Theo các chuyên gia kinh tế, mặc dù nhu cầu nhà ở xã hội (NƠXH) của người dân vẫn cao nhưng lượng cung vẫn hạn chế do các nhà đầu tư không còn mặn mà vì thiếu vốn, vướng các thủ tục hành chính. Để cân bằng cung - cầu, các chuyên gia cho rằng cần có giải pháp tổng thể để hài hòa lợi ích của đôi bên, giúp các dự án NƠXH đi vào hoạt động.
Cắt giảm các thủ tục hành chính
Mặc dù sinh sống ở TP Hồ Chí Minh đã hơn 15 năm và cũng có mơ ước sở hữu 1 căn NƠXH, tuy nhiên chị Bùi Thị Thu Hằng, công nhân công ty Nidec Việt Nam vẫn khó thực hiện. Chị Hằng cho biết, với mức thu nhập chỉ khoảng 10 triệu đồng/tháng nên chị vẫn chưa thể đáp ứng được yêu cầu mua NƠXH.
"Nếu chi tiêu tiết kiệm thì mỗi tháng, gia đình tôi chỉ để dành được 1-2 triệu đồng. Trong khi đó, mỗi căn NƠXH thường có giá từ 1 tỷ đồng trở lên, quá cao so với thu nhập của người lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất. Vì vậy, NƠXH vẫn chỉ là giấc mơ đối với người lao động ngoại tỉnh khi làm việc TP Hồ Chí Minh".
Trong khi đó, anh Lê Quang Hưng, công nhân làm việc trong Khu chế xuất (KCX) Linh Trung cho biết, điều kiện vay vốn dành cho người lao động mua NƠXH cũng rất khó khăn, giới hạn chỉ là người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp (KCN), có thu nhập thường xuyên, không thuộc diện phải nộp thuế thu nhập theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân.
"Ngoài ra, công nhân muốn vay vốn mua NƠXH phải đảm bảo điều kiện thực hiện gửi tiền tiết kiệm hàng tháng tại Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) với thời gian gửi tối thiểu 12 tháng, kể từ ngày ký hợp đồng tín dụng với NHCSXH, mức gửi hàng tháng tối thiểu bằng mức trả nợ gốc bình quân tháng của người vay vốn. Đây là những điều khó để người lao động đáp ứng đủ điều kiện mua nhà", anh Hưng nói.
Bà Nguyễn Kim Loan, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương cho biết, tại đây có hơn 80% người lao động ngoài tỉnh. Theo khảo sát, có đến 129.000 người có nhu cầu thuê mua và mua NƠXH. Tuy nhiên, đa số người lao động còn băn khoẳn khi thủ tục chưa rạch ròi. Hiện có 10 mẫu khác nhau để xét điều kiện mua, nhưng trong đó 6 mẫu dành cho cán bộ, công chức, còn lại mới xét tới công nhân.
"Vì vậy, để người lao động tiếp cận NƠXH, các cơ quan chức năng cần giảm thủ tục với NƠXH bán, cho thuê với hình thức chỉ cần chủ doanh nghiệp xác định thu nhập của công đoàn viên là đủ, còn theo địa phương hay các quy định khác thì rất khó để người lao động xác nhận đủ điều kiện mua NƠXH", bà Nguyễn Kim Loan kiến nghị.
Cần cơ chế triển khai
Ông Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP Hồ Chí Minh cho rằng, với người có thu nhập thấp, sở hữu một căn nhà, dù là NƠXH cũng là điều mơ ước. Nhưng với phương án NƠXH cho thuê sẽ có khả thi hơn và cần được xem xét triển khai. Ở các tỉnh có quỹ đất, có nhiều KCX, KCN thì tính khả thi triển khai việc xây dựng NƠXH cho thuê sẽ đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, ở TP Hồ Chí Minh, quỹ đất không nhiều, thu nhập của người lao động cũng không nhiều, vì vậy việc triển khai này cũng gặp khó.
Theo ông Trần Đoàn Trung, để tạo điều kiện hỗ trợ công nhân thuê NƠXH, các cơ quan chức năng có thể dùng chính sách hỗ trợ lãi suất cho công nhân thuê với mức 3 - 4%/năm, có như vậy doanh nghiệp đầu tư sẽ quan tâm hơn. Chỉ khi nhà nước "cầm trịch", các cơ quan liên quan tham gia thì việc triển khai NƠXH cho thuê mới thuận lợi.
Trong khi đó, ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Lê Thành, cho biết, việc đầu tư xây dựng NƠXH để bán còn khó thì việc cho thuê còn khó khăn gấp bội. Theo tính toán của ông Nghĩa: "Đầu tiên là bài toán vốn và lợi nhuận. Nếu làm 1 căn NƠXH là 500 triệu đồng, 1.000 căn thì phải có 500 tỉ đồng. Giá cho thuê NƠXH trung bình 3 - 3,5 triệu/tháng, 1 năm thu về 40 tỉ đồng. Trong khi để có tiền đầu tư, doanh nghiệp phải vay ngân hàng với lãi suất thấp nhất 10%. Tính ra, vay 50 tỉ đồng, trừ lại tiền thu, mỗi năm doanh nghiệp lỗ ít nhất 10 tỉ đồng. Vậy có chủ đầu tư nào chịu làm hay không?".
Dưới góc độ nhà quản lý, ông Mai Thanh Tùng, Phó Trưởng Phòng Phát triển nhà và Thị trường bất động sản, Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho biết, từ năm 2016 đến nay, TP Hồ Chí Minh đã có 16.000 căn NƠXH hoàn thiện. Thời gian qua, lãnh đạo thành phố đã rất nỗ lực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan dự án NƠXH. Thế nhưng, khó khăn này được tháo dỡ thì khó khăn khác lại phát sinh. Hiện TP Hồ Chí Minh có đến 5 nhóm vấn đề khó khăn lớn đang gặp phải: Công tác chấp thuận chủ trương đầu tư, công tác quy hoạch, các dự án đầu tư công, công tác đấu thầu và tài chính.
Để giải quyết những khó khăn này, ông Mai Thanh Tùng cho biết, Sở Xây dựng đã có 37 công văn báo cáo Bộ Xây dựng; lãnh đạo TP Hồ Chí Minh cũng đã có 15 thông báo, giao các Sở, ngành tập trung tháo gỡ khó khăn cho NƠXH.
Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh sẽ tập trung quy hoạch, rà soát quỹ đất; tiếp tục triển khai theo Nghị quyết 9/2023 để có nguồn tài chính hỗ trợ lãi suất cho NƠXH, nhà ở cho công nhân; đồng thời tiếp tục chỉ đạo các Sở, ngành khẩn trương giải quyết các vướng mắc thuộc thẩm quyền giải quyết; tổ chức họp chuyên đề về NƠXH định kỳ hoặc đột xuất nhằm giải quyết kịp thời các khó khăn vướng mắc của các dự án NƠXH trên địa bàn.