Trạm dừng chân quê nhà

31/03/2019 08:09

Tôi vẫn thường gọi nơi mình sinh ra và khôn lớn là trạm dừng chân quê nhà, để khi mỏi mệt hay chán chường, tôi sẽ ngược dòng về nơi đã nuôi nấng mình bằng những mùa thơm hương lúa mới.

Một sáng nào đó thức dậy, nếu vô tình không ngửi thấy mùi khói bụi ngột ngạt phố thị ngoài kia, nhiều khi tôi tự hỏi, liệu mình có thấy tẻ nhạt hay trống trải? Dù không biết bao lần tôi muốn dứt ra khỏi những xô bồ huyên náo, để trở về với những thuở cũ an yên. Được sống trọn vẹn với 24 giờ của một ngày trôi qua đúng nghĩa. Không phải đau đáu bằng những chộn rộn mưu sinh, cũng chẳng phải tất bật cho những khoảng thời gian giam mình bằng bao âu lo, toan tính. Dẫu biết cuộc sống là thế, phức tạp chứ không đơn giản chút nào.

Nhưng rồi khi nghĩ đến những cần lao, lam lũ quê nghèo, về những cam chịu cộng với chắt chiu một đời cần mẫn của bao phận người, tôi lại có những quyết định và lựa chọn riêng. Một hướng đi mới cho bản thân, bằng học hành, bằng con chữ. Để phần nào có thể góp chút công sức nhỏ bé, giúp đỡ cho miền quê, mảnh đất đã có công nuôi nấng tôi nên người.

Bất chợt tôi nghĩ đến ánh mắt của mẹ ngày đầu tiễn tôi đi học nơi bến sông quê. Buổi sáng hôm ấy gió lặng như tờ. Mẹ giấu nước mắt vào trong dòng phù sa loang lổ bám chặt vào những mái chèo xuôi dòng nước. Những phù du vốn được ví von như tinh túy của làng quê nghèo khó. Song, chính nhờ những áng phù sa vẩn đục, loang mờ từng quãng sông khúc khuỷu như thế mà mùa màng mới trở nên xanh tốt, bội thu. Nhờ vậy mà tôi có dịp được áp tai nghe từng nhịp thở nhẹ nhõm nơi giấc ngủ của những phận người quê vốn long đong, lận đận. 

Lời dặn dò của mẹ buổi đầu ấy vẫn còn thoang thoảng bên tai, lẫn vào trong tiếng gió cuối mùa rệu rã, bấu víu vào trong những suy nghĩ thuở đầu vụng dại khiến tôi nhớ mãi. Bởi đó không chỉ là những lời căn dặn thông thường. Mà đó còn là lời cảnh tỉnh về bao cạm bẫy, lừa lọc thành thị. Nhưng hơn hết là nhắc tôi về hai chữ nguồn cội, về nơi đã tập cho mình bước đi đầu tiên. Dạy cho mình biết trân quý giọng nói quê hương vốn như tài sản, bản sắc văn hóa con người Việt Nam. Dạy cho ta đánh vần bảng chữ cái, cùng tiếng gọi bập bẹ, ngọng líu theo khúc hát ru ngọt lành.

Tôi vẫn thường gọi nơi mình sinh ra và khôn lớn là trạm dừng chân quê nhà, để khi mỏi mệt hay chán chường, tôi sẽ ngược dòng về nơi đã nuôi nấng mình bằng những mùa thơm hương lúa mới. Nơi có câu chuyện của ông tôi vẫn như cuốn nhật ký ghi chép dang dở, muốn kể lại cho chúng tôi nghe những thời lửa đạn lẫy lừng. Nơi xóm nhỏ tiêu điều, nằm chông chênh giữa đôi ngả dòng sông quen lạ. Có bà tôi ngày ngày ra vườn gieo những luống rau xanh, cho đám cháu ở xa trở về rửa lòng bằng bát canh ngon ngọt. Để chiều về thủng thẳng nghe tiếng sáo diều vi vút, như khúc hát đồng dao thuở ngày thơ bé giờ chỉ còn trong niềm nhớ xa xăm vọng về giữa ảo vọng phố thị.

Tôi đã đi qua biết bao tháng ngày trong cuộc đời của một người lữ hành, dừng chân ở biết bao nhiêu ngã tư đường, ngắm nhìn dòng người tất tả mưu sinh xuôi ngược. Nhưng có lẽ “trạm dừng chân quê nhà” vẫn là miền nhớ tuy âm thầm mà da diết, tựa như những món ăn mang nặng nghĩa tình, tuy chân chất, dung dị là thế nhưng lúc nào cũng tròn đầy dư vị yêu thương…

Tản văn của SONG NINH

(0) Bình luận
Trạm dừng chân quê nhà