Tranh chấp đất tự mua bán, trao đổi ở Phú Thứ

11/11/2022 15:01

Vụ việc tranh chấp quyền sử dụng đất ở khu 6, phường Phú Thứ (Kinh Môn) của một số hộ dân rất phức tạp, đòi hỏi phải có kết luận của tòa án để có căn cứ giải quyết.


Khu đất xảy ra tranh chấp theo đơn phản ánh của ông Nguyễn Xuân Hừng (ảnh trái). Khu rãnh nước ra bãi soi đấu thầu trước đây được người dân tôn tạo, san lấp thành đường đi (ảnh phải)

Báo Hải Dương nhận được đơn của ông Nguyễn Xuân Hừng (ở khu 6, phường Phú Thứ, Kinh Môn) phản ánh việc tranh chấp 160 m2 đất thổ cư thuộc quyền sở hữu của gia đình ông với ông Trương Văn Quang, Giám đốc Công ty CP Thương mại xuất nhập khẩu Hoàng Oanh.

Theo đơn của ông Hừng, năm 2006, gia đình ông mua thửa ruộng 4.225 m2 đất bãi soi (dân địa phương gọi là bãi thoi) của ông Nguyễn Văn Đĩnh (ở khu 6, thị trấn Phú Thứ, nay là phường Phú Thứ). Khu đất bãi này không có lối đi ra đường chính. Năm 2009, gia đình ông Hừng và gia đình ông Nguyễn Văn Ví (cùng ở khu 6) thỏa thuận nhượng đất cho nhau. Gia đình ông Ví nhận 1.100 m2 đất bãi soi và nhượng cho ông Hừng 160 m2 đất thổ cư. Ông Ví làm văn bản chuyển nhượng đã được chính quyền địa phương chứng nhận. Đến năm 2014, gia đình ông Hừng chuyển nhượng cho ông Trần Huy Hiếu (ở khu 2, phường Phú Thứ) diện tích còn lại của thửa đất bãi cùng tài sản và hoa màu. 160 m2 đất thổ cư, gia đình ông Hừng không chuyển nhượng cho ai. Hằng năm, ông Hừng vẫn nộp thuế nhà đất đầy đủ.

Sau khi nhận chuyển nhượng đất bãi của ông Hừng, ông Hiếu đã chuyển nhượng lại cho ông Trương Văn Quang, Giám đốc Công ty CP Thương mại xuất nhập khẩu Hoàng Oanh. Tháng 5.2021, ông Quang tranh chấp 160 m2 đất thổ cư của gia đình ông Hừng. Ông Quang cho rằng đã nhận chuyển nhượng diện tích này do nằm trong diện tích lối đi ra đường chính. Tuy nhiên, ông Hừng khẳng định trong giấy nhận tiền giữa ông và ông Hiếu chỉ thể hiện việc chuyển nhượng đất bãi soi và hoa màu, không có nội dung chuyển nhượng lối đi ra đường chính. Theo ông Hừng, việc chuyển nhượng giữa ông Hiếu và ông Quang có phần lối đi ra đường chính do ông Hiếu sau này tự ý thêm vào. 

Qua tìm hiểu của phóng viên, khu đất đấu thầu trong phản ánh của ông Hừng trước đây không có đường vào, chỉ có rãnh thoát nước phía sau khu đất của một số hộ dân. Sau đó một số hộ dân xin phép tự san lấp rãnh nước làm đường đi chung. Còn từ khu đất bãi soi, để đi ra đường chính phải đi qua một phần khu đất thổ cư của ông Hừng đã nhận chuyển nhượng từ ông Ví.

Bà Trương Thị Bồn, Chủ tịch UBND phường Phú Thứ cho biết sau khi nhận đơn của ông Hừng, UBND phường đã xem xét, giải quyết, trả lời theo quy định của pháp luật. Tháng 7.2022, UBND phường Phú Thứ đã có báo cáo gửi UBND thị xã Kinh Môn về việc giải quyết tranh chấp mốc giới diện tích giữa ông Hừng và ông Quang. Báo cáo khẳng định 160 m2 đất gia đình ông Hừng nhận chuyển nhượng của ông Ví năm 2009 là đất thổ cư có nguồn gốc rõ ràng. Ông Hừng có đầy đủ giấy tờ đã được UBND thị trấn Phú Thứ xác nhận ngày 13.7.2009 theo quy định. Trong quá trình sử dụng với mục đích đất ở, ông Hừng đều nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp hằng năm. Vì vậy, đối với phần diện tích này, UBND phường Phú Thứ kết luận thuộc quyền quản lý và sử dụng của gia đình ông Hừng. 

Đối với hợp đồng mua bán viết tay giữa gia đình ông Hừng với ông Hiếu thực hiện ngày 30.8.2014, ông Hừng cho rằng giấy tờ mua bán với ông Hiếu đã được viết thêm cụm từ “lối đi ra đường chính”, còn khi mua bán chỉ thể hiện chuyển nhượng tài sản và hoa màu trên đất. Ngày 9.7.2021, UBND phường Phú Thứ làm việc với ông Hiếu, ông Hiếu khẳng định không viết thêm vào giấy nhận tiền. UBND phường đã lập biên bản và yêu cầu ông Hiếu chịu trách nhiệm trước pháp luật về những gì đã trình bày. Ngày 9.9.2021, UBND phường làm việc với ông Hừng, yêu cầu cung cấp thêm các giấy tờ liên quan đến việc chuyển nhượng đất nhưng ông Hừng không cung cấp được giấy tờ gốc nên không mời được các bên để đối chất. UBND phường đã giải thích rõ với ông Hừng đối với diện tích sử dụng làm lối đi là đất do địa phương quản lý, hai bên không có quyền mua bán, chuyển nhượng và việc mua bán, chuyển nhượng này không thông qua chính quyền địa phương. Vì vậy khi xảy ra tranh chấp, hai bên có quyền khởi kiện ra tòa.

Trao đổi với phóng viên, ông Hiếu khẳng định không có chuyện sửa chữa nội dung, viết thêm trong giấy nhận tiền. Ông Hiếu là người giữ bản gốc, sau đó đã bàn giao lại giấy tờ liên quan khi chuyển nhượng lại cho ông Quang. Chúng tôi liên hệ qua điện thoại đề nghị gặp ông Quang nhưng ông không đồng ý gặp và cho biết đã gửi đơn đến Tòa án Nhân dân thị xã Kinh Môn, đang chờ tòa án giải quyết.

Qua tìm hiểu của phóng viên, trong quá trình chuyển nhượng giữa ông Hừng và ông Hiếu, ông Hừng không lưu giữ được giấy tờ nhận tiền gốc, chỉ có bản phô tô, không được công chứng. Phóng viên đối chiếu các nội dung trong bản nhận tiền phô tô cho thấy, trong giấy nhận tiền tạm ứng 200 triệu đồng từ gia đình ông Hiếu, ông Hừng viết ngày 30.8.2014 ở trang đầu ghi "giấy nhận tiền mặt việc chuyển nhượng đất và hoa màu đấu thầu bãi thoi", không có từ "lối đi". Tuy nhiên, đến ngày 16.9.2014, khi ông Hừng nhận đủ số tiền 1,32 tỷ đồng từ ông Hiếu thì giấy nhận tiền có ghi "giấy nhận tiền mua đất thoi, hoa màu và lối đi". Đến ngày 20.9.2014, khi ông Hiếu chuyển nhượng cho ông Quang, trong giấy nhận tiền giữa ông Quang và ông Hiếu có ghi: "Giấy nhận tiền mặt về việc chuyển nhượng đất đấu thầu thoi, tài sản gắn liền trên đất và lối đi chung".

Liên quan đến dự án của Công ty CP Thương mại xuất nhập khẩu Hoàng Oanh, qua tìm hiểu của phóng viên, tháng 9.2016, công ty này đã được UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng và sơ chế than tại bãi ngoài đê sông Kinh Thầy, thị trấn (nay là phường) Phú Thứ. Tháng 11.2019, UBND tỉnh đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho công ty này với diện tích 8.841,5 m2. Trong sơ đồ thửa đất công ty được cấp không thể hiện đường đi vào phía thửa đất thổ cư đang tranh chấp.

Sự việc liên quan đến phản ánh của ông Hừng rất phức tạp. Nội dung hợp đồng mua bán, chuyển nhượng giữa ông Hừng và ông Hiếu, cũng như giữa ông Hiếu và ông Quang đều không thông qua chính quyền địa phương. Vì vậy, khi xảy ra tranh chấp liên quan đến hợp đồng dân sự, để xác định có hay không chữ viết thêm nội dung vào hợp đồng cần có sự xác minh, kết luận của toà án làm căn cứ giải quyết.

PV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tranh chấp đất tự mua bán, trao đổi ở Phú Thứ