Sau 2 năm ở nhà do không tìm được việc làm ở địa phương, Việt Trinh (sinh năm 1993, dân tộc Tà Ôi, xã A Ngo, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế) quyết định theo học nghề may công nghiệp.
Trinh kể tốt nghiệp đại học ngành công tác xã hội, nhưng ở địa phương các nghề liên quan đến ngành này khá ít. Ngại bôn ba ở các thành phố lớn nên Trinh ở nhà quanh quẩn việc nhà với nghề nông. Thu nhập ít ỏi chỉ nhìn vào nuôi lợn, trồng lúa.
Các khóa học của Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn bỗng trở thành cơ hội. “Ở địa phương, các trung tâm liên quan đến xã hội rất ít, việc làm thiếu mà chủ yếu là các nghề liên quan đến nông nghiệp. Nhưng làm thuê, làm nông cũng rất vất vả do điều kiện thời tiết, khí hậu thất thường. Thấy trung tâm giới thiệu có lớp học nghề may nên em quyết đăng ký”, Trinh nói.
Cô gái trẻ cho hay chọn nghề may bởi cũng phù hợp với sở thích và nhận thấy địa phương đang có doanh nghiệp đầu tư vào ngành này nên nghĩ đây sẽ là một cơ hội việc làm.
“Đi học nghề may em không ngại bởi em nghĩ biết thêm một nghề cũng tốt hơn cho bản thân mình. Cơ hội việc làm hiếm nên thấy trường đăng tuyển em cũng muốn tận dụng cơ hội này. Khóa học kéo dài hơn 2 tháng nhưng cũng giúp em hiểu những kỹ năng khá chuyên sâu của nghề may. Em có thể may từ những cái đơn giản đến những cái khó. Học sơ cấp không thể giỏi ngay nhưng càng vì thế bản thân càng phải rèn luyện”.
Trinh hy vọng sau khóa học sẽ có trong tay được một cái nghề và có thể tự tin tìm đến các doanh nghiệp xin việc làm, có được công việc ổn định và thu nhập trang trải cuộc sống.
Nhiều bạn trẻ tìm cách học nghề từ những nghề thế mạnh của địa phương. Ảnh minh họa: Lê Anh Dũng |
Tình cảnh tương tự cũng là động lực khiến Hồ Thị Đon (sinh năm 1992) quyết định đăng ký học nghề may dù có trong tay tấm bằng sư phạm tiểu học tại Trường Đại học Vinh. Ra trường với ước mơ trở thành giáo viên nhưng sau 5 năm vẫn không xin được việc làm, Đon cảm thấy thất vọng.
"Lúc chờ đợi xin việc làm thì rất chán nản vì không có lương".
"Trong 5 năm em đã từng đi xin việc, dạy hợp đồng song phải dạy vùng sâu vùng xa của huyện cách nhà khoảng 60 cây số".
"Những ngày tháng đi dạy hợp đồng, phải vượt quãng đường đến nơi rất xa nhà. Dạy hợp đồng thì lương thấp, 30.000 đồng 1 tiết, mỗi tháng được khoảng từ 2 đến 2 triệu rưỡi, tùy theo số tiết dạy. Đi đi về về, tiền lương chỉ đủ tiền xăng xe".
Cũng vì thế mà chỉ được mấy năm đầu, sau rồi Đon ở nhà luôn vì lương không đủ để trang trải cuộc sống. Lấy chồng sinh con xong, có một thời gian Đon tính yên phận đi làm nương rẫy bởi cũng nhiều bạn học xong đại học chưa xin được công việc như em.
“Mức lương không ổn định nên nghe huyện mở lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn em tìm đến nghề may với hy vọng có thể tìm được công việc và mức lương ổn định để có thể trang trải cuộc sống”, Đon chia sẻ.
Đó cũng là tâm lý của Đào Anh Lộc (sinh năm 1994, xã Phú Vinh, huyện A Lưới). Trước khi đi học nghề may, Lộc đã học trung cấp ngành y học dự phòng Trường Cao đẳng Y tế Huế nhưng tốt nghiệp không xin được việc làm. “Khi ra trường, em cũng đã thử xin nhiều nơi, kể cả các công việc ngoài ngành học như giao hàng,… nhưng chưa được. Ra trường mà không xin được việc làm ở nhà cảm thấy rất buồn và thất vọng vì mình không lo được cho bản thân và tạo gánh nặng cho gia đình. Lúc đó ai kêu gì làm nấy, thu nhập lúc có lúc không”.
Ở nhà chăn nuôi nhưng không đủ thu nhập, Lộc quyết định đăng ký học nghề may.
“Qua được đào tạo mình sẽ có tay nghề, nếu có không xin được vào các công ty thì mình vẫn có tay nghề để có thể phụ trợ cho gia đình”, Lộc chia sẻ đang theo học lớp đào tạo nghề 3 tháng.
Học trung cấp kế toán 3 năm về nhưng địa phương A Lưới chưa phổ biến, phát triển công việc này nên Hồ Thị Tin (sinh năm 1996, dân tộc Tà Ôi, ở xã Hồng Quảng, huyện A Lưới) cũng không xin được việc làm dù ra trường 3 năm.
“Ra trường em nộp hồ sơ ứng tuyển nhiều việc nhưng không được. Không tìm được việc làm em thấy rất buồn”. Do đó khi thấy có mở lớp, Tin đã chủ động đăng ký học may công nghiệp với hy vọng sẽ có trong tay một cái nghề.
“Bí quá em vẫn có thể mua một máy may và đáp ứng nhu cầu của xóm làng cũng được. Có một nghề mình có thể chủ động bảo đảm được kinh tế gia đình hơn”.
Ông Hồ Ngọc Sinh, Tổ trưởng Tổ đào tạo nghề và hướng nghiệp của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện A Lưới chia sẻ do thực tế thừa thầy thiếu thợ nên một số em học đại học ra không tìm được việc và để giải quyết được cuộc sống thì tìm đến học nghề, trong đó có nghề may công nghiệp.
Hiện nay, ở trung tâm có đến 3 học viên trình độ đại học về học nghề may công nghiệp, số còn lại có cả từng tốt nghiệp cao đẳng.
“Điều này phản ánh thực tế các ngành nghề về kiến thức chuyên môn ra trường khó có việc làm trong khi đó các ngành nghề mang tính kỹ thuật thì nhu cầu xã hội là rất lớn và có thể giải quyết được công ăn việc làm cho các em”, ông Sinh nói.
Theo ông Sinh, từ năm 2012 đến 2015, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện A Lưới mở được 5 lớp may công nghiệp và khi mở trung tâm gắn kết, liên hệ với doanh nghiệp để học viên có thể được trải nghiệm, tham quan trực tiếp quy trình làm việc.
Ông Ma Văn Thắng, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thắng Tiến cho biết đang liên hệ với các trung tâm giáo dục nghề nghiệp bởi có nhu cầu đào tạo được các công nhân lành nghề.
Ông Thắng cho biết công ty đang mở rộng quy mô cơ sở và mục tiêu đến cuối năm 2019 cần 250 nhân công. Do đó rất cần nguồn nhân lực có tay nghề. “Chúng tôi cũng bảo đảm cho các công nhân có công ăn việc làm với thu nhập từ 4 đến 7 triệu ngoài bữa ăn trưa”, ông Thắng nói.
Theo Vietnamnet