Bốn nhà sản xuất ô tô và một nhà sản xuất xe máy Nhật Bản bị phát hiện có gian lận trong các bài kiểm tra an toàn sản phẩm. Trong đó, cơ quan chức năng buộc Toyota, Mazda, Yamaha phải đình chỉ xuất xưởng và phân phối 6 mẫu xe.
Bộ Giao thông, Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Du lịch Nhật Bản ngày 3/6 cho biết, 4 nhà sản xuất ô tô và 1 nhà sản xuất xe máy đã thừa nhận có những sai sót trong các cuộc kiểm tra an toàn sản phẩm trước khi xuất xưởng hàng loạt.
Cụ thể, Toyota Motor, Mazda Motor và Yamaha Motor được bộ yêu cầu tạm đình chỉ xuất xưởng và phân phối 6 mẫu xe cho đến khi các mẫu này đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn. Hai công ty còn lại là Honda Motor và Suzuki Motor trước mắt bị cáo buộc đã có gian lận trong báo cáo quá trình kiểm tra an toàn xe.
Theo Nikkei Asia, kết quả trên là nỗ lực của Bộ Giao thông, Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Du lịch Nhật Bản trong việc giải quyết bê bối chất lượng sản phẩm của Daihatsu và Toyota xảy ra trong năm 2023.
Bộ đã rà soát và yêu cầu 85 công ty, bao gồm các nhà sản xuất ô tô và các nhà sản xuất cung ứng linh kiện phụ tùng, điều tra xem có bất kỳ bất thường nào trong các hồ sơ đăng ký chứng nhận chất lượng và an toàn sản phẩm của họ hay không.
Kết quả cho thấy, hãng xe Mazda có sai phạm đối với 5 mẫu xe, trong đó có 2 mẫu vẫn đang được sản xuất. Yamaha Motor có 3 mẫu xe, trong đó 1 mẫu vẫn đang được sản xuất. Honda đã báo cáo 22 mẫu xe và Suzuki có 1 mẫu liên quan gian lận trong thử nghiệm kiểm tra an toàn xe, nhưng không có chiếc nào trong số này đang được sản xuất.
Toyota cho biết, hãng đã ngừng xuất xưởng và bán nội địa 3 mẫu Corolla Fielder, Corolla Axio và Yaris Cross do hồ sơ chứng nhận an toàn xe không bảo đảm thực hiện đầy đủ các bài kiểm tra về khả năng bảo vệ người đi bộ và người ngồi trên xe. Bên cạnh đó, 4 mẫu xe khác của Toyota là Crown, Isis, Sienta và RX cũng được hãng xác nhận đã có sai sót trong các thử nghiệm va chạm. Tuy nhiên, 4 mẫu xe này hiện không còn sản xuất.
Trong cuộc họp báo ngày 3/6, Chủ tịch Toyota Akio Toyoda bày tỏ: “Tôi muốn gửi lời xin lỗi chân thành tới khách hàng, những người đam mê ô tô và tất cả các bên liên quan”. Tuy nhiên, hãng Toyota vẫn khẳng định, các sản phẩm của hãng đã giao đến tay người tiêu dùng là bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật và khách hàng vẫn có thể sử dụng xe bình thường.
Trước đó, trong tuyên bố mới nhất, Bộ Giao thông, Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Du lịch Nhật Bản gọi những bất thường này là "hành động làm suy yếu lòng tin của người sử dụng ô tô và làm lung lay nền tảng của hệ thống chứng nhận ô tô".
Dự kiến, ngày 4/6, bộ sẽ tiến hành kiểm tra trực tiếp tại Toyota và sau đó là 4 công ty còn lại trong danh sách trên.
Trước đó, hồi tháng 1, cơ quan chức năng của Nhật Bản đã tuyên bố hủy bỏ giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn và chất lượng đối với 3 mẫu xe do Daihatsu - công ty con thuộc Toyota sản xuất sau những gian lận thử nghiệm ô tô bị phanh phui hồi tháng 12/2023.
Sai phạm của Daihatsu trước khi được phanh phui đã "âm thầm" diễn ra từ năm 1989 đến nay. Vụ bê bối của Daihatsu còn liên quan đến 58 nhà phân phối trực thuộc với 778 đại lý bán ô tô tại Nhật Bản, nếu cộng cả các đại lý nhỏ phân phối xe của Daihatsu thì nhà sản xuất này có khoảng 30.000 cửa hàng bán xe tại Nhật Bản bị ảnh hưởng.
Toyota cho biết, Daihatsu đã sản xuất 1,1 triệu xe trong 10 tháng đầu năm 2023, gần 40% trong số đó đến từ các nhà máy ở nước ngoài. Hãng cũng đã bán được khoảng 660.000 xe trên toàn thế giới trong cùng kỳ và chiếm 7% doanh số bán hàng của Toyota.
Các nhà phân tích cho biết sự cố gian lận thử nghiệm an toàn và chất lượng của Daihatsu đã tác động không nhỏ đến lợi nhuận của Toyota. Chỉ tính riêng việc đình chỉ sản xuất trong một tháng sẽ tương đương với sản lượng 120.000 xe, điều này khiến doanh thu của Toyota sẽ giảm 240 tỷ yên (1,68 tỷ USD).
TB (theo Vietnamnet)