Từ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác tiếp công dân, các cấp chính quyền cần thực hiện đầy đủ Luật Tiếp công dân, nhất là người đứng đầu mỗi cấp...
Cách nay hơn 5 năm, ngày 25.11.2013, Quốc hội khóa XIII đã ban hành Luật Tiếp công dân. Mới đây, Bộ Chính trị cũng ban hành Quy định số 11-QĐi/TW về trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân. Theo đó, các cấp chính quyền từ tỉnh đến xã, phường phải công khai lịch và người đứng đầu cấp phải trực tiếp tiếp công dân, cấp tỉnh mỗi tháng 1 lần, cấp huyện mỗi tháng 2 lần và cấp xã, phường mỗi tuần 1 lần. Theo báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 tháng 11.2018, một số địa phương đã thực hiện khá tốt Luật Tiếp công dân. Người đứng đầu cấp chính quyền đã kịp thời lắng nghe, tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân và có biện pháp giải quyết kịp thời, hiệu quả những kiến nghị, bức xúc của người dân, doanh nghiệp…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả trên, vẫn còn không ít địa phương chưa thực sự coi trọng công tác tiếp công dân. Theo luật quy định tại khoản 5, điều 12 thì “Chủ tịch UBND cấp tỉnh trực tiếp tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh ít nhất 1 ngày trong 1 tháng”. Nhưng qua giám sát và số liệu của 39 tỉnh, thành phố thì quy định này chỉ đạt 48%. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc ủy quyền cho cấp phó thực hiện tiếp công dân khá phổ biến ở các cấp, đặc biệt là cấp tỉnh. Cùng việc một số nơi người đứng đầu chính quyền không trực tiếp tiếp dân trong khi có những cán bộ tiếp dân không đủ phẩm chất và năng lực làm việc trên đã hạn chế hiệu quả của công tác này. Những đơn thư, kiến nghị bức xúc của người dân, doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, đời sống văn hóa - xã hội không được người có thẩm quyền và có năng lực giải quyết kịp thời, khiến nhiều vụ việc kéo dài, khiếu kiện vượt cấp… ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người dân và tình hình an ninh trật tự xã hội…
Để khắc phục tình trạng trên, cần nâng cao nhận thức về Luật Tiếp công dân cũng như tầm quan trọng của việc tiếp công dân, trước hết đối với người đứng đầu các cấp chính quyền và cán bộ, công chức làm nhiệm vụ tiếp công dân. Tiếp công dân là dịp các cơ quan hành chính được lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân qua việc thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, trong đó có mặt tốt, mặt còn hạn chế và cả những điều chưa được người dân ủng hộ hoàn toàn. Từ thực tế đó cần xem xét, điều chỉnh, bổ sung để các chỉ thị, nghị quyết đi vào cuộc sống hiệu quả hơn… Tiếp công dân cũng là dịp phát huy quyền làm chủ nhà nước của người dân, khi thông qua sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cơ quan chính quyền thực thi chính sách, pháp luật, bộc lộ những mặt tốt, xấu, hạn chế… được người dân phản ánh. Qua đó tổ chức có thể đánh giá đầy đủ hơn về tài, đức của cán bộ, công chức, giúp việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ sát sao hơn nhằm xây dựng một chính quyền “do dân, vì dân, của dân” thực chất hơn… Qua tiếp công dân mà nhận được đơn thư hoặc lắng nghe rõ hơn về bản chất sự việc, hiện tượng, chứng cứ… Rồi sau đó đề ra giải pháp thúc đẩy giải quyết nhanh, gọn các vụ việc khiếu nại, tố cáo sao cho thấu tình, đạt lý, khắc phục tình trạng khiếu kiện kéo dài, vượt cấp… Thực hiện tốt công tác tiếp dân sẽ làm cho chính quyền và người dân ngày càng xích lại gần hơn. Chính quyền thì tiếp tục cải cách hành chính để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn. Còn người dân thì vững tin vào cơ quan đại diện cho chính quyền nhà nước các cấp, thực hiện nghiêm các chủ trương chính sách, pháp luật…
Từ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác tiếp công dân, các cấp chính quyền cần thực hiện đầy đủ Luật Tiếp công dân, nhất là người đứng đầu mỗi cấp; đồng thời, cần bố trí những cán bộ, công chức có đủ năng lực, phẩm chất, nắm vững chính sách, pháp luật cũng như tác phong gần gũi, sâu sát, tôn trọng người dân vào các bộ phận tiếp dân. Phải coi đó là nhiệm vụ thường xuyên, trọng yếu, có hoàn thành hay không để đánh giá, phân loại cán bộ, đảng viên hằng năm. Có như vậy công tác tiếp công dân mới đi vào nền nếp, hiệu quả.
NGUYỄN THẾ (TP Hải Dương)