Mẫu mã đẹp, chất lượng cao, giá ngày càng rẻ khiến trái cây từ Mỹ, Trung Quốc, Australia và Thái Lan được tiêu thụ ngày càng nhiều ở Việt Nam.
Khảo sát cho thấy lượng trái cây nhập khẩu về chợ, siêu thị và các cửa hàng tăng mạnh. Nhất là các sản phẩm từ Mỹ, Trung Quốc, Thái Lan, Australia vào thị trường Việt Nam có giá khá cạnh tranh và thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại cửa hàng chị Oanh trên đường Thống Nhất (Gò Vấp), không chuyên về trái cây nhập khẩu nhưng 2/3 sản phẩm tại đây có nguồn gốc từ Thái Lan, Mỹ, Trung Quốc và Australia.
"So với trước đây, nho, táo, quýt từ Mỹ, Australia đã giảm 40%. Đặc biệt, các sản phẩm này chất lượng ngày càng cải thiện và giá không quá cao so với hàng Việt nên được khách rất ưa chuộng", chị Oanh nói.
Chị Hoa, tiểu thương chợ Bà Chiểu (Bình Thạnh), cho biết thêm măng cụt, bòn bon, xoài, me... của Thái Lan đang vào mùa, có chất lượng tốt nên được nhập nhiều về Việt Nam. "Những trái cây này dễ bảo quản lại có kích cỡ đồng đều, khách rất thích. Mỗi ngày tôi nhập cả tạ vẫn không đủ bán", chị Hoa thông tin.
Đại diện Công ty cổ phần Rau quả Bình Thuận cũng xác nhận giá trái cây nhập khẩu vào Việt Nam đang khá mềm dù chi phía vận chuyển tăng cao. "Số lượng trái cây nhập khẩu của công ty 6 tháng qua tăng mạnh so cùng kỳ năm ngoái", ông noi.
Đại diện các chợ đầu mối ở Hà Nội và TP HCM đều nhìn nhận lượng trái cây Trung Quốc, Mỹ, Australia, Thái Lan về Việt Nam rất dồi dào. "Ngoài táo, nho thì đào và mận Trung Quốc đang vào mùa nên lượng hàng về chợ sẽ tăng lên trong tháng tới", đại diện chợ đầu mối Thủ Đức dự báo.
Bên cạnh trái cây từ các quốc gia trên, gần đây hàng Campuchia và Ấn Độ, Lào cũng ồ ạt vào Việt Nam. Nhất là xoài keo và sầu riêng Campuchia đang rất hút người tiêu dùng Việt vì mẫu mã đẹp, chất lượng tốt.
Báo cáo của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho thấy 6 tháng, xuất khẩu trái cây đạt hơn 886 triệu USD tăng 28,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, 5 tháng đầu năm nhập khẩu trái cây từ Trung Quốc, Newzeland, Campuchia, Nam Phi, Hàn Quốc đều tăng ở mức 3 con số. Riêng thị trường Nam Phi có mức tăng trưởng gần 190%.
Trong khi nhập khẩu trái cây tăng đột biến, xuất khẩu mặt hàng này đi các thị trường lại giảm 18,9 % so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 1,6 tỷ USD.
Trong nước, trái cây mùa hè như măng cụt, sầu riêng, mít, vải, bơ....đồng loạt giảm giá 10-15% so với cùng kỳ 2021.
Nguyên nhân được các thương buôn đưa ra là vì nguồn cung dồi dào, trong khi xuất khẩu giảm mạnh. Bên cạnh đó, giá xăng dầu, hàng hóa khác tăng cao khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu nên sức mua yếu.
Theo VnExpress