Góc nhìn

Trừ điểm, treo bằng lái

PHAN TẤT ĐỨC 26/02/2024 07:52

Với tình trạng giao thông lộn xộn ở Việt Nam, tôi cho rằng đề xuất trừ điểm bằng lái tài xế vi phạm mà Bộ Công an đưa ra là rất cần thiết.

Vào dịp cuối năm ở Australia, ai ra đường cũng đều thận trọng hơn thường lệ. Bởi đây là quãng thời gian nhà chức trách tăng gấp đôi số điểm trừ khi tài xế vi phạm luật giao thông.

Chính sách này được đưa ra nhằm bảo đảm an toàn giao thông trong dịp lễ Giáng sinh và năm mới, khi nhu cầu đi lại tăng cao.

Chính xác thì Australia dùng "điểm cộng" chứ không phải "điểm trừ". Bởi tất cả tài xế đều bắt đầu với 0 điểm. Sau đó, tùy theo lỗi vi phạm, số điểm tương ứng được cộng vào bằng lái; đạt đến một giá trị nhất định, tài xế sẽ bị treo bằng.

Về bản chất nó cũng tương tự cách trừ điểm mà Bộ Công an Việt Nam đang đề xuất. Chỉ có điều nhà chức trách Australia áp dụng những quy định khắt khe hơn nhiều. Tùy theo tính chất của bằng lái mà sẽ có điểm cộng khác nhau. Những người mới lái, đang học lái (sử dụng bằng học lái hay bằng lái tạm thời P1) thậm chí chỉ cần chạm mốc 4 điểm là đã "bay màu" tấm bằng.

Theo tôi đây là chiến lược hay để rèn giũa sự chỉn chu, trách nhiệm cho những người mới cầm vô lăng ngay từ đầu, tránh hình thành thói quen xấu, khó sửa về sau. Không những thế, tùy theo quy định của từng bang, điểm cộng có thể bị tính tới 4 năm mới được xóa, chứ không phải chỉ 12 tháng đã được bỏ qua như Bộ Công an vừa đưa ra. Nếu để vượt quá giới hạn điểm cộng hai lần trong vòng 5 năm, tài xế sẽ bị cấm lái cho đến khi hoàn thành Chương trình can thiệp đặc biệt dành cho người vi phạm giao thông do Bộ Giao thông Vận tải Australia tổ chức. Tất nhiên, người vi phạm sẽ phải chịu hoàn toàn phí tổn khóa học.

Theo tôi, chính những quy định ngặt nghèo ấy đã góp phần tạo nên văn hóa giao thông rất quy củ ở Australia. Gần như ai cũng tự giác tuân thủ luật.

Với tình trạng giao thông lộn xộn ở Việt Nam, tôi cho rằng đề xuất trừ điểm bằng lái tài xế vi phạm mà Bộ Công an đưa ra là rất cần thiết.

Thứ nhất, hệ thống trừ điểm bằng lái sẽ tạo ra một cơ chế răn đe hiệu quả. Việc biết rằng mỗi lần vi phạm không chỉ phải đối mặt với nộp phạt mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng giữ bằng sẽ khiến các tài xế suy nghĩ kỹ hơn trước khi liều lĩnh vi phạm. Cơ chế này giúp tăng cường ý thức tự giác tuân thủ luật lệ giao thông, từ đó tăng cường trật tự an toàn trên đường và giảm thiểu tai nạn.

Thứ hai, việc trừ điểm bằng lái còn giúp phân loại và xác định rõ ràng nhóm tài xế có nguy cơ cao gây ra tai nạn. Những người thường xuyên mất điểm sẽ được giám sát chặt chẽ hơn, qua đó có thể áp dụng các biện pháp can thiệp kịp thời, cần thiết như tước bằng hay đào tạo lại luật giao thông. Dựa vào tra cứu lịch sử điểm số, cảnh sát giao thông có thể biết người nào chỉ là vô tình vi phạm (nếu chưa từng bị trừ điểm, hoặc cầm lái 10-20 năm mà chỉ 1-2 lần bị trừ điểm), người nào là bản chất ý thức kém, từ đó có thể thực thi phương thức xử lý cho thích hợp. Ví dụ nhắc nhở những người sơ ý vi phạm do biển báo không rõ ràng, khuất tầm nhìn... và phạt người đáng phạt, thay vì đánh đồng tất cả các loại vi phạm như hiện nay. Qua đó sẽ vừa đảm bảo cả tính nhân văn lẫn tuyên truyền, giáo dục.

Thứ ba, phương pháp này đã được áp dụng thành công ở nhiều quốc gia, chứng minh được tính hiệu quả trong kiểm soát và giảm thiểu vi phạm giao thông. Áp dụng một mô hình đã được kiểm nghiệm sẽ giúp Việt Nam tiết kiệm thời gian và nguồn lực trong xây dựng và triển khai các biện pháp an toàn giao thông mới. Việc Bộ Công an quyết liệt thực hiện định danh biển số xe, đăng ký chính chủ thời gian qua cũng là nền tảng phù hợp để áp dụng hệ thống trừ điểm bằng lái.

Đề xuất trừ điểm bằng lái xe có thể là liều thuốc đắng giã tật, giải quyết vấn nạn không tuân thủ luật giao thông ở Việt Nam. Nhưng sử dụng hiệu quả phương thức này cũng không hề đơn giản.

Để chính sách này có thể hoạt động hiệu quả đòi hỏi nhiều nỗ lực từ phía Bộ Công an. Trước tiên, sẽ phải xây dựng hệ thống đồng bộ từ khâu giám sát, phát hiện vi phạm trên đường, cho đến cập nhật, phân loại lỗi thành điểm trừ đưa lên hệ thống. Cơ sở dữ liệu này cũng cần phải dễ truy cập, tra cứu trực tuyến, đồng thời có khả năng liên kết với các cơ sở dữ liệu khác như cơ quan quản lý giấy phép lái xe, bảo hiểm... Nhiệm vụ này cần sự đầu tư không nhỏ về cơ sở vật chất, làm tăng gánh nặng hành chính, do việc theo dõi và quản lý cơ chế trừ điểm đòi hỏi một hệ thống hành chính có năng lực xử lý thông tin chính xác và kịp thời.

Nhưng tôi cho rằng thách thức lớn nhất khi triển khai đề xuất này nằm ở rủi ro về lạm dụng quyền lực. Hoàn toàn có nguy cơ một số cán bộ có thẩm quyền lạm dụng hệ thống trừ điểm để thu lợi bất chính, đòi hỏi người vi phạm chung chi để bỏ qua, không bị trừ điểm... Để hạn chế nguy cơ này, cơ quan chức năng cần tăng cường phạt nguội, ứng dụng tiến bộ của khoa học công nghệ, dùng camera kết hợp AI để ghi nhận lỗi, cập nhật lên hệ thống một cách tự động, giảm thiểu sự can thiệp của con người.

Khi ấy, tính minh bạch và công bằng mới được đảm bảo. Vi phạm sẽ được xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật. Như vậy, mục tiêu sau cùng của đề xuất mới đạt được: khiến mọi người đều phải tự giác chấn chỉnh hành vi của mình khi tham gia giao thông.

Nếu làm được như vậy, tôi tin rằng đề xuất trừ điểm bằng lái đối với tài xế vi phạm luật giao thông là một bước tiến quan trọng trong việc nâng cao an toàn giao thông tại Việt Nam.

PHAN TẤT ĐỨC
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trừ điểm, treo bằng lái
    ss