Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng dự thảo Luật Thanh niên đã được Quốc hội tiếp thu ý kiến góp ý, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định phù hợp với thực tiễn.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga góp ý vào dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV
Chiều 25.5, phát biểu tại điểm cầu Hải Dương trong phiên thảo luận, góp ý vào dự thảo Luật Thanh niên tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội (QH) khóa XIV, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng dự thảo luật lần này đã được QH tiếp thu ý kiến góp ý, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính khả thi và tạo điều kiện phát triển cho thanh niên.
Đại biểu Nga đánh giá nội dung đối thoại với thanh niên được quy định tại điều 10 của dự thảo luật lần này là điểm nổi bật so với Luật Thanh niên 2005. Đây là điều kiện, cơ hội để thanh niên có thể chia sẻ những khó khăn, vướng mắc, đề xuất giải pháp đối với các vấn đề liên quan đến thanh niên. Dự thảo đã quy định rõ về thời gian đối thoại, thời gian trả lời đối thoại, công khai đối thoại. Đại biểu đề nghị để cụ thể hơn nữa về vấn đề này, cần bổ sung thêm quy định về nội dung đối thoại với thanh niên. Đó có thể bao gồm các nội dung như chính sách định hướng phát triển cho thanh niên trong từng giai đoạn, các vấn đề xã hội có tác động đến thanh niên, những vấn đề tạo dư luận xã hội có liên quan đến thanh niên...
Theo đại biểu Nga, càng quy định cụ thể những nội dung cơ bản cần có trong đối thoại thì càng bảo đảm tính thực chất, đạt chất lượng, hiệu quả cao của đối thoại.
Đại biểu Nga cho rằng khoản 4 điều 33 dự thảo quy định về "trách nhiệm của tổ chức kinh tế trong việc cung ứng dịch vụ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, dịch vụ đào tạo nghề, nghiệp vụ, kỹ năng số đầu tư xây dựng cơ sở vật chất về văn hóa, thể dục, thể thao cho thanh niên" là không hợp lý và còn thiếu tính khả thi. Đại biểu cho rằng trách nhiệm hỗ trợ thanh niên thuộc về Nhà nước, không nên đẩy trách nhiệm này về phía các đơn vị kinh doanh, vì mỗi đơn vị kinh doanh có những tiềm lực kinh tế và chiến lược phát triển riêng. Về nội dung này cần quy định theo hướng Nhà nước có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các chương trình, kế hoạch, dịch vụ hỗ trợ thanh niên.
Đại biểu cũng đề nghị, về tên chương V và điều 31 nên bổ sung chủ thể các tổ chức chính trị - xã hội để bảo đảm tính toàn diện, đề cao vai trò của tất cả các tổ chức chính trị - xã hội trong trách nhiệm phối hợp thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến thanh niên bao gồm cả MTTQ Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và các tổ chức chính trị - xã hội khác.