Góc nhìn

Trẻ theo người lạ

NGỌC THANH 01/09/2023 06:27

Chúng ta cần cảnh tỉnh trước mọi tình huống có thể đẩy trẻ vào nguy hiểm khi không có người lớn đi kèm.

w_img_8582.jpg
Nhiều người lớn vẫn vô tư gửi gắm con cho người lạ (ảnh minh họa)

Cuối tuần qua, tôi cho con đến Nhà Thiếu nhi tỉnh Hải Dương vui chơi. Trong lúc con tôi đang chơi ở khu vực nhà phao thì có hai bà cháu đi đến ngồi cùng khu vực chờ với tôi. Cô bé đi cùng bà khoảng chừng 5 tuổi, tay cầm bánh mỳ ăn. Vừa ngồi xuống, không ngại tôi là người lạ, người bà nói: "Tôi cho cháu đi học múa nhưng chưa đến giờ vào lớp. Cô trông cháu cho tôi một lúc, tôi đi mua nước cho cháu nhé". Chưa đợi tôi trả lời có đồng ý hay không, người bà đã đon đả đứng dậy đi luôn.

Tôi ngồi trông cô bé chừng 10 phút vẫn chưa thấy người bà quay lại. Lúc này, con tôi đã đòi sang khu vực khác vui chơi, không chịu ở lại. Tôi không thể để con chơi một mình nên suy nghĩ một lúc rồi dẫn con rời đi, để lại cô bé ngồi một mình. Đứng từ xa, tôi không hề rời mắt khỏi cô bé, vì lo cho sự an nguy của bé. Tôi chỉ muốn người bà khi quay lại, thấy cháu ngồi một mình sẽ nhận ra sai lầm khi gửi cháu cho người lạ.

Thực tế vẫn có những người như vậy, không hề đề phòng người lạ mà gửi gắm con cháu mình thì huống hồ là trẻ em. Tâm lý các em còn non nớt, ngây thơ nên người lạ chỉ cần nịnh nọt, dụ dỗ, cho quà... là nhiều em sẽ đi theo.

Sự việc mới đây với cháu bé 21 tháng tuổi (quê gốc ở Kinh Môn, Hải Dương), sinh sống cùng gia đình ở huyện Gia Lâm (Hà Nội) bị một người từng làm giúp việc cho gia đình dụ dỗ, sát hại khiến nhiều người không khỏi bàng hoàng, xót xa. Cho dù từng có quen biết nhưng xét ở khía cạnh nào đó, kẻ sát hại vẫn là người lạ đối với cháu bé. Trong trường hợp này, cháu bé đã tự ý theo người khác đi mà chưa có sự đồng ý, trao tay của bố mẹ. Từ sự việc này, trên mạng xã hội, nhiều người lục lại câu chuyện xảy ra tại một trường mầm non được cho là ở Trung Quốc. Trong một tiết học dạy kỹ năng sống cho trẻ, đã có khoảng 20 cháu bé nhận quà và nghe người lạ dụ dỗ, đồng ý đi theo. Thậm chí, khi các cô giáo gọi, có em dứt khoát không quay lại.

Vậy làm gì để giúp trẻ nhận biết, không theo người lạ. Thực tế cho thấy, nguy hiểm có thể xảy ra với trẻ ở bất kỳ nơi đâu, dưới bất kỳ hình thức nào mà chúng ta không thể lường trước được. Chính việc thiếu những kỹ năng sống sẽ dẫn tới trẻ dễ bị người lạ tiếp cận, dụ dỗ và bắt cóc. Gia đình cần đồng hành với nhà trường rèn luyện cho các con những kỹ năng phát hiện và đối phó khi bọn bắt cóc có ý định tiếp cận, làm hại các em. Cần dạy trẻ không nhận bất kỳ đồ vật gì từ người khác mà chưa được sự cho phép của cha mẹ, ông bà, thầy cô giáo. Dạy cho trẻ cách tìm những người giúp đỡ đáng tin cậy trong trường hợp không may bị lạc. Về phương pháp, nên dạy các con bằng những tình huống, bài học thực tế, để trẻ ghi nhớ, ứng phó tốt khi đối mặt với thực tế.

Việc này là cả một quá trình rèn giũa và phải làm từ sớm, ngay từ khi các em hình thành ý thức nhận biết để tránh hiểm họa càng sớm càng tốt.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần cảnh tỉnh trước mọi tình huống có thể đẩy trẻ vào nguy hiểm khi không có người lớn đi kèm. Như câu chuyện người bà nêu trên là hết sức nên tránh. Các bậc phụ huynh hãy luôn để con trong tầm kiểm soát của mình, đặc biệt là đối với những em nhỏ chưa đủ khả năng để phân biệt, nhận biết những mối nguy hiểm rình rập xung quanh có thể từ người lạ mang tới.

NGỌC THANH
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trẻ theo người lạ
    ss