để dẫn dắt, điều phối, bảo đảm công bằng quyền lợi và lợi ích giữa các bên.

VEHEC ra đời vì mục tiêu thúc đẩy liên kết 4 tỉnh, thành phố trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương. Các bên cùng ứng phó, giải quyết các thách thức chung nhằm phát triển kinh tế nhanh, bền vững. Từ đó hình thành vành đai kinh tế phía đông, tạo cực tăng trưởng của vùng đồng bằng sông Hồng.

VEHEC hoạt động trên 5 nguyên tắc: Hợp tác chân thành, triển khai hiệu quả; Phát huy tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương; Không làm gì bất lợi cho nhau; Không cạnh tranh không lành mạnh; Cùng chia sẻ lợi ích, chi phí và trách nhiệm.

Dù mới thành lập song VEHEC đã có nhiều chương trình, hoạt động thể hiện sự đồng thuận, nghiêm túc trong việc xây dựng và phát triển liên kết giữa các bên.

Sau khi ký kết, tháng 2/2023 tại Hưng Yên, 4 tỉnh, thành phố và VCCI đã tổ chức hội nghị triển khai thực hiện thỏa thuận. Tại hội nghị này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng khẳng định liên kết có tính khả thi cao khi VCCI đảm nhận vai trò kết nối, dẫn dắt và là trọng tài để đôn đốc việc triển khai các hoạt động kết nối giữa 4 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên để liên kết phát huy hiệu quả thì các địa phương phải vượt qua lợi ích riêng vì mục tiêu chung, trợ giúp nhau cùng phát triển.

Trong năm 2023, VEHEC đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động để 4 địa phương có thể tận dụng lợi thế phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. 4 tỉnh, thành phố tích cực tham dự xúc tiến thương mại, đầu tư nhằm tìm cơ hội thu hút đầu tư vào địa phương. Đó là diễn đàn doanh nghiệp, xúc tiến thương mại, đầu tư Việt Nam-Nhật Bản, châu Âu. Các hội thảo về môi trường đầu tư kinh doanh xanh, kỹ năng xuất nhập khẩu, vận động chính sách, truyền thông tiểu vùng cũng được triển khai bài bản, thiết thực.

Điểm nhấn trong hoạt động của VEHEC năm 2023 là diễn đàn các khu công nghiệp. Chương trình này nhận được sự quan tâm của các doanh nghiệp, chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp trong tiểu vùng khi tạo điều kiện cho các đơn vị phối hợp, liên kết khai thác hiệu quả nguồn lực đầu tư nhằm giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh. Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký VCCI, Trưởng Ban thư ký VEHEC đánh giá hoạt động của VEHEC bám sát yêu cầu phát triển doanh nghiệp và tình hình kinh tế-xã hội của 4 địa phương. Thuận lợi hơn khi VEHEC nhận được sự quan tâm, ủng hộ của Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế. Đây là điểm tựa để xây dựng VEHEC trở thành tiểu vùng lớn mạnh trong cả nước dựa trên khai thác, phát huy tiềm lực riêng mà thế mạnh chung của 4 tỉnh, thành phố.

Hải Dương chủ động kết nối

dsc_0471.jpg
Hải Dương tham dự diễn đàn liên kết phát triển trục cao tốc phía đông. Ảnh: Thành Chung

Là thành viên của VEHEC, Hải Dương luôn chủ động, tích cực tham gia các hoạt động cũng như đề xuất giải pháp để liên kết ngày càng bền chặt nhằm cụ thể hóa các chủ trương, định hướng lớn về liên kết vùng.

Tỉnh tích cực phối hợp trao đổi thông tin, xây dựng các nội dung để đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư giữa các địa phương trong tiểu vùng. Đồng thời tập trung đối đa nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông quan trọng đóng vai trò kết nối vùng. 2 nút giao với đường ô tô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng trên địa bàn huyện Bình Giang và Thanh Hà đang được chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện nhằm xây dựng mạng lưới giao thông kết nối đồng bộ.

Hải Dương đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp, phát triển công nghiệp hỗ trợ, từng bước hình thành các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị. Trong đó, tỉnh tập trung phát triển hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tận dụng lợi thế của trục cao tốc phía đông để hướng ra cảng biển, sân bay và các trung tâm logistics trong tiểu vùng. Tỉnh Quảng Ninh phối hợp Hải Dương vận chuyển nông sản qua các cửa khẩu biên giới, còn TP Hải Phòng hỗ trợ tỉnh về thủ tục xuất cảnh tại cảng biển…

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của VEHEC trong thời gian tới, Hải Dương cũng đề xuất 3 tỉnh, thành phố thành viên và VCCI thông tin, chia sẻ kinh nghiệm trong thu hút đầu tư, huy động nguồn lực thực hiện quy hoạch tỉnh vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Các địa phương cần có tiếng nói chung trong việc ưu tiên nguồn lực để đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là các công trình giao thông kết nối, xử lý môi trường, hạ tầng xã hội phục vụ trực tiếp cho người dân, doanh nghiệp. Hải Dương cũng đề xuất VEHEC báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ triển khai các biện pháp để sớm hoàn thành tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân; tuyến đường sắt và đường bộ cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; nạo vét luồng lạch, hệ thống cảng, bến thủy nội địa; nâng cấp hệ thống đê điều; hệ thống truyền tải điện. Chú trọng đầu tư các công trình thu gom, xử lý rác thải, nước thải, chống úng ngập, hạn… Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư các công trình văn hóa, thể thao, du lịch. Khi chuẩn bị được những điều kiện tốt nhất, đồng bộ trong tiểu vùng trục cao tốc phía đông thì VEHEC sẽ lọt vào "mắt xanh" của những nhà đầu tư uy tín. Từ đó 4 địa phương sẽ chủ động tự tạo cơ hội và cùng nhau nắm bắt cơ hội.

DŨNG CƯỜNG
(0) Bình luận
Kỳ vọng từ liên kết trục cao tốc phía đông